04/03/2014 - 21:17

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn

Sau Tết Nguyên đán năm 2014 đến nay, gió chướng hoạt động mạnh, điều kiện để mặn từ các cửa sông chính xâm nhập, lấn sâu vào đất liền. Hiện các tỉnh ĐBCSL đã có kế hoạch phòng, chống hạn mặn xâm nhập, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và hạn chế thấp nhất mức thiệt hại cho nông dân.

Chủ động kế hoạch

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tại sông Hàm Luông độ mặn 4%0 đã xâm nhập đến xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm), cách cửa sông chính từ 30- 32km; sông Cửa Đại, độ mặn 4%0 đã xâm nhập đến xã Vang Quới Đông - Vang Quới Tây (huyện Bình Đại), cách cửa sông chính từ 32-34km; sông Cổ Chiên, độ mặn 4%0 xâm nhập đến xã Hương Mỹ (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông chính từ 30-32km. Độ mặn 1%0 xâm nhập: sông Hàm Luông lên đến Sơn Phú (huyện Giồng Trôm) - xã tiếp giáp với thành phố Bến Tre, cách cửa sông chính từ 38-40km; sông Cửa Đại lên đến xã Long Định (huyện Bình Đại), cách cửa sông chính từ 42-44km; sông Cổ Chiên lên đến xã Cẩm Sơn - Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông chính từ 42-44km. Dự báo đến giữa tháng 3-2014, độ 4%0 mặn xâm nhập trên các sông chính, cách các cửa sông khoảng 45km; độ mặn 1%0 xâm nhập sâu trên các sông chính khoảng 55km. Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4-2014, mặn xâm nhập sâu vào đất liền, độ mặn 4%0 xâm nhập trên các sông chính cách các cửa sông trên 50km; độ mặn 1%0 xâm nhập sâu trên các sông chính trên 60km… Ông Nguyễn Văn Ngân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, cho biết trong các năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Sở đã kết hợp cùng các huyện, thành phố và các ban, ngành có liên quan chủ động thực hiện tích cực các giải pháp công trình và phi công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt. Sở đã chỉ đạo các công ty, chi cục, trung tâm trực thuộc căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để phối hợp cùng các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, kéo giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, đảm bảo sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả.

  Cán bộ Xí nghiệp Thủy nông huyện Trà Cú đo độ mặn tại cống Trà Cú (tỉnh Trà Vinh). Ảnh: VĂN XÂY
 

Tại tỉnh Trà Vinh, năm nay, mặn xâm nhập muộn hơn các năm trước, độ mặn cũng thấp hơn. Theo báo cáo của Xí nghiệp Thủy nông huyện Trà Cú, nước mặn chỉ mới xuất hiện từ đầu tháng 1-2014, muộn hơn năm trước khoảng 1 tháng. Theo đó, các cán bộ trực đã đóng tất cả các cống đầu mối như: Vàm Buôn, Mù U, Bắc Trang, Hàm Giang, Đại An, La Bang và Trà Cú. Vụ lúa đông xuân 2013-2014, nông dân huyện Trà Cú xuống giống trên 13.000ha, vượt hơn 3.000ha so với kế hoạch. Trong đó, nhiều cánh đồng xuống giống muộn hơn lịch gieo sạ và phần lớn sử dụng giống lúa dài ngày. Hiện phần lớn diện tích lúa của huyện đang trong giai đoạn làm đòng và trổ. Anh Trần Văn Sa, cán bộ phụ trách đo độ mặn ở vàm Bắc Trang và cống Bắc Trang (huyện Trà Cú) cho biết: “Chúng tôi báo cáo độ mặn về Xí nghiệp Thủy nông huyện mỗi giờ một lần. Toàn huyện Trà Cú có 7 điểm trực ở 7 cống, 2 điểm trực ở ngoài biển và trên 10 điểm trong nội đồng. Ở mỗi điểm có từ 1- 2 người thay phiên nhau trực 24/24giờ”. Theo ông Lê Trung Thành, Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông huyện Trà Cú, đến nay, nước mặn chưa vào trong nội đồng. Mỗi ngày mực nước trong nội đồng giảm xuống khoảng 5cm do người dân bơm lên ruộng và tự bốc hơi. Lượng nước hụt này sẽ bù bằng cách điều tiết từ các cống trên huyện Tiểu Cần tiếp giáp. Thông tin từ huyện Tiểu Cần, huyện đã đóng hết các cống, trong đó, cống Cần Chông (một trong những cống lớn của tỉnh Trà Vinh, có lượng phương tiện qua lại nhiều) cho phép mở (mực nước trong và ngoài cống bằng nhau) khoảng 1 đến 2 giờ để cho các phương tiện giao thông thủy qua lại. Khi nước ngoài cống không có độ mặn sẽ mở để tiếp ngọt cho nội đồng và các địa phương lân cận.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, trên sông Tiền – thành phố Mỹ Tho, độ mặn cao nhất đo được tại Vàm Kênh cuối tháng 2-2014 là 21,1%0 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 3,9%0; tại Hòa Bình 8,6%0, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 5,1%0. Trong 10 ngày đầu tháng 3-2014, độ mặn cao nhất đo được tại các khu vực trên là 20%0 và 9-11%0. Đến cuối tháng 3, độ mặn cao nhất tại các khu vực trên dao động từ 23-25%0 và 11-13%0. Để chủ động phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2014, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành kế hoạch từ đầu năm và yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng liên quan chủ động chọn thời điểm đóng các cống ngăn mặn trọng yếu trên địa bàn, đảm bảo đủ nước tưới cho nông dân vùng biển, vùng bị uy hiếp mặn. Đồng thời, chủ động thông báo độ mặn, mực nước tại các trạm (nhất là khu vực thị xã Gò Công, TP Mỹ Tho) cho người dân để người dân chủ động các phương tiện bơm, tưới.

Tăng cường các giải pháp

Hiện hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai các công trình thủy lợi tạo nguồn, thủy lợi nội đồng kết hợp với các giải pháp phi công trình nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Ông Đỗ Trưng, Quyền Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Đầu tháng 1-2014, các cống đầu mối ven sông Tiền và sông Hậu trên địa bàn toàn tỉnh chuyển sang chế độ vận hành theo hướng tích nước ngọt, hạn chế tiêu xổ (chủ động lấy nước vào và hạn chế tiêu xả ra) để đảm bảo có nguồn nước ngọt đệm trong nội đồng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các công trình, cống gần sông lớn, biển có nguy cơ rò rỉ nước mặn để sửa chữa, đáp ứng yêu cầu vận hành nhanh. Tăng cường khai thông các kênh, mương”. Hiện độ mặn tại một số địa phương trong tỉnh có nơi cao đến 8‰. Theo ông Trưng, công ty đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, nghiêm túc thực hiện công tác ngăn mặn, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh để có hướng bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Nếu để xảy ra xâm nhập mặn thì những người đứng đầu các đơn vị trên phải chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hệ thống công trình thủy lợi chưa khép kín, thiếu đồng bộ, việc ngăn mặn, trữ ngọt, chống ngập úng, ở một số khu vực còn khó khăn”. Theo ông Ngân, khu vực Ba Tri và Giồng Trôm có hệ thống trục dẫn Cây Da đã được khép kín và tương đối hoàn chỉnh, chỉ ảnh hưởng mặn trong thời gian ngắn vào cuối mùa khô. Ngành nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên đo độ mặn để đóng cửa cống ngăn mặn khi độ mặn vượt quá mức cho phép 1%0. Cụ thể, tại hệ thống Châu Bình - Vàm Hồ sẽ tăng cường lấy nước ngọt từ sông Ba Lai cung cấp nước tưới cho nội đồng. Các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú có nhiều công trình lớn, tương đối hoàn chỉnh về đầu mối và tạo nguồn nhưng hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, vào mùa khô có thể xảy ra hạn cục bộ ở vài nơi. Tại các khu vực này có hai trục dẫn ngọt chính: Trục Cái Quao - Chín Thước - Cầu Đúc - Cổ Rạng, nếu mặn xâm nhập sâu trên sông Hàm Luông sẽ vào sông Cái Quao có thể gây ảnh hưởng cả khu vực phía Bắc quốc lộ 57. Khu vực Bình Đại gồm có các công trình: Cống Năm Đà, Dinh Điền nằm ven sông Tiền chưa có tuyến đê bao khép kín, nhiều kênh rạch còn dẫn nước thông từ sông Tiền vào nội đồng, khu vực này sẽ xây bờ bao và đập tạm để ngăn mặn cục bộ, hạn chế thiệt hại do mặn gây ra. Bên cạnh đó, tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải chủ động đóng các cống có nhiệm vụ trữ ngọt và ngăn mặn, tuân thủ lịch vận hành, nhất là vào cao điểm mặn, tháng 4 và tháng 5, có thể không mở cống.

Theo Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 20-2-2014 của UBND tỉnh Hậu Giang về phòng chống hạn và mặn xâm nhập mùa khô năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 25.100ha có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn; trong đó 8.000ha bị ảnh hưởng hạn, mặn (gồm TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy và Long Mỹ), diện tích còn lại chủ yếu bị hạn. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra công tác phòng chống hạn, mặn tại TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy và yêu cầu các địa phương, ngành nông nghiệp chủ động công tác phối hợp; thường xuyên cập nhật các số liệu hạn, mặn để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tốt công tác phòng chống hạn, mặn mùa khô năm 2014. Hiện các dự án phía bờ Bắc và bờ Nam kênh xáng Xà No còn thi công dang dở, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, các địa phương phối hợp đắp đập thời vụ, không để nước mặn tràn vào nội đồng. Độ mặn ở mức 2%0, phải triển khai đắp đập thời vụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

BẢO- MINH- QUỐC

Chia sẻ bài viết