21/10/2021 - 08:22

Chủ động phòng chống thiên tai đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh 

Thời gian qua, biến đổi khí hậu (BÐKH), thiên tai, dịch bệnh đã gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng chịu nhiều ảnh hưởng, gây gián đoạn sản xuất, hư hỏng tài sản, trang thiết bị sản xuất… Do đó, công tác ứng phó, hạn chế tác hại do BÐKH, được các địa phương vùng ÐBSCL nỗ lực thực hiện...

Thiên tai, ngập lụt do triều cường, mưa lớn xuất hiện hằng năm tại TP Cần Thơ. Trong ảnh: Đoạn đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều bị ngập lụt do triều cường kết hợp mưa lớn, ảnh hưởng sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Cảnh báo

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định: Từ đầu mùa mưa bão năm 2021 đến nay, thiên tai diễn biến dị thường, không theo quy luật, mưa lũ đến muộn hơn trung bình nhiều năm. Chỉ từ đầu tháng 9-2021 đến nay đã liên tiếp có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển (bão số 5 và bão số 6) gây nhiều thiệt hại cho người dân. Dự báo từ nay đến cuối năm 2021 trên biển Ðông còn khoảng 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn dồn dập có thể xảy ra trong tháng 10, tháng 11 và ảnh hưởng nước ta. Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, Tây Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm, các hiện tượng thời tiết cực đoan, sạt lở đất, lũ quét xảy ra ngày càng nhiều và khó dự báo... Các địa phương tập trung ứng phó, cần đề phòng thiên tai làm thiệt hại về người, tài sản, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

BÐKH, thiên tai đã và đang gây nhiều ảnh hưởng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vùng ÐBSCL và cả nước. Ðiển hình năm 2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ châu Á tại Việt Nam và sự hỗ trợ của Quỹ UPS (Mỹ) thực hiện Báo cáo thích ứng để thành công: Ðánh giá tác động của BÐKH đối với doanh nghiệp Việt Nam. Qua phản hồi của 10.356 doanh nghiệp đang hoạt động ở 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 46% doanh nghiệp bị gián đoạn kênh vận chuyển; 44% doanh nghiệp bị tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp bị tác động do mạng lưới phân phối đình trệ, giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thiệt hại cơ sở vật chất và thiếu hụt nhân lực lao động... Kết quả khảo sát cũng thể hiện các doanh nghiệp vùng Duyên hải miền Trung và ÐBSCL chịu tác động từ rủi ro thiên tai và BÐKH lớn hơn nhiều so với các vùng khác...

Ðể chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm 2021, Bộ Công Thương có Công văn số 6108/BCT-ATMT ngày 4-10-2021, đề nghị các đơn vị trong ngành Công Thương nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 6-4-2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; triển khai các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai về việc chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, nêu rõ: “Sở Công Thương các địa phương phải tập trung chỉ đạo cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; đảm bảo an toàn chống ngập cho công trình; an toàn cho người lao động và tài sản khi thiên tai xảy ra, trong đó đặc biệt quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19...”.

Tăng cường phòng tránh

VCCI Cần Thơ cùng Quỹ châu Á vừa công bố thành lập Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với BÐKH khu vực ÐBSCL (MRBN - Mekong Delta Resilient Business Network). MRBN là mạng lưới đầu tiên tập hợp các doanh nghiệp tham gia để bàn các giải pháp nâng cao năng lực kinh doanh và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách trước ảnh hưởng của BÐKH ngày càng trở nên phức tạp tại ÐBSCL.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, MRBN xây dựng một cộng đồng gồm nhiều bên liên quan để kết nối doanh nghiệp với các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng năng lực thích ứng với BÐKH cho doanh nghiệp vùng ÐBSCL. Ngoài ra, MRBN còn có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ thông tin, kỹ thuật về thích ứng và ứng phó BÐKH; hợp tác, tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm xã hội liên quan đến thích ứng BÐKH.

Từ nay đến cuối năm 2021 và quý I-2022, MRBN tập trung xây dựng bộ máy tổ chức và thành lập ban điều hành, bầu ban thường trực và bước đầu vận hành mạng lưới. Nghiên cứu tác động hạn mặn đến hoạt động của doanh nghiệp ÐBSCL, xây dựng báo cáo nghiên cứu và đề xuất chính sách hữu hiệu. Gia tăng cơ hội kinh doanh thông qua tổ chức hội chợ triển lãm và hội thảo nhằm tạo các kết nối giữa nhà cung cấp với khách hàng tiềm năng và xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm, giải pháp thích ứng hạn mặn, tăng cường tính liên kết giữa các nhà cung cấp sản phẩm. Tổ chức diễn đàn thích ứng hạn mặn với mong muốn kiến nghị chính sách của cộng đồng doanh nghiệp đến Chính phủ, đồng thời xác định và thúc đẩy cơ hội kinh doanh trong điều kiện thích ứng khí hậu cho thành viên mạng lưới và doanh nghiệp…

Sở Công Thương TP Cần Thơ đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trong ngành Công Thương thuộc địa bàn quản lý; kiểm tra an toàn điện và nguy cơ cháy nổ tại các chung cư, khu dân cư, nơi công cộng, các tụ điểm văn hóa, khu vui chơi giải trí, các trung tâm thương mại, các chợ, trường học. Kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; phương án đảm bảo an toàn chống ngập công trình; phương án đảm bảo an toàn cho người lao động và tài sản khi thiên tai xảy ra, đặc biệt quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp phải di dời công nhân đến nơi tập trung; phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu khi thiên tai xảy ra…

Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Sở Công Thương thành phố cũng yêu cầu ngành Ðiện tăng cường kiểm tra lưới điện nhằm ngăn ngừa, phát hiện và ngăn chặn các sự cố rò điện, hành vi vi phạm có khả năng gây cháy, làm mất an toàn hệ thống điện và gây nguy cơ không đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền các biện pháp an toàn, phòng tránh thiên tai, hạn chế tai nạn do điện. Ðặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn toàn thành phố phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; chủ động triển khai phương án tập huấn, ứng phó thiên tai, hoạn hoả tại đơn vị và ứng cứu khi địa phương có yêu cầu…”. 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết