06/01/2022 - 08:29

Chủ động chăm sóc, bảo vệ tốt lúa đông xuân 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Ðến nay, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống gieo trồng 76.039ha lúa vụ đông xuân 2021-2022, đạt 100% so với kế hoạch. Các trà lúa chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng và đang phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, tình hình thời tiết và các loại dịch hại lúa vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi nông dân phải hết sức cảnh giác nhằm đảm bảo thắng lợi vụ lúa quan trọng nhất trong năm này.

Nông dân ở huyện Thới Lai thăm đồng kiểm tra tình hình phát triển của lúa.

Lúa phát triển tốt

Vụ đông xuân này 10 công ruộng của ông Tô Thanh Tùng, ngụ khu vực Phúc Lộc 2, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt gieo trồng giống lúa thơm Ðài Thơm 8. Ðến nay, lúa đã được 40 ngày tuổi và đang phát triển khá tốt, chưa phải phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lần nào. Ông Tùng cho biết: "Năm nay, thời điểm gieo sạ lúa gặp khó do mùa mưa  kéo dài, lũ về muộn và rút chậm, nông dân phải tốn chi phí bơm tát nước vào đầu vụ. Tuy nhiên, nhờ thực hiện vệ sinh đồng ruộng và làm đất thật kỹ, kết hợp với chọn sử dụng giống tốt, đạt chuẩn cấp xác nhận và áp dụng máy phun hạt để sạ lúa nên lúa lên rất đều, không phải tốn công giặm lúa. Tôi cũng chủ động chăm sóc, bón phân phù hợp nên lúa phát triển tốt và hầu như chưa xuất hiện các loại sâu bệnh. Dự kiến sẽ được thu hoạch vào khoảng 20 tháng Giêng".

Theo ông Trần Tấn Thật ngụ ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, đến nay ruộng lúa vụ đông xuân của gia đình ông gieo sạ đã hơn 50 ngày tuổi, phát triển tốt, ít sâu bệnh, mới phun một lần thuốc BVTV để phòng trị bệnh đạo ôn.

Năm nay, sản xuất lúa đông xuân có gặp bất lợi do lũ nhỏ và về muộn, đồng ruộng không được bồi bổ nhiều phù sa nên nông dân cần bón nhiều phân bón cho lúa, trong khi giá nhiều loại phân bón đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Song, sản xuất lúa cũng thuận lợi khi có nhiều loại máy móc thay thế sức người và nông dân đã nắm vững nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ lúa, biết cách chủ động phòng tránh các loại sâu bệnh từ khá sớm. Ðặc biệt, nông dân tranh thủ cho nước lũ vào đồng ruộng trước khi bước vào vụ sản xuất để nhấn chìm các mầm sâu bệnh và xuống giống tập trung, né rầy theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, cũng như áp dụng các giải pháp kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"... Các cấp chính quyền, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương cũng kịp thời thông tin, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các giải pháp cụ thể để chăm sóc, bảo vệ lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng. Từ đó, giúp cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh và giảm được chi phí.

Không chủ quan

Hiện nay, lúa đông xuân tại các quận, huyện chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng. Lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt nhưng nông dân và ngành Nông nghiệp tại các địa phương không chủ quan mà luôn quan tâm theo dõi sát đồng ruộng. Anh Thái Văn Phường ở ấp Ðông Thắng A, xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, cho biết: "Vụ này, 10 công lúa của gia đình tôi sạ giống Ðài Thơm 8 và lúa đã được 50 ngày tuổi, nhìn chung lúa đang phát triển tốt. Tuy nhiên, tôi không chủ quan mà luôn thăm đồng thường xuyên nhằm chăm sóc tốt cho lúa và phòng tránh các nguy cơ lúa bị thiệt hại do sâu bệnh và thời tiết bất lợi. Qua đó, giảm được các chi phí sản xuất, nhất là thông qua việc tận dụng nguồn nước thủy triều để khai nước vào ruộng, giúp giảm chi phí bơm nước". Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Lai,  đến ngày 15-12, huyện đã xuống giống dứt điểm hơn 18.594ha lúa đông xuân, đạt 100,14% so với kế hoạch. Thời gian qua, Phòng đã yêu cầu Trạm Trồng trọt và BVTV phối hợp Trạm Khuyến nông và ngành chức năng tại các xã, thị trấn bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt tình hình phát triển của lúa, báo cáo thường xuyên về Phòng để chủ động hỗ trợ nông dân chăm sóc, bảo vệ lúa. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cờ Ðỏ, vụ đông xuân này huyện xuống giống được 21.615ha lúa, chủ yếu là các loại lúa thơm và chất lượng cao, trong đó Ðài Thơm 8 chiếm tỷ lệ 70,5%, Jasmine 85 chiếm 15,8% và RVT chiếm 4,81% diện tích... Ðể có vụ mùa thắng lợi, huyện không chỉ quan tâm tăng cường phổ biến tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân chủ động quản lý dịch hại và ứng phó các điều kiện sản xuất bất lợi mà còn đẩy mạnh hỗ trợ duy trì, phát triển mô hình cánh đồng lớn trồng lúa an toàn, chất lượng cao gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nông dân đã xuống giống gieo trồng được 76.039ha lúa đông xuân 2021-2022, đạt 100% so với kế hoạch, trong đó tỷ lệ thực hiện cơ giới hóa trong khâu gieo sạ (sạ bằng máy phun hạt, máy sạ cụm, cấy máy) chiếm trên 90% diện tích. Các giống lúa được nông dân sử dụng gieo sạ chủ yếu trong vụ đông xuân 2021-2022 là Ðài Thơm 8, Jamine 85, OM 5451, OM 380, RVT và IR50404. Lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên một số trà lúa đã có sự xuất hiện và gây hại như chuột, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá, rầy nâu,  muỗi hành... Ðể chăm sóc và bảo vệ tốt lúa đông xuân, Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương cần cử lực lượng cán bộ kỹ thuật, nhân viên trồng trọt và BVTV cấp cơ sở theo dõi, kiểm tra giám sát đồng ruộng, tổ chức cùng nông dân thăm đồng nắm chắc tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời. Khuyến cáo nông dân bón phân theo nhu cầu cây lúa, hạn chế bón thừa phân, đặc biệt phân đạm nhằm giảm chi phí trong sản xuất, đồng thời góp phần hạn chế các loại dịch hại phát triển và gây hại cho lúa, nhất là bệnh đạo ôn. Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thông báo đến nông dân khi thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến sản xuất để kịp thời ứng phó, hạn chế thiệt hại. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; ngăn ngừa tình trạng lợi dụng chống dịch COVID-19 hoặc thời điểm dịch bệnh cây trồng phát triển để tăng giá hoặc bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng...

Chia sẻ bài viết