27/07/2013 - 19:29

Chùa “Cây Trôm”

Chuyện kể rằng cách nay trên 100 năm, tại chùa Phước An, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, xuất hiện một cây trôm rất tươi tốt cao gần 40 mét. Vì vậy người dân địa phương quen gọi chùa Phước An là chùa "Cây Trôm". Do nằm cạnh sân bay Trà Nóc của Mỹ - Ngụy, trước ngày miền Nam giải phóng, lực lượng du kích của ta nhiều lần dùng cây trôm nầy làm đài quan sát để đánh phá sân bay. Phát hiện, địch huy động lực lượng đến đốn hạ cây. Hôm đó trời đang quang đãng bỗng dưng mây đen kéo đến vần vũ kèm theo những tiếng sấm sét rất kinh khủng, cây trôm rung lên bần bật khiến bọn lính nháo nhào bỏ chạy tán loạn. Từ đó chúng không còn dám bén mảng đến chùa "Cây Trôm".

Không biết thực hư ra sao nhưng nhân dân địa phương truyền miệng là điều linh ứng rất lạ thường.

     Chùa Phước An ở Bình Thủy 

Chùa Phước An thành lập từ năm 1788, mới đầu chỉ là một cái am nhỏ do một vị thiền sư người Huế vào gầy dựng. Mười mấy năm sau thiền sư đột ngột mất tích rất bí ẩn. Năm 1810 có một nhà sư khác quê Bình Định tên Thích Như Tri đến đây gây dựng lại ngôi chùa với nhiều hạng mục như chánh điện, nhà tổ, tượng Phật nhiều loại gỗ quý hiếm chuyên chở từ miền Trung vào bằng bè. Đi kèm với bè là đội ngũ thợ điêu khắc gỗ rất tài hoa. Thiền sư nầy mất ngày mùng 8 tháng chạp năm 1884, thọ 99 tuổi.

Có một câu chuyện truyền miệng là khi còn sống, thiền sư nầy có nuôi một hầm cá tra trên 100 con, mỗi con có trọng lượng từ 5 đến 6 kg, lúc sắp viên tịch, ngài gọi các đồ đệ lại và căn dặn phải thả chúng ra sông. Tuy nhiên lời dặn ấy chưa kịp thực hiện thì ngài đã mãn phần. Lúc ấy toàn bộ số cá tra bỗng dưng ngửa bụng lên mặt nước và chết đồng loạt. Hiện nay, ngôi mộ của thiền sư vẫn đặt đúng vị trí mà ngài căn dặn với ý nguyện sẽ phổ độ chúng sanh và tăng ni xung quanh chùa làm ăn tấn tới, tai qua nạn khỏi.

Từ năm 1884 đến nay, chùa Phước An đã được trùng tu mở rộng nâng cấp nhiều lần và trải qua rất nhiều người trụ trì kèm nhiều biến cố lịch sử chiến tranh. Năm 1924, có ông Đồ Hiển quê Quảng Ngãi đến mở phòng thuốc nam vừa trị bệnh cho dân nghèo vừa truyền bá tinh thần cách mạng. Năm 1935, Thầy Phước Quang xin ty điền địa làm bằng khoán cho chùa với diện tích trên 100 công tầm lớn để tiếp tế cho Việt Minh mỗi năm hàng ngàn giạ lúa. Năm 1945, cơ quan chính quyền cách mạng và dân quân du kích đến trú chân khá lâu tại đây. Đặc biệt nhất là vào năm 1950, ông Nguyễn Văn Thừa, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã vận động chùa dùng toàn bộ số cột chùa làm rào cản ngăn không cho tàu địch tiến vào sông Trà Nóc, số xiên, kèo xây dựng khán đài lưu động để tổ chức các cuộc biểu tình cổ vũ khí thế cách mạng đang lên. Sau đó, giặc điên cuồng bắn phá dữ dội chùa để trả thù. Sau ngày miền Nam giải phóng, chùa tiếp tục vận động Phật tử bắt tay xây dựng lại ngôi chùa ngày một khang trang. Năm 2000, sư cô Thích Nữ Từ Tâm được phân công làm trụ trì chùa cho đến hôm nay.

Năm 2009, chùa Phước An phải chuyển về địa điểm mới (phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) trên diện tích 6.000 mét vuông và được các Phật tử tự nguyện đóng góp kinh phí trên 10 tỉ đồng xây dựng mới nhiều hạng mục khang trang như: Chánh điện, tượng Phật Bà Quan Âm cao 20 mét, tượng Phật Di Lặc, phòng khám bệnh miễn phí, các bửu tháp cùng các công trình phụ khác đã tạo diện mạo mới thật uy nghi tráng lệ, linh thiêng. Ngày 3-5-2013 chùa Phước An mới chính thức khánh thành với sự vui mừng hoan hỉ của bà con Phật tử Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đây là một trong những ngôi chùa rộng, thoáng, đẹp ở thành phố Cần Thơ hiện nay.

Tiếp tục truyền thống tốt đẹp vốn có, chùa Phước An luôn đi đầu trong công tác xã hội từ thiện, đặc biệt và hoạt động của phòng khám, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo suốt 20 năm qua.

Ông Lê Văn Tấm, ngụ xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, kể với chúng tôi: "…trăm nghe không bằng một thấy, gia đình tôi tới đây để hốt thuốc nam miễn phí đã sáu tháng nay, đến nay bệnh thuyên giảm rất nhiều, gia đình tôi rất mừng và mang ơn nhà chùa…".

Sư cô Thích Nữ Từ Tâm, trụ trì chùa cho biết: "…phòng khám hoạt động gần 20 năm qua, mỗi tuần 3 ngày, mỗi ngày khám và cấp thuốc nam miễn phí trên 300 bệnh nhân…".

Để có được những thang thuốc nghĩa tình ấy, sư cô và hơn 30 phật tử đã vượt qua nhiều khó khăn vất vả đến tận đảo Phú Quốc, Rạch Giá, An Giang để tìm kiếm dược liệu. Các sư ở đây còn tự nghiên cứu nhiều tư liệu về y học, phương pháp trị bệnh cổ truyền dân tộc, đăng ký học chuyên môn tại Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y Dược TP Cần Thơ… để việc khám và điều trị ngày càng đạt kết quả cao hơn.

Hơn 20 năm qua, hàng năm chùa Phước An đã hỗ trợ hàng chục ngàn quyển tập, sách, quần áo, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế cho những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn để các em an tâm đến lớp không bỏ học giữa chừng. Qua sự vận động của nhà chùa, một mạnh thường quân giàu lòng nhân ái đã hiến tặng cho chùa Phước An một chiếc xe cứu thương miễn phí. Chính chiếc xe nhân ái nầy đã chuyển viện kịp thời cứu sống những ca bệnh hiểm nghèo hoặc các tai nạn giao thông bất ngờ xảy đến trên quốc lộ 91B nhất là vào ban đêm hay khi mưa to, gió bão.

Mỗi khi đến ngày lễ lớn, các ngày Tết cổ truyền dân tộc, chùa Phước An còn tổ chức tặng quà cho bà con nghèo tại địa phương giúp họ có điều kiện vui xuân đón Tết thật ấm áp nghĩa tình. Chùa còn vận động nhiều Phật tử tự nguyện đóng góp tài lực để tham gia các phong trào xây dựng cầu đường giao thông nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tương thân tương ái, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn… Đặc biệt là chuyện nhà chùa đã tặng khá nhiều bộ cột, kèo để các hộ khó khăn về nhà ở có điều kiện cất nhà đại đoàn kết, an tâm lao động sản xuất, lạc quan vào tương lai.

Trụ trì chùa Phước An, sư cô Thích Nữ Từ Tâm ao ước: "… Chúng tôi ấp ủ nguyện vọng được thành lập bệnh viện Phật Giáo tại chùa để có cơ hội chăm sóc, phục vụ người bệnh nói chung, bà con Phật tử nói riêng được nhiều và chu đáo hơn theo tôn chỉ y phương minh như lời Phật dạy…".

TÔ PHỤC HƯNG

Chia sẻ bài viết