16/11/2022 - 21:05

Chủ tịch HĐGT VinFuture tiết lộ về nghiên cứu “ẵm” giải 3 triệu USD của mùa 2 

Giáo sư Đại học Cambridge: “VinFuture như chất xúc tác đẩy nhanh bước tiến của khoa học, công nghệ toàn cầu”

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture: Mọi người sẽ bất ngờ và được thuyết phục bởi những phát minh thắng giải mùa 2   

Gần tới Lễ trao Giải thưởng VinFuture mùa 2, GS. Sir Richard Henry Friend – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture – lần đầu hé lộ về các công trình xuất sắc nhất sẽ được xướng tên, đồng thời chia sẻ về ảnh hưởng quốc tế của giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt khởi xướng.

Cả thế giới quan tâm đến VinFuture

- Là người cầm cân nảy mực của Giải thưởng VinFuture, Giáo sư có thể tiết lộ điều gì về các đề cử năm nay?

VinFuture đã có một mùa giải đầu tiên tạo được tiếng vang trong cộng đồng khoa học toàn cầu nên không có gì ngạc nhiên khi năm nay Hội đồng Giải thưởng phải "vất vả" hơn rất nhiều.

Số lượng đề cử chúng tôi nhận được cao hơn hẳn năm ngoái, với 970 công trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, so với gần 600 của mùa 1. Đây là một con số vô cùng ấn tượng, cho thấy sự quan tâm từ khắp thế giới đối với giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu từ Việt Nam.

Chất lượng các đề cử của mùa giải này cũng rất tốt. Và điều tuyệt vời là có nhiều phát minh mới mẻ ngay cả với chúng tôi. Tôi thực sự rất hài lòng!

- Công trình nào để lại cho Giáo sư nhiều ấn tượng nhất?

Tôi cho rằng yếu tố bất ngờ bao giờ cũng thú vị. Vì thế, chúng ta hãy dành sự háo hức cho Lễ trao giải, sắp diễn ra vào ngày 20/12/2022 tại Hà Nội.  

Song, có một điều mà tôi có thể khẳng định là các công trình được tôn vinh là một bước tiến lớn. Giống như phát minh về vắc-xin mRNA của năm ngoái, đó sẽ là nghiên cứu đột phá, có tầm ảnh hưởng sâu rộng với những câu chuyện truyền cảm hứng ở phía sau. Tôi tin chắc rằng mọi người sẽ đều bất ngờ và được thuyết phục bởi chiến thắng này.

- Với gần 1.000 đề cử chất lượng, Giáo sư và các thành viên Hội đồng Giải thưởng đã làm thế nào để chọn được những công trình xuất sắc nhất?

Việc “so bó đũa, chọn cột cờ” chưa bao giờ là dễ dàng. Mùa giải năm nay có chủ đề rất ý nghĩa - “Hồi sinh và Tái thiết”. Đó giống như kim chỉ nam để tìm kiếm những đổi mới và sáng tạo mà nhân loại đang thực sự cần để giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu.

Chúng tôi đã làm việc rất cẩn trọng để đảm bảo rằng đó là những nghiên cứu đột phá thực sự. Nhưng cũng mới chỉ là bước đầu. Từ các nguyên tắc và những tiêu chí cụ thể, chúng tôi đánh giá toàn diện tác động của những đột phá này. Một thách thức nữa là việc đo lường phải được điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của mỗi lĩnh vực khác nhau.

May mắn là chúng tôi có một Hội đồng với các nhà khoa học hàng đầu, kinh nghiệm dày dặn và làm việc rất hiệu quả nhằm tìm ra những lựa chọn xứng đáng nhất để trao giải. 

Kết nối khoa học, công nghệ để tạo nên những thành tựu đột phá

- Sau mùa giải đầu tiên, theo Giáo sư, VinFuture đã mang lại những giá trị gì cho khoa học và cộng đồng?

Tôi nghĩ VinFuture đã được nhìn nhận một cách đặc biệt và khác biệt, đó là tạo ra sự kết nối toàn cầu, giúp đẩy nhanh bước tiến của khoa học và công nghệ.

Khoa học - công nghệ chính là chìa khóa cho một tương lai bền vững. Sự sáng tạo của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu. Nhưng nhiều khi chỉ vì chưa có sự kết nối mà các nhà khoa học không đến được đích. Bằng sức ảnh hưởng của mình, VinFuture tôn vinh và thúc đẩy sự kết nối để tạo ra các thành tựu đột phá trong khoa học.

Tôi muốn lấy ngay Giải thưởng chính của mùa 1 là một minh chứng cho VinFuture là 1 trong số ít các giải thưởng Khoa học Công nghệ có góc nhìn toàn diện, trân trọng và tôn vinh đầy đủ những mảnh ghép tạo nên phát minh đột phá. Vắc-xin Covid-19 mRNA được tạo nên từ hai thành phần, các mRNA và các hạt nano lipid. Hai nghiên cứu tách rời đã được thực hiện trong suốt một thời gian dài nhưng phải đến năm ngoái mới cùng nhau tạo ra được sản phẩm mang tính cách mạng cho cả nhân loại.

Đó cũng là những gì mà VinFuture có thể làm để phá vỡ các rào cản, khuyến khích những khám phá mới và truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai. 

- Việc truyền cảm hứng ấy thể hiện ra sao, thưa Giáo sư?

Khi giải thưởng được trao, cả thế giới muốn biết ai là người chiến thắng và câu chuyện của họ là gì. Với những bạn trẻ đang đắn đo lựa chọn nghề nghiệp và khát khao đạt được những gì mình mong muốn trong cuộc đời, tôi nghĩ là hành trình khám phá của những chủ nhân giải thưởng sẽ mang đến những câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt.

Mọi người thường nói nghệ thuật là một công việc sáng tạo. Là người tin tưởng mạnh mẽ vào những nghiên cứu dựa trên sự tò mò, ham học hỏi, tôi cho rằng khoa học cũng là một quá trình đòi hỏi sự sáng tạo. VinFuture sẽ truyền cảm hứng để giới trẻ thấy khoa học dù chông gai nhưng đó chính là một quá trình sáng tạo, khám phá. Không chỉ là khai thác những gì đã có, bằng khoa học và công nghệ, con người đang phát minh và tạo ra tương lai, một tương lai tốt đẹp hơn và bền vững hơn cho nhân loại.

- Phải chăng đó là điều khiến Giáo sư tâm huyết và gắn bó với VinFuture?

Chắc chắn rồi! Dù mới ra đời nhưng hành trình vươn ra toàn cầu của VinFuture rất chuyên nghiệp và ấn tượng.

Trên thế giới, có nhiều giải thưởng lớn nhưng vẫn chưa xây dựng được những hạng mục giải hướng tới mọi cộng đồng khoa học, cùng những tác động trực diện của khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. VinFuture không tìm kiếm các đề cử để “làm đẹp” giải thưởng. VinFuture tôn vinh những đổi mới sáng tạo, những phát minh đột phá mang lại sự thay đổi cho thế giới. Sứ mệnh cùng các tiêu chí khác biệt của Giải thưởng cũng là lý do khiến tôi hào hứng khi được đồng hành cùng VinFuture.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

GS. Richard Friend, Giáo sư Vật lý tại Đại học Cambridge (Anh), hiện là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Ông là một trong các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 140 bằng sáng chế, hơn 195.000 trích dẫn trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới, là tác giả/đồng tác giả của hơn 1.600 ấn phẩm khoa học.

Ông được Hoàng gia Anh phong tước Hiệp sĩ để tôn vinh những cống hiến xuất sắc cho ngành Vật lý vào năm 2003.

Năm 2010, “cha đẻ” của công nghệ OLED nhận Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ (Millennium Prize) danh giá cho sự phát triển của điện tử nhựa. Các nghiên cứu về OLED của ông đã đặt nền tảng phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động.

 

Chia sẻ bài viết