04/04/2008 - 00:08

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:

Chống lạm phát: Phải hành động ngay chứ không nói suông

Mục tiêu ưu tiêu hàng đầu của Chính phủ trong thời điểm hiện tại là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Xung quanh những giải pháp trong việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành cho TTXVN cuộc phỏng vấn. Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn. Tựa đề do Tòa soạn đặt.

* Thưa Thủ tướng, Thông điệp của Thủ tướng kêu gọi sự đồng tâm, hiệp lực của mọi chủ thể trong việc giải quyết khó khăn, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội đã được hưởng ứng như thế nào?

 

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi nhận thấy, từ người dân đến doanh nghiệp (DN), các bộ, ngành và địa phương đều tỏ ra nhất trí cao với mục tiêu và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra cũng như quyết tâm đồng lòng, đồng hành với Chính phủ để vượt qua khó khăn trong lúc cam go này. Biểu hiện cụ thể là ngay trong Hội nghị giữa Thủ tướng với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các Hiệp hội sản xuất kinh doanh diễn ra chiều 1-4 và lãnh đạo các tỉnh thành phía Bắc ngày 2-4, đại diện lãnh đạo các tỉnh và DN đã bày tỏ sẽ sát cánh cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát liên quan đến trách nhiệm của mình. Nhiều DN đã có những ý kiến đóng góp đáng ghi nhận về giải pháp kiềm chế lạm phát. Các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế... đều đã báo cáo trước Thủ tướng những việc đã làm được, sẽ triển khai, đề xuất các giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện ngay trong thời gian tới cho bộ, ngành mình nhằm cùng Chính phủ ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề lạm phát. Các địa phương đều tỏ rõ sự quán triệt các yêu cầu của Chính phủ, nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề ra, trong đó có 8 nhóm giải pháp chung và các yêu cầu riêng đối với địa phương.

Quan trọng nhất là đối với toàn dân, Đảng và Chính phủ luôn trung thành với quan điểm “lấy dân làm gốc”, mọi chủ trương chính sách là phục vụ nhân dân và mọi việc thành bại đều do nhân dân quyết định. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân hãy tham gia công cuộc kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế nước nhà bằng việc làm trước tiên và thiết thực là tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu, chi tiêu hợp lý, tránh mọi sinh hoạt lãng phí để cùng sát cánh với Chính phủ, các DN, bộ, ngành và địa phương trong lúc khó khăn này! Chúng ta hãy nhớ, tiết kiệm là yêu nước và tiết kiệm chỉ có thể đạt được kết quả xuất phát từ chính tinh thần tự giác của người dân. Tôi xin nhắc lại, Chính phủ nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước toàn Đảng, toàn dân về kiềm chế lạm phát. Nhưng, công cuộc này chỉ có thể đạt được kết quả khi có sự ủng hộ và đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan thông tin đại chúng và của nhân dân cả nước.

* Thưa Thủ tướng, quyết tâm đã được tỏ rõ, nhưng làm thế nào để biến quyết tâm thành hành động cụ thể; yêu cầu đặt ra đối với từng chủ thể là gì và nếu không thực hiện nghiêm thì Chính phủ sẽ có những biện pháp nào khác ngoài sự kêu gọi?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đấy cũng chính là điều Chính phủ rất trăn trở. Trước hết, Chính phủ kêu gọi cả nước hãy hành động ngay, bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm. Rồi sau đó mới tính đến những biện pháp hành chính khác. Bởi vì, công cuộc chống lạm phát, phát triển kinh tế, an sinh xã hội chính là mục tiêu lớn nhất của đất nước lúc này. Và đã là người Việt Nam thì trước tiên phải hành động vì đất nước, vì dân tộc mình, nhất là trong những lúc khó khăn, thử thách.

Cho đến nay, theo tôi, tinh thần tất cả đều tỏ ra rất tốt, quyết tâm cao. Nhưng, để vượt qua khó khăn, chúng ta phải cùng nhau thực hiện thế nào. Tôi muốn nhấn mạnh lại, điều Chính phủ quan tâm lúc này là sau khi các DN, các bộ, ngành, địa phương đã bày tỏ thái độ đồng tình, chia sẻ rồi thì phải thể hiện bằng hành động ngay, chứ không phải chỉ nói suông. Các tập đoàn, tổng công ty bằng trách nhiệm của mình phải có những hành động cụ thể, chủ động xây dựng các kế hoạch sản xuất, kinh doanh tiết kiệm, loại bỏ các dự án không hiệu quả... Tùy theo lĩnh vực hoạt kinh doanh, các DN phải lên kế hoạch triển khai, quán triệt cụ thể 8 nhóm giải pháp vận dụng đối với DN mình. Đây không chỉ là lời kêu gọi, mà cũng là yêu cầu, là mệnh lệnh.

Tôi cũng yêu cầu, tới đây tất cả các địa phương đều phải tập trung ưu tiên triển khai nhiệm vụ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các ngành, cấp, các DN và toàn dân; thực hiện tiết kiệm trong tiêu dùng; dành nguồn vốn đầu tư cho phát triển; thực hiện cắt giảm 10% chi tiêu hành chính, giảm hội họp, lễ lạt tiếp khách, tiết kiệm điện và xăng dầu... Đặc biệt, cần nghiêm túc rà soát lại các danh mục dự án đầu tư bằng vốn Nhà nước do địa phương, do ngành quản lý theo hướng loại bỏ các dự án kém hiệu quả hoặc chưa đủ thủ tục đầu tư ; giãn tiến độ các dự án chưa thật cần thiết... Tháo gỡ khó khăn tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất; tăng cường công tác chỉ đạo bảo đảm nguồn hàng cung- cầu và quản lý thị trường giá cả; nắm sát đời sống của nhân dân để thực hiện nghiêm các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ... Nếu ở khâu nào, cơ quan nào, ngành nào, địa phương nào thực hiện còn vướng mắc, còn hình thức, còn sai sót thì lãnh đạo các nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

* Theo đánh giá của Thủ tướng, công cuộc chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế sẽ có kết quả như thế nào?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đứng trước khó khăn đang đặt ra cho nền kinh tế đất nước, để khắc phục tình hình, Chính phủ đã quyết liệt không chỉ trong ý chí mà còn biểu hiện rõ trong điều hành chỉ đạo. Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp căn bản và toàn diện đồng thời đang có những bước điều hành thực hiện đồng bộ. Để thích hợp với tình hình mới, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội điều chỉnh lại một số chỉ tiêu kinh tế đã đặt ra cho năm 2008. Về đời sống an sinh xã hội, sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, tập trung nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ cho người nghèo, miền núi, thiên tai... Tôi nhắc lại, thực hiện được những mục tiêu này là hết sức khó khăn, đặc biệt là mục tiêu về chống lạm phát, đòi hỏi phải hành động quyết liệt và đồng tâm hiệp lực trong cả nước. Tôi hoàn toàn tin rằng, với sự quyết tâm, chung sức chung lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta sẽ kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục đưa nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.

* Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!

THIỆN THUẬT - HỒNG NGA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết