20/05/2025 - 20:54

Chủ động ứng phó để tận dụng cơ hội từ FTA 

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán tổng cộng 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 16 FTA đã có hiệu lực thực thi và nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Các FTA này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu với thị trường hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 90% GDP toàn cầu, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao…

Khai thác FTA

Theo Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, trong ba năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong tốp 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 12,5% mỗi năm. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 786 tỉ USD, trong đó xuất khẩu vượt 405 tỉ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỉ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp. Nhờ đó, Việt Nam đứng thứ 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA như EU, Canada và các nước CPTPP đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 52,1 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu sang Canada trong năm 2024 đạt khoảng 7,5 tỉ USD, tăng 22,7% so với năm 2023. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA của doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 37% trong năm 2024.

Ngành Công Thương TP Cần Thơ tại hội nghị trao đổi với  đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp và những thuận lợi khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình cấp C/O.

TP Cần Thơ hiện có 170 doanh nghiệp xuất nhập khẩu; trong đó, có 34 doanh nghiệp gạo, 68 doanh nghiệp thủy sản, 26 doanh nghiệp nông sản và nông sản thực phẩm chế biến, 8 doanh nghiệp may mặc và 34 doanh nghiệp các mặt hàng khác (dược phẩm, thuốc thú y, phân bón, hóa chất, thủ công mỹ nghệ, da thuộc, thép và các sản phẩm từ thép,…). Lũy kế 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu ngoại tệ ước đạt gần 1.063 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 42% kế hoạch năm. Công tác Cấp giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O), lũy kế 5 tháng năm 2025, Sở đã tiếp nhận và cấp 6.538 bộ hồ sơ (tăng 1.050 bộ so với cùng kỳ, trong đó cấp 2.364 bộ cho doanh nghiệp TP Cần Thơ) với kim ngạch xuất khẩu đạt 316,08 triệu USD (tăng 72,63 triệu USD, tỷ lệ tăng 18,73% so với cùng kỳ năm trước). Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: gạo, thủy sản, nông sản, may mặc và giày da.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, các FTA thế hệ mới đã tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Đồng thời, mở ra cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp thành phố tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của thành phố đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), các FTA giúp doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế với thuế suất giảm hoặc miễn thuế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam như nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp nhẹ. Ngoài ra, FTA còn mang lại cơ hội để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiêu thụ lớn; đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các rủi ro như biến động tỷ giá, giá nguyên liệu, các thay đổi chính sách thương mại quốc tế. Đây là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 25-3-2025, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 282 vụ việc do nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó nhiều nhất là chống bán phá giá (153 vụ), tiếp đến là tự vệ (59 vụ), chống lẩn tránh thuế (39 vụ) và chống trợ cấp (31 vụ). Đặc biệt, trong số vụ việc đều liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như tôm, cá tra, thép, gỗ...

Linh hoạt ứng phó

Vào sân chơi FTA, đi liền với thuận lợi là không ít những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Bộ Công Thương cũng như các địa phương đã có nhiều giải pháp linh hoạt nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp.

Hoạt động xuất khẩu gạo tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ, doanh nghiệp phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, năng lực sản xuất còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng cho các thị trường và các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các FTA đã ký kết nên vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội từ FTA… Để tận dụng tốt cơ hội từ FTA, TP Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, nhất là trước xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động nắm bắt thông tin, các văn bản hướng dẫn, khuyến cáo của các bộ, ngành, các cửa khẩu để phổ biến kịp thời cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; xây dựng, củng cố đội ngũ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số,…

Để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương triển khai Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Hệ thống này cho phép, cơ quan quản lý quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới đã phát sinh những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nào, với những ngành hàng nào. Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin, hệ thống cảnh báo sớm có thêm những nguồn thông tin khác như thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các đối tác, tổ chức làm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại,… liên quan đến nguy cơ, khả năng xảy ra điều tra phòng vệ thương mại, những xung đột giữa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với hàng hóa tại thị trường sở tại. Hiện nay, hệ thống đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng; trong đó, đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cũng sẽ tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng. Các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đang nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp trước các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp 2025 với chủ đề: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã đưa ra khuyến nghị cho các doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả các FTA.

Theo ông Trịnh Minh Anh, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ (C/O), tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết phi thương mại (lao động, môi trường, phát triển bền vững) trong từng FTA; tham dự các hội thảo, khóa học do Bộ Công Thương, VCCI hoặc hiệp hội ngành hàng tổ chức để nắm bắt thông tin và cách thức tận dụng ưu đãi; khai thác Cổng thông tin FTA của Bộ Công Thương (ftaportal.moit.gov.vn) để tra cứu biểu thuế, quy định, và hướng dẫn thực thi FTA; cập nhật thông tin cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại từ Bộ Công Thương…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết