 |
Các doanh nghiệp vận tải ở TP Cần Thơ đang nỗ lực tìm giải pháp hoạt động phù hợp để cùng chia sẻ khó khăn chung. |
Các doanh nghiệp vận tải (DNVT) hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ đang tìm cách thích ứng dần với giá xăng dầu tăng. Trong đó, giải pháp đang được nhiều DNVT đưa ra là tiết kiệm hơn nữa chi phí hoạt động, điều chỉnh tăng giá cước ở mức thấp hơn mức xăng dầu vừa tăng... để giảm bớt khó khăn và đảm bảo phục vụ cho khách hàng.
CHIA SẺ KHÓ KHĂN CHUNG
Sau 4 ngày kể từ lúc giá xăng dầu tăng, nhìn chung, nhiều DNVT đang hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ vẫn chưa điều chỉnh tăng giá cước xe khách. Thời gian này, DNVT chủ yếu tính toán lại khoản chi phí tăng thêm, từ đó, mới có quyết định tăng giá cước ở mức hợp lý.
Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Phương Thảo đang hoạt động trên 2 tuyến là Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ-Cà Mau. Ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Trạm điều hành tại Bến Cần Thơ của công ty này, cho biết: “Công ty có 42 xe 16 chỗ và mấy chục xe trung chuyển. Với giá xăng dầu vừa tăng, tính ra công ty phải bù thêm 12 triệu đồng/ngày chi phí xăng dầu. Công ty chuẩn bị điều chỉnh tăng giá vé trong 1-2 ngày tới, dự kiến mức tăng dưới 10% so với giá vé hiện tại. Mức tăng giá vé như dự kiến vẫn chưa bù đắp được hoàn toàn phần chi phí xăng dầu tăng thêm, nhưng chúng tôi phải chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, nếu tăng giá vé quá cao sẽ mất khách”.
Công ty Cổ phần Vận tải Sài Gòn vừa điều chỉnh tăng giá cước tuyến Cần Thơ-TP Hồ Chí Minh từ mức 67.000 lên 75.000 đồng/vé kể từ ngày 24-7-2008. Ông Nguyễn Công Đỉnh, Giám đốc Chi nhánh Công ty này tại TP Cần Thơ, giải thích: “Với mức giá vừa tăng nếu xe xuất bến đầy khách mới có lời, còn ít hơn một vài khách là lỗ. Để hỗ trợ phần nào khó khăn cho hành khách, công ty quyết định chỉ tăng giá cước ở mức độ vừa phải. Trong tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng”.
Theo VIP Taxi (trực thuộc Công ty cổ phần Tuấn Hiền Chi nhánh Cần Thơ), từ trước đến nay, tài xế VIP Taxi được hưởng 50% lợi nhuận, còn lại 50% nộp công ty, nhưng tài xế phải chịu chi phí xăng. Sau khi xăng tăng giá, công ty phải thực hiện bù lỗ cho tài xế 50% trên mức giá chênh lệch, với mức chi thêm phần bù lỗ từ 3-4 triệu đồng/ngày. Công ty này cũng đang cân nhắc việc tăng giá cước. Ông Trần Văn Chưng, Trưởng Ban Điều hành VIP Taxi, cho biết: “Hiện mức giá cước VIP Taxi đang áp dụng 9.000-9.500 đồng/km đối với 30 km đầu, từ trên 30 km còn 6.500 đồng/km. Dự kiến, trong một vài ngày tới chúng tôi sẽ tăng giá cước ở mức 10-15%. Trên thực tế, mức giá cước phải tăng từ 20-25% mới tương ứng với giá xăng vừa tăng. Nhưng chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ một phần khó khăn cùng xã hội và tiếp tục hỗ trợ phần chênh lệch giá xăng cho anh em tài xế”. Một số hãng taxi khác hoạt động trên địa bàn thành phố cũng đang cân nhắc, chưa thực hiện tăng giá cước ngay sau khi giá xăng tăng. Trong khi đó, cánh tài xế của các hãng taxi cũng có cách ứng phó với giá xăng dầu tăng, chỉ khi nào có khách mới chạy chứ không còn chạy lòng vòng bắt khách như trước đây.
ĐIỀU CHỈNH TĂNG GIÁ HỢP LÝ
Các đơn vị vận tải hoạt động tại Bến tàu khách Cần Thơ cũng đang tính đến phương án tăng giá cước. Ông Đào Minh Ý, quản lý tàu cao tốc CM 01803 (đang hoạt động trên tuyến Cần Thơ-Sông Đốc), cho biết: “Trước khi dầu tăng giá, mỗi tua (đi và về) thường còn lời 300.000-400.000 đồng. Tàu chạy mỗi chuyến tốn khoảng 280 lít dầu, sau khi dầu tăng giá, tính ra chi phí đội thêm khoảng 560.000 đồng. Như vậy, hiện nay tàu hoạt động lỗ từ 150.000-250.000 đồng/chuyến. Chắc chắn chúng tôi phải kiến nghị cơ quan chức năng cho tăng giá cước ở mức hợp lý, đảm bảo cho chúng tôi còn hoạt động được”.
Hợp tác xã Vận tải Đường bộ TP Cần Thơ hiện có hơn 400 xe (gồm: xe khách, xe chạy thuê bao hợp đồng và xe tải vận chuyển hàng hóa thuê) của các xã viên đang hoạt động. Ông Đoàn Công Hiếu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Đường bộ TP Cần Thơ, cho biết: “Xăng dầu tăng giá nên nhiều xã viên chú ý đến tiết kiệm nhiên liệu hơn trước, chẳng hạn xe không chạy rong như trước đây, sửa chữa máy xe để giảm bớt tiêu hao nhiên liệu...”. Theo ông Đoàn Công Hiếu, sau khi giá xăng dầu tăng các xã viên phải chi thêm khoảng 36 triệu đồng/ngày tiền xăng dầu. Mặc dù xã viên đã chú ý tiết kiệm nhiên liệu nhưng mức chênh lệch vẫn còn cao. Hợp tác xã đang tính đến phương án điều chỉnh tăng giá cước hành khách tuyến cố định (xe của xã viên hoạt động tại Bến xe khách Cần Thơ) trong vài ngày tới. Nhưng việc điều chỉnh cũng chỉ bù đắp phần nào chi phí xăng dầu tăng cho xã viên, vì giá cước không thể tăng quá cao, nhất là các tuyến đường về nông thôn, bởi nếu tăng cao người dân không có khả năng đi lại. Đối với xã viên có xe tải vận chuyển hàng hóa thuê, việc thương thảo điều chỉnh tăng giá cước với khách hàng cũng gặp nhiều khó khăn, do xã viên đã ký hợp đồng với khách hàng vận chuyển hàng hóa cả năm 2008. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động, xã viên yêu cầu khách hàng phải phụ thêm một ít chi phí sau khi giá xăng dầu tăng, còn lại xã viên chịu. Việc điều chỉnh tăng giá cước xe chạy thuê bao hợp đồng thuận lợi hơn, xã viên chỉ cần thỏa thuận với khách hàng mức giá mới, nếu đồng ý thì 2 bên ký hợp đồng. Nhưng mức giá mới cũng không thể tăng tương ứng với giá xăng dầu vừa tăng được.
Ông Trần Hoàng Diệu (ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) kinh doanh dịch vụ cho thuê xe du lịch, cũng cho biết: “Xe tôi 4 chỗ, giá xăng tăng thêm 4.500 đồng/lít, nếu nhận hợp đồng với giá cũ sẽ lỗ, do đó tôi phải tăng giá cho thuê. Tuy nhiên, giá mới cũng chỉ tăng chút ít so với giá cũ. Do trong tình hình cạnh tranh hiện nay nếu tăng với giá cao để bù đắp đủ khoản chi phí xăng dầu tăng thêm rất khó”.
Việc DNVT tiết giảm chi phí tối đa, chủ động tăng giá cước ở mức hợp lý - thấp hơn mức giá xăng dầu vừa tăng không những giúp cho người dân có điều kiện đi lại mà DNVT cũng không mất một lượng khách nhất định.
Bài, ảnh: ANH KHOA