Chùa Hội Linh, còn có tên gọi khác Hội Linh Cổ Tự, thuộc hệ phái Bắc tông - tọa lạc trên diện tích 6.500m2 tại số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám (cách đường khoảng 200 mét), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Chùa Hội Linh được khởi lập vào ngày rằm tháng hai năm Đinh Mùi 1907, theo dòng Thiền Tông Lâm Tế. Chùa do một gia đình phật tử - ông Phạm Văn Bường (pháp danh Thông Lý) và bà Nguyễn Thị Tám (pháp danh Thông Ngọc) cúng dường đất cho Hòa thượng Thích Khánh Hưng, thế danh Quý Thanh Hương đứng ra trông coi xây cất.
|
Chùa Hội Linh. |
Ban đầu chùa được cất đơn sơ bằng cột cây, vách và mái lợp lá, cửa chùa quay ra hướng sông Hậu, đặt tên “Hội Long Tự”. Vì chùa nằm ở ngọn một con rạch nhỏ, nên còn có tên là chùa Xẽo Cạn. Chùa tọa lạc trên diện tích gần 1ha thuộc thôn Thái Bình, tổng Định Bảo (năm 1958 đổi lại thành xã An Bình, tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh; năm 1968 đổi thành phường An Thới, tỉnh Cần Thơ; sau ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất thuộc phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang; năm 1992 được đổi lại phường An Thới, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ). Hiện nay chùa tọa lạc tại số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Hòa thượng Thích Khánh Hưng trụ trì chùa từ ngày khởi lập đến ngày mùng 5 tháng 3 năm Giáp Dần 1914 thì viên tịch. Hòa thượng Thích Hoằng Đạo, thế danh Võ Văn Nhuận sinh năm Mậu Dần 1878 thay thế trụ trì cho đến ngày mùng 7 tháng 6 năm Nhâm Tuất 1922 thì viên tịch, hưởng dương 45 tuổi. Tại chùa còn lưu hai bảng gỗ khắc công đức của 75 thiện nam, tín nữ phật tử đồng hỷ cúng xây cất mới ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố - tường gạch mái lợp ngói, đổi tên chùa thành Hội Linh Cổ Tự.
Năm 1944, Thượng tọa Thích Pháp Thân, thế danh Dương Văn Đề sinh năm Quí Mão - 1903, thay thế trụ trì chùa cho đến ngày 18 tháng 8 năm 1970. Hòa thượng Thích Pháp Thân (được tấn phong ngày mùng 4 tháng 8 năm 1967 và được Giáo hội Phật giáo tỉnh Phong Dinh bấy giờ suy tôn Hòa thượng chứng minh của Giáo hội) đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước thọ thế 68 tuổi.
Sau khi Hòa thượng Thích Pháp Thân viên tịch, Sư đệ của Hòa thượng là Hòa thượng Thích Pháp Hiện, thế danh Huỳnh Văn Đức sinh năm Đinh Mùi 1907 (thọ thế 81 tuổi) thay trụ trì chùa Hội Linh hai năm (1970 1972) chuyển sang tu nơi khác.
Năm 1972, Thượng tọa Thích Chơn Đức (đệ tử Hòa thượng Thích Pháp Thân) thế danh Phan Văn Bảy, sinh năm Ất Sửu 1925, nguyên quán Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ, thay sư thúc của mình giữ chức trụ trì chùa, đến năm 1998 Thượng tọa Chơn Đức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và tiếp tục trụ trì chùa cho đến hết năm 2005.
Cuối năm 2005, vì tuổi cao sức yếu, Hòa thượng Chơn Đức đã giao trách nhiệm cho Thượng tọa Thích Thiện Pháp (Thượng tọa Thiện Pháp gọi Hòa thượng Chơn Đức là sư thúc trong tông môn) thay Hòa thượng điều hành phật sự tại chùa Hội Linh.
Hội Linh Cổ Tự ra đời đến nay đã hơn một thế kỷ (102 năm).
Từ ngoài vào là cổng tam quan vừa hiện đại vừa cổ kính, dưới tán 2 cây đa cổ thụ rợp bóng, dãy tường rào tạo hình cánh cung, cổng chính vươn ra phía trước, trên nóc các cổng đều được lợp mái cong giả ngói âm dương màu xanh. Mỗi cổng đều có 2 câu đối bằng chữ Hán đắp nổi. Cổng chính lợp 2 lớp mái ngói, nóc có gắn lưỡng long tranh châu bằng đất nung màu xanh, hai bên trụ cột có 2 câu đối bằng chữ Hán:
“ Hội xuất Thần Châu ngũ bá cao tăng thường tự tại
Linh minh thánh cảnh tam thiên đại giác nhiệm Như Lai”
Sau cổng chính là ao sen hình bán nguyệt rộng khoảng 25m2, xung quanh trồng những cây dương liễu rũ nhánh soi bóng dưới ao. Giữa ao có tượng đài lộ thiên Quán Thế Âm Bồ Tát cao gần 3 mét. Cổng trái là lối đi chính vào chùa. Bên trái có Bảo tháp to cao hơn 10 mét, là nơi yên nghỉ của cố Hòa thượng Thích Pháp Thân. Bên trong có thêm Bảo tháp cao hơn 8 mét là nơi yên nghỉ của cố Hòa thượng Thích Hoằng Đạo và 2 tháp nhỏ của Hòa thượng Khánh Hưng, Hòa thượng Trí Đăng. Bên phải là một khoảng sân khá rộng, trên sân có miếu Ngũ Hành bên trái, Thổ Thần bên phải, ở giữa trồng nhiều hoa kiểng và nhiều chậu cây bonsai sum suê tạo một không gian an lành.
Phía trước mặt ngôi chánh điện phần trên là ba gian cổ lầu, ở giữa Đức Phật A Di Đà, bên phải tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, bên trái tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Trên mái chia làm 3 nóc được lợp bằng vật liệu xi măng đúc thành hình vảy cá, nóc giữa mái tạo dáng tròn cạnh lục giác, trên đỉnh là hình búp sen, các đầu đao gắn cách điệu dây lá; 2 nóc hai bên đỉnh là bầu rượu, mái tạo hình phẳng cạnh tứ giác uốn cong lên, các đầu đao cũng gắn cách điệu dây lá (phần kiến trúc này đều do sự khởi ý chuẩn bị của HT. Pháp Thân và HT.Chơn Đức là người thực hiện hoàn thành vào năm 1972). Phần dưới, ở giữa 2 cửa ra vào chánh điện còn an trí thêm tượng Đức Phật A Di Đà.
Ngôi chánh điện rộng 288m2, nóc cao hơn 9 mét, có 2 cửa chính đi vào, chia thành 3 gian. Bên trong là 3 điện thờ trung tâm, có treo 3 bức hoành phi khắc bằng chữ Hán ở giữa là “Hội Linh Tự”, bên trái “Tam vô tư địa”, bên phải “Thưởng thiện phạt ác”.
Điện thờ chính ở giữa, phía trước có khung bao lam chạm khắc tuyệt mỹ cây, hoa, lá, rồng, phụng, hưu... sơn son thếp vàng, hai bên có 2 câu liễn đối: “Phật nhựt tăng huy tự hán vĩnh bình đoan tại thử, Pháp luân thường chuyển duy đường trinh quán đạo vưu thâm”. Bên trong an trí Đức A Di Đà Phật ngồi trên tòa sen cao 1,5 mét. Phía trước hai bên tôn 2 tượng đứng ông Thiện - ông Ác, ở giữa tượng Đức Địa Tạng cởi Kỳ Lân. Bậc dưới tôn tượng Đức Thích Ca Đản sanh. Bàn phía dưới trước điện an trí tượng Đức Phật Thích Ca Niết Bàn chiều dài 1,5 mét, 2 đầu bàn xếp chuông mõ; Điện bên trái, an trí Đức Đại Thế Chí Bồ Tát thếp vàng, 2 bên đặt 4 tượng đứng 4 vị thần Kim Cang. Phía trước tôn tượng Ai Đà tiếp dẫn, 2 bên 2 tượng phán quan. Trên tủ thờ trước điện đặt tượng Quan Thánh chúng ngồi; Điện bên phải, an trí Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thếp vàng, 2 bên 4 vị thần Kim Cang. Ở giữa đặt 2 tượng trong 10 vị thập điện và 2 tượng nhỏ 2 vị phán quan, phía trước có 1 tượng nhỏ Đức Địa Tạng đứng. Trên tủ thờ trước điện còn có thêm 2 tượng nhỏ Đức Phật Thích Ca ngồi. Ngoài ra, 2 cột hai bên còn có 2 câu liễn đối: “Thiên đường chánh tu ốc lậu đổ thanh thiên, Địa ngục vô môn chỉ vị thốn tâm đa ám địa”.
Ở giữa chánh điện là pho tượng Đức Phật Di Lặc Bồ Tát ngồi to, cao 2,5 mét. Phía sau lưng Đức Di Lặc là tháp đèn Dược Sư có 49 ngọn đèn (đèn bóng có tim đốt bằng dầu lửa thắp suốt ngày đêm). Tháp đèn được gia công bằng danh mộc gồm 7 tầng, mỗi tầng 7 ngọn đèn và đều có một Đức Phật dược sư an ngự. Phía sau tháp đèn là một khoảng trống nơi hành lễ của sư trụ trì. Đối diện tượng Phật Di Lặc là bàn thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, bên dưới có tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và 2 tượng đứng Đức Hộ pháp, Tiêu diện Đại sĩ.
Phía sau điện thờ chính là gian thờ Hậu Tổ. Ở giữa, đặt tượng thờ Đức Tổ Sư Lạc Ma, bên phải, bên trái thờ các vị tiền bối hữu công hộ trì tam bảo. Cả 3 bàn thờ xếp nhiều bài vị các cố Hòa thượng tiền nhiệm trụ trì bổn tự và các tiền bối đã quá vãng, chạm trổ rất công phu.
Nối tiếp chánh điện, gian thứ hai rộng 144m2, ở giữa đặt bàn thờ Tổ quốc có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lưng bàn thờ Tổ quốc, treo một khung ảnh đen trắng lớn lưu niệm các đồ chúng chụp chung với Hòa thượng Huệ Đăng lúc còn sanh tiền (trong ảnh này có HT.Thích Pháp Thân). Gian này còn được dùng làm nơi tiếp khách.
Gian thứ ba là giảng đạo đường là nơi giảng kinh cho đồ chúng trong tự viện (gia giáo), thuyết pháp trong những ngày lễ hội cho đại đa số tăng ni, tín đồ phật tử... Phía trước ngay giữa gian 3 là bàn thờ Đức Phật Chuẩn Đề Bồ Tát. Để tưởng nhớ công lao to lớn của 2 vị Hòa thượng trụ trì đời thứ ba và đời thứ tư, 2 bên bàn thờ Chuẩn Đề an trí 2 bức di ảnh, bên phải là Hòa thượng Hoằng Đạo, bên trái là Hòa thượng Pháp Thân.
Kiến trúc chùa Hội Linh không giống như kiến trúc của các ngôi chùa Phật cổ khác. Từ gian chánh điện đến các gian nối tiếp theo tạo thành một trục thẳng với chiều ngang bằng nhau, chùa được xây dựng bằng vật liệu gạch, xi măng, sắt, gỗ, mái lợp ngói, nền lát gạch tàu. Kết cấu tường gạch,hệ thống vòm mái được nâng đỡ bởi những hàng cột gỗ quý tròn đường kính 25cm có chân đế bằng đá, trụ xi măng. Các vỉ kèo kết cấu đơn giản, làm theo kiểu nhà Trính, các cây trổng được bào láng đặt trên cối hình vuông, hình thang, đầu trổng có hình cánh dơi. Các bao lam nơi chánh điện và các điện thờ được chạm trổ rất công phu. Họa tiết, hoa văn trang trí trong chùa đều theo những quy ước truyền thống: Long Quy Phụng Hưu, Mai Lan Cúc Trúc Sen...
Chùa Hội Linh có hơn 100 pho tượng lớn nhỏ bằng nhiều chất liệu khác nhau: đồng, gỗ, xi măng, thạch cao... trong đó có 17 pho tượng bằng gỗ. Các pho tượng thể hiện cách nhìn của nghệ nhân về tỷ lệ người khá chuẩn và tay nghề rất điêu luyện, sắc xảo. Riêng tượng Giám Trai thật sự là một tác phẩm điêu khắc độc đáo.
***
Sự hình thành và tồn tại của chùa Hội Linh trong khoảng hơn 100 năm gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Cần Thơ nói riêng. Từ năm 1941, chùa Hội Linh đã trở thành một cơ sở bí mật của cách mạng. Các Hòa thượng, tăng ni và bà con phật tử trong vùng che chở, đùm bọc, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Hoàng Lương, Lâm Hồng Quang, Thiều Quang Thể, Nguyễn Kim Hạnh, Trương Văn Biên... hoạt động nội thành từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến hết 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Năm 1946, để bảo vệ cơ sở cách mạng tại đây, Hòa thượng Thích Pháp Thân đã quyết định đốt một phần ngôi chánh điện. Sự hy sinh của nhà chùa thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, của các vị Hòa thượng, các tăng ni rất cao.
Sau hiệp định Genève, chùa Hội Linh vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng vững chắc và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng bám trụ hoạt động. Chùa là địa điểm bí mật tổ chức nhiều cuộc họp triển khai đường lối chủ trương chính sách của cách mạng và nội dung hình thức đấu tranh công khai với địch. Từ cơ sở chùa Hội Linh đã tổ chức 13 hội, nghiệp đoàn như: Hội truyền bá quốc ngữ, hội tương tế... nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn xe lôi, nghiệp đoàn nông dân, nghiệp đoàn phụ nữ mua gánh bán bưng...
Địch nghi chùa Hội Linh là cơ sở “Việt cộng nằm vùng”, từng cho một trung đội lính đến bao vây nhà chùa. Không tìm ra tang vật chứng, địch bắt Hòa thượng Thích Pháp Thân cùng với 6 vị tăng và 6 phật tử giam giữ điều tra ở nhà tù Phú Lợi hết 3 năm. Bọn ngụy quyền đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn rất dã man nhưng Hòa thượng Pháp Thân và các chư tăng, phật tử đều giữ vững khí tiết một lòng kiên trung với cách mạng. Cơ sở cách mạng tại chùa Hội Linh vẫn được an toàn và tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng cho đến ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Trong thời gian chống Mỹ, nhà chùa còn công khai tiếp đón, giúp đỡ, lo chu đáo về chỗ ăn chỗ ở cho hơn 200 gia đình thân nhân hằng tuần từ các nơi về đây thăm chồng con em là cán bộ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt giam tại trại tù binh Lộ Tẻ.
Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của chùa Hội Linh, Nhà nước đã trao tặng cho nhà chùa, các vị hòa thượng trụ trì và bà con phật tử chung quanh chùa Hội Linh nhiều giấy khen, bằng khen và huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, đã công nhận liệt sĩ Dương Văn Đề (tức Hòa thượng Thích Pháp Thân) đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất cho chùa Hội Linh.
Bộ Văn hóa Thông Tin có quyết định số 774/QĐBT/1993 ngày 21/6/1993 công nhận chùa Hội Linh là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2005, Nhà nước đã đầu tư ngân sách tu bổ sửa chữa lại toàn bộ ngôi chùa, hoàn thành vào cuối năm 2006.
Chùa Hội Linh ngày nay là một cơ sở tôn giáo được đông đảo bà con phật tử đến tu học và lễ bái. Chùa tiếp tục hướng dẫn cho các tăng ni và bà con phật tử theo đúng con đường giáo lý của nhà Phật, nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đạo đẹp đời. Hằng tháng có tổ chức sinh hoạt thuyết giảng cho phật tử tập tu. Hằng năm, vào mùa tuyển sinh cao đẳng và đại học, chùa Hội Linh còn là một địa điểm tin cậy, đã nuôi cơm và lo chu đáo chỗ ở cho các sĩ tử con em của bà con nông dân nghèo ở nông thôn lên Cần Thơ dự thi. Chùa Hội Linh còn tích cực tham gia làm công tác từ thiện xã hội ở địa phương: hằng năm đã phân phát gạo cho người nghèo, cung cấp tập vở cho các học sinh hiếu học gia đình khó khăn, ủng hộ tiền sửa chữa cầu đường và xây nhà tình thương cho người nghèo...
Bài, ảnh: TRẦN QUỐC LƯƠNG
Bài viết tham khảo tư liệu Hồ sơ di tích Chùa Hội Linh của Bảo tàng Cần Thơ