24/03/2021 - 16:07

Chủ động tầm soát, sớm chấm dứt bệnh lao 

Theo kết quả điều tra dịch tễ lao gần đây, TP Cần Thơ có số ca mắc lao nằm trong tốp 10 cả nước. Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3), phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao Quốc gia, phụ trách chương trình lao của khu vực Tây Nam Bộ xoay quanh việc phòng ngừa, giải pháp thanh toán bệnh lao.

 Thưa bác sĩ, nguyên nhân vì sao một số tỉnh, thành Tây Nam Bộ lại có số ca mắc lao thuộc tốp cao nhất cả nước ?

- Qua điều tra năm 2007 và 2017 của Chương trình chống lao Quốc gia, dịch tễ lao ở khu vực 22 tỉnh, thành phía Nam rất cao, đứng đầu là TP Hồ Chí Minh. Ở khu vực Tây Nam Bộ, trong đó tỉnh An Giang có số ca mắc lao, lao đa kháng thuốc cao đứng thứ 2 cả nước, mỗi năm có 5.000 ca lao (trong đó trên 300 ca lao đa kháng thuốc). Còn TP Cần Thơ nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có số ca lao, lao đa kháng thuốc cao của cả nước. Lao các thể ở TP Cần Thơ 185/100.000 dân (tương đương hơn 2.000 ca lao/năm), lao có bằng chứng vi khuẩn học (vi khuẩn lao) 109/100.000 dân. Trong đó 3% là ca lao đa kháng thuốc.

Hiện số người mắc bệnh và tử vong do bệnh lao cao. Tuy nhiên, nhận thức của người dân chưa cao dẫn đến tình trạng không tuân thủ điều trị, điều trị muộn..., trong khi tỷ lệ điều trị khỏi rất cao. Cả nước hiện nay, tỷ lệ điều trị bệnh lao thành công 90%, lao đa kháng thuốc 70%. Riêng TP Cần Thơ, tỷ lệ điều trị bệnh lao thành công 95,4%, lao đa kháng thuốc là 76%.

 Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay có chủ đề “Việt Nam chiến thắng COVID-19 - chấm dứt bệnh lao”, bác sĩ có thể nó rõ hơn về chủ đề này?

- Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hằng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.

Ước tính tại Việt Nam, mỗi năm có 170.000 ca mắc lao mới (báo cáo WHO năm 2020). Nước ta cũng là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Trong đó 63% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa. Tức là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì thế, đầu tư cho chấm dứt bệnh lao cũng là đầu tư cho phát triển bền vững.

Cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt của đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng, mắt, mũi. Do ảnh hưởng của COVID-19, năm 2020, việc phát hiện bệnh lao cũng giảm đi hơn 3%. Tuy nhiên, người dân đã có ý thức rất cao về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Vì vậy, chương trình tận dụng cơ hội này, biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao.

 Thực tế hiện nay, nhiều bệnh nhân lao giấu bệnh, bác sĩ có lời khuyên gì ?

- Bệnh nhân không nên mặc cảm, tự ti vì đã có thuốc điều trị và hoàn toàn miễn phí; có nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe từ tuyến cơ sở; tỷ lệ điều trị khỏi rất cao. Thực tế điều trị lao 3 tuần, tỷ lệ âm hóa đàm trên 97% (không còn lây).

Bệnh nhân nên đến bệnh viện, cơ sở y tế có điều trị lao. Hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán lao: X-quang, Xpert… và thuốc điều trị lao, lao đa kháng thuốc đều được miễn phí. Ngoài ra, bệnh nhân lao đa kháng thuốc còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền giường. Việc miễn phí này do Quỹ toàn cầu hỗ trợ với cam kết hỗ trợ 75 triệu USD cho Chương trình chống lao Quốc gia. Kinh phí này chiếm hơn 70% tổng tài trợ của Quỹ toàn cầu cho Việt Nam.

Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

 Ðể chấm dứt bệnh lao, cùng với cả nước, riêng TP Cần Thơ có những hoạt động gì mới để thực hiện mục tiêu này?

- Trong thời gian qua, Chương trình chống lao Quốc gia có nhiều dấu ấn nổi bật, tiêu biểu là sự ra đời của Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao do Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam làm Chủ tịch là cam kết chính trị cao nhất từ trước đến nay. Hội phổi Việt Nam đã thành lập Chi hội Phụ nữ. Ðây là nòng cốt tuyên truyền phòng, chống lao đến từng hội viên hội phụ nữ. Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về bệnh lao. Chương trình đã xây dựng quỹ hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo; thực hiện chiến lược tầm soát lao chủ động bằng chiến lược 2X (X-quang, Xpert)...

Tại TP Cần Thơ, năm 2021, sẽ triển khai tầm soát lao chủ động bằng chiến lược 2X (X-quang, Xpert) cho khoảng 15.000 người có nguy cơ ở 9 quận, huyện, Cơ sở Cai nghiện và Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa TP Cần Thơ. Những người tầm soát: người có tiếp xúc gần với bệnh nhân lao trong vòng 3 năm, người cao tuổi có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD...). Trong thời gian tầm soát, nếu không đi được thì y tế cơ sở phát phiếu để họ đến cơ sở y tế tầm soát sau. Trước đây, chương trình phát hiện thụ động, khi bệnh nhân có triệu chứng lao mới đến cơ sở y tế. Còn nay, với chiến lược này, cán bộ y tế chủ động đi tìm bệnh nhân. Ðiều trị cả lao tiềm ẩn.

 Xin cảm ơn bác sĩ!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết