24/09/2020 - 09:02

Mùa khô 2020-2021

Chủ động "sống chung" với hạn, mặn 

Năm 2020, dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ nên xâm nhập mặn có khả năng đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), ảnh hưởng đến nhiều diện tích trồng cây ăn trái trong mùa khô 2020-2021. Vùng ĐBSCL có hơn 360.000ha cây ăn trái, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước. Đây là loại cây trồng lâu năm, cho giá trị kinh tế rất cao, cần phải chủ động nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ để giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn và biến đổi khí hậu (BĐKH)…

Nguy cơ hạn, mặn ở mức cao

Sầu riêng là một trong những loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao nhưng cây rất nhạy cảm với nước mặn, nông dân cần đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng ở  xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Sầu riêng là một trong những loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao nhưng cây rất nhạy cảm với nước mặn, nông dân cần đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng ở  xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Nguồn nước về ĐBSCL có 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mekong (bên ngoài lãnh thổ), chỉ có 5% từ nội sinh trong nước. Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nguồn nước về ĐBSCL từ đầu mùa mưa năm 2020 đang bị thiếu hụt, nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao đến nghiêm trọng trong mùa khô năm 2020-2021.

Tổng lượng mưa tích lũy trên lưu vực sông Mekong từ đầu mùa mưa, ngày 1-6-2020 đến cuối tháng 8-2020 bình quân đạt gần 731mm, thấp hơn gần 22% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn 24% so với TBNN. Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và trên thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong từ tháng 9 đến hết năm 2020, khả năng ở mức cao hơn TBNN từ 15-30%. Với dự báo mưa nêu trên, nguồn nước thiếu hụt trên lưu vực được bù đắp bằng lượng mưa muộn. Tuy nhiên, xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực vẫn có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 5-15%. Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 dự kiến có thể xảy ra theo 2 kịch bản.

Kịch bản 1, mưa trên lưu vực sông Mekong xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế (các tháng cuối năm 2020 lượng mưa cao hơn TBNN), khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức nặng đến rất nặng. Phạm vi xâm nhập mặn 4 gram/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55-65km xuất hiện từ tháng 2 và tháng 3-2021, sâu hơn TBNN từ 15-20km, thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 từ 5-8km, thấp hơn mùa khô năm 2019-2020 từ 7-13km. Theo đó, hạn mặn có khả năng ảnh hưởng đến gần 50.000ha cây ăn trái tại vùng ĐBSCL.

Kịch bản 2, mưa trên lưu vực sông Mekong tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức rất nặng đến nghiêm trọng. Phạm vi xâm nhập mặn sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60-70km xuất hiện từ tháng 2 và tháng 3-2021, sâu hơn TBNN từ 20-25km, ở mức tương đương với mù khô 2015-2016, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương mùa khô 2019-2020. Theo kịch bản này, dự kiến có gần 82.000ha cây ăn trái tại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Chủ động ''sống chung''

Những năm qua, sản xuất cây ăn trái cả nước và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói riêng đã được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2019, giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 3,747 tỉ USD, tăng 3,287 tỉ USD so với năm 2010. Tuy nhiên, BĐKH, thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán và xâm nhập mặn những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây ăn trái, nhất là tại vùng ĐBSCL. Trong mùa khô năm 2019-2020, toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 25.120ha cây ăn trái tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng bị ảnh hưởng thiệt hại bởi khô hạn, xâm nhập mặn, trong đó, có 11.181ha bị thiệt hại trên 70% và 12.270ha bị thiệt hại từ 30-70%.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, với 25.120ha vườn cây bị ảnh hưởng thiệt hại trong đợt hạn mặn kỷ lục mùa khô 2019-2020 vừa qua thấp hơn nhiều so với mức dự báo ban đầu là khoảng 80.000ha và thấp hơn nhiều so với diện tích bị thiệt hại trong đợt hạn mặn 2015-2016. Nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả mà các địa phương vùng ĐBSCL đã giảm thiểu được thiệt hại cho vườn cây ăn trái. Đặc biệt, nông dân đã chủ động trữ nước ngọt và sử dụng nước hợp lý, gắn với áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật được ngành chức năng khuyến cáo để chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Đồng thời, các công trình phòng chống hạn, mặn do Trung ương và địa phương đầu tư cũng phát huy hiệu quả… Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa khô sắp tới, dù cho có gay gắt như năm 2019-2020.

Để bảo vệ vườn cây, các địa phương đã và đang cập nhật thông tin liên tục tình hình diễn biến thời tiết và nguồn nước tại các vùng trồng cây ăn trái để người dân chủ động ứng phó. Đồng thời, rà soát, khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực cụ thể; khảo sát hệ thống thủy lợi, cân đối nguồn nước, khả năng tích trữ nước của từng nhà vườn và của cộng đồng; áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây khỏe… ngay từ mùa mưa.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Toàn tỉnh có 14.500ha cây ăn trái bị ảnh hưởng thiệt hại do hạn mặn trong mùa khô 2019-2020, trong đó thiệt hại trên 70% là 8.800ha. Ngay sau khi hạn mặn chấm dứt, tỉnh đã phối hợp với các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn thực hiện ngay các giải pháp rửa mặn, phục hồi vườn cây. Đối với cây ăn trái bị ảnh hưởng nhẹ đang dần phục hồi, cây ảnh hưởng trên 70% được người dân trồng lại cây thay thế. Để chủ động công tác phòng chống hạn mặn trong mùa khô sắp tới và những năm tiếp theo, tỉnh đã xây dựng, ban hành phương án ứng phó chi tiết theo từng vùng và phân công trách nhiệm cụ thể từng sở, ngành và địa phương".

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, để bảo vệ hơn 42.000ha cây ăn trái  địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết và tình hình hạn mặn, chủ động trữ nước trong mương vườn và áp dụng các giải pháp kỹ thuật và mô hình quản lý, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả cho vườn cây.

Tại hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2020-2021 cho vườn cây ăn trái vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong công tác phòng chống hạn, mặn. Thường xuyên cập nhật tình hình hạn, mặn và rà soát tất cả hệ thống thủy lợi để có giải pháp đầu tư nâng cấp phát triển và vận hành hiệu quả. Hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nguồn nước ngọt và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm "sống chung" với hạn, mặn và BĐKH…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết