24/02/2009 - 20:56

Doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu ở TP Cần Thơ

Chú trọng thị trường nội địa

Công ty Lương thực Sông Hậu phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ gạo ở thị trường nội địa.
Ảnh: ANH KHOA

Từ lâu, nhiều người tiêu dùng cứ lo: không biết gạo bán ở chợ có nguồn gốc xuất xứ ở đâu, có an toàn, có bị trộn thêm các loại gạo tạp khác?... Hiện nay, với việc ra đời ngày càng nhiều các cửa hàng bán lẻ gạo của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo có tên tuổi đã tạo thêm lòng tin và cơ hội chọn lựa cho người tiêu dùng.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC: NHIỀU TIỀM NĂNG...

Năm 2008, nhiều loại lúa, gạo của nông dân ĐBSCL (cụ thể như lúa IR50404) có giá khá rẻ nhưng lại rất khó tiêu thụ. Còn nhiều loại gạo thơm nhập ngoại từ Campuchia, Thái Lan có giá bán lẻ cao hơn nhưng lại được nhiều người tiêu dùng chọn mua. Theo lý giải của các nhà chuyên môn, sở dĩ có tình trạng này do trước đây các loại gạo thường, cứng cơm, chủ yếu phục vụ cho các thị trường xuất khẩu cấp thấp và cấp trung. Còn các loại gạo thơm, dẻo và gạo mềm cơm được nhiều DN chọn xuất khẩu sang các thị trường cấp cao. Còn thị trường nội địa, tuy nhiều DN có quan tâm nhưng lại chưa chú trọng khai thác nhiều. Trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo ngon của người dân ngày càng tăng và gạo ngoại nhập dần chiếm lĩnh thị trường...

Có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem xét lại quy hoạch sản xuất, nhất là sản xuất các giống lúa thơm, ngon, chất lượng cao. Song, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn: với diện tích đất ít, dân số đông, lại phải sản xuất liên tục nhiều mùa vụ trong năm, nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào các giống lúa thơm, chắc chắn sẽ bị giảm sản lượng. Chưa kể, sản phẩm gạo làm ra chưa chắc có đủ sức cạnh tranh với Thái Lan (nước có diện tích đất và điều kiện sản xuất lúa thơm thuận lợi hơn Việt Nam) để “chen chân” vào các thị trường cao cấp vốn nhỏ hẹp. Tuy nhiên, bây giờ nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đã thấy rõ một điều: muốn tăng giá bán sản phẩm và tập trung bán được nhiều sản phẩm gạo thơm ngon, gạo cấp cao thì phải chú trọng hơn nữa đến thị trường nội địa với dân số 86 triệu người. Bởi thị trường nội địa, nhất là các thành phố lớn, các khu đô thị... chính là nơi tiêu thụ một lượng lớn các loại gạo cấp cao.

Đời sống người dân được nâng cao nên ngày càng có nhiều người chọn gạo ngon để ăn. Tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, hiện bình quân mỗi tháng siêu thị bán được khoảng 5 tấn gạo các loại. Gạo bán tại siêu thị chủ yếu của các công ty chế biến gạo xuất khẩu ở TP Cần Thơ như: Gentraco, Mekong... và gạo do hệ thống Siêu thị Co.opMart đưa về có nguồn gốc từ các doanh nghiệp ở Long An, Tiền Giang... Ngoài ra, hệ thống Siêu thị Co.opMart cũng có nhãn hàng gạo riêng (gạo thương hiệu Co.opMart) để phục vụ người tiêu dùng. Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn-Cần Thơ (Siêu thị Co.opMart Cần Thơ), cho biết: “Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay chỉ mua các loại gạo ngon. Do đó, siêu thị chỉ bán các loại gạo thơm, hạt dài. Gần đây, sức mua và giá gạo tại siêu thị vẫn ổn định”. Giá một số loại gạo bán tại Co.opMart Cần Thơ như sau: gạo Jasmine Gentraco khoảng 70.000 đồng/túi (5kg), gạo thơm Gentraco: 93.500 đồng/túi (5kg); gạo Jasmine Co.opMart: 63.200 đồng/túi (5kg); gạo hạt dài trắng của Công ty MeKong: 51.600 đồng/túi (5kg)...

TẬP TRUNG CHO THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Trước đây, DN xuất khẩu gạo chỉ bán lẻ gạo ở thị trường nội địa nhưng chủ yếu vẫn thông qua các siêu thị, đại lý và chỉ chuyên bán các loại gạo ngon, thơm, hạt dài... Giá các sản phẩm gạo này thường cao hơn so với gạo bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố. Năm 2008, sau sự cố “sốt giá gạo” vì tin đồn thất thiệt, các loại gạo thường mới được các DN đưa vào bán nhiều tại các siêu thị. Không những thế, nhiều DN chế biến gạo xuất khẩu đã mở hẳn hệ thống các cửa hàng bán sỉ và bán lẻ gạo cả ở dạng đóng gói và dạng không đóng gói.

Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ (Coagrico) ở TP Cần Thơ, ngoài việc tập trung gạo cho thị trường xuất khẩu, trong 4 năm qua, công ty đã quan tâm nhiều đến việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Đã có 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty tại TP Cần Thơ: một ở số 27 đường Lê Hồng Phong, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy và một ở số 71 Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều. Các cửa hàng này bán các loại gạo trắng, gạo thơm do chính công ty sản xuất như: Hàm Trâu, VD20, ST1, Jasmine 85. Ông Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Gạo bán tại 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm đều được lấy và chế biến từ lúa sản xuất tại công ty, nên tạo được lòng tin đối với khách hàng về chất lượng. Năm 2008, lượng gạo bán ra tại 2 cửa hàng này đạt hơn 350 tấn. Năm 2009, chúng tôi dự kiến sẽ mở thêm 2 cửa hàng mới, nâng số lượng gạo tiêu thụ tại các cửa hàng của công ty lên khoảng 500 tấn”.

Bà Quách Thu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại Khánh (đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Gentraco), cho biết: “Để khai thác tốt thị trường nội địa, không chỉ đưa gạo vào bán tại các siêu thị, chúng tôi đã mở hệ thống 2 cửa hàng chuyên bán các sản phẩm gạo trực tiếp ra thị trường từ năm 2008. Hiện nay, công ty đã có 6 cửa hàng kinh doanh gạo tại TP Cần Thơ. Các cửa hàng này đang bán khoảng 10 mặt hàng gạo các loại và đạt 15-20 tấn/cửa hàng/tháng. Năm 2009, chúng tôi dự kiến sẽ mở thêm khoảng 14 cửa hàng nữa”.

Trong năm 2008, Công ty Lương thực Sông Hậu (trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam) đã tiêu thụ được khoảng 2.000 tấn gạo các loại tại thị trường nội địa. Năm 2009, công ty có kế hoạch tiêu thụ khoảng 20.000 tấn gạo tại thị trường trong nước. Để đẩy mạnh tiêu thụ gạo ở thị trường trong nước, năm nay, công ty chú trọng phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm tại TP Cần Thơ. Trong các sản phẩm bán lẻ tại chuỗi cửa hàng này, gạo vẫn là một trong những mặt hàng chính. Ngày 18-2 vừa qua, Công ty Lương thực Sông Hậu đã khai trương Cửa hàng Lương thực Thực phẩm An Hòa (ở quận Ninh Kiều). Đây là cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm thứ 2 của công ty tại TP Cần Thơ sau cửa hàng Lương thực Thực phẩm An Bình khai trương vào đầu năm 2009.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Công ty Lương thực Sông Hậu phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ theo hướng hiện đại, tiện ích với những mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân TP Cần Thơ. Qui mô đầu tư cho mỗi cửa hàng khoảng 1 tỉ đồng. Trước mắt, công ty phấn đấu ở khu vực nội thành (chủ yếu là ở các quận Cái Răng, Ninh Kiều và Bình Thủy), mỗi quận sẽ có 1 cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm. Sau khi rút kinh nghiệm từ các cửa hàng này, công ty sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng trong khu vực nội thành của thành phố...”. Cũng theo ông Lê Minh Trượng, từ trước đến nay, Công ty Lương thực Sông Hậu tiêu thụ gạo tại thị trường nội địa thông qua các đại lý theo hình thức “mua đứt bán đoạn” và đưa hàng vào các siêu thị ở TP Cần Thơ. Còn bây giờ, với việc hình thành chuỗi cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm, công ty có điều kiện phân phối gạo trực tiếp, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng...

KHÁNH TRUNG- ANH KHOA

Công ty Lương thực Sông Hậu phát triển kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm để đẩy m&#

Chia sẻ bài viết