17/08/2012 - 20:53

Xung đột chưa có hồi kết tại Syrie

Chồng chất những bất mãn và lo âu

 Hiện trường một vụ nổ gần nơi lưu trú của các quan sát viên LHQ ở Damas. Ảnh: Reuters

Vụ “chiếc ghế nóng” của đặc phái viên quốc tế Kofi Annan để lại vừa giải quyết xong thì những nỗ lực quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syrie đã bị giáng một đòn nặng nề khi các quan sát viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuyên bố từ bỏ sứ mệnh của họ tại đây, khiến con đường đi đến hòa bình của người dân Syrie càng trở nên gian nan hơn.

Mỹ lo ngại về số vũ khí hóa học của Syrie

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời giới chức ngoại giao Mỹ cho biết, Washington và các nước đồng minh đang thảo luận một viễn cảnh tồi tệ nhất về khả năng có thể điều hàng chục ngàn binh lính trên đến Syrie để bảo vệ các kho vũ khí hóa học và sinh học tại đây nếu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Các cuộc thảo luận bí mật thừa nhận rằng tất cả lực lượng an ninh của ông al-Assad khi tan rã có thể để lại các kho vũ khí hóa học và sinh học dễ bị xâm phạm ở Syrie và dẫn đến tình trạng cướp bóc. Viễn cảnh trên cũng đề cập đến khả năng các kho vũ khí này bị phá hủy bởi các vụ không kích bằng bom, gây nguy hại đến sức khỏe và môi trường xung quanh. “Đây không phải là một kế hoạch được vạch ra để triển khai quân đến Syrie. Thực tế, đây là viễn cảnh xấu nhất”- một quan chức tiết lộ.

Cũng theo nguồn tin trên, không rõ liệu ở vào tình cảnh hiện nay, nhiệm vụ quân sự như thế sẽ được tổ chức như thế nào và cả chuyện những quốc gia nào sẽ tham gia kế hoạch trên. Một vài đồng minh phương Tây đã tỏ ý sẽ không hợp tác.

Quan sát viên Liên Hiệp Quốc tuyên bố từ bỏ sứ mệnh

Hôm 16-8, phó chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ Edmond Mulet tuyên bố, nhiệm vụ của các quan sát viên LHQ sẽ chấm dứt trong tuần tới do Chính phủ Syrie và phe nổi dậy “đã chọn con đường chiến tranh” để giải quyết mâu thuẫn, cùng với đó là tình trạng bế tắc trong việc ngăn chặn xung đột leo thang tại Syrie vẫn còn tồn tại ở những cường quốc trên thế giới.

“Rõ ràng cả hai bên đã chọn con đường chiến tranh, xung đột mở rộng trong khi cơ hội cho các cuộc đàm phán và giải pháp chính trị, kêu gọi chấm dứt chiến sự đã bị rút rất ngắn vào thời điểm này. Chiến sự trên mặt đất cực kỳ khó khăn. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải đối mặt với những thách thức trong nỗ lực mở ra những cơ hội hòa giải chính trị trong tương lai cho Syrie”- ông Mulet cáo buộc.

Tuyên bố được đưa ra chỉ hai tuần sau khi cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan từ bỏ vai trò đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) về Syrie vào cuối tháng 8 tới. Các quan sát viên không thể hoàn thành nhiệm vụ do bạo lực từ phía quân đội Chính phủ Syrie và phe nổi dậy. Giới chức tại LHQ cho biết, hàng chục quan sát viên quân sự và dân sự hiện đang thực thi nhiệm vụ tại Syrie sẽ rời khỏi Damas vào ngày 24-8.

Lakhdar Brahimi chấp nhận thay thế Kofi Annan

Nhà ngoại giao kỳ cựu người Algérie Lakhdar Brahimi đã đồng ý thay thế ông Kofi Annan đảm nhận vai trò đặc phái viên quốc tế về Syrie. Tiết lộ với Reuters, giới ngoại giao cho biết ông Brahimi, người đã phân vân trong những ngày gần đây về việc có chấp nhận giữ trọng trách trên sau khi nhận được lời đề nghị từ Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, không muốn bị xem là sự thay thế duy nhất cho ông Annan, mà chỉ muốn là một “vị trí được tái định hình” và một phương án mới cho nhiệm vụ tìm kiếm hòa bình ở Syrie.

Một nguồn tin thân cận với sự thay đổi này tiết lộ rằng, nếu đảm nhận vai trò đặc phái viên chung của LHQ và AL, nhà ngoại giao 78 tuổi này sẽ không tiếp tục “kế hoạch thất bại” mà ông Annan để lại, mà thay vào đó sẽ tìm kiếm phương án mới cho cuộc xung đột tại Syrie.

Một điều vẫn chưa được làm rõ là mối liên hệ chính thức giữa ông Brahimi với AL là gì nếu ông trở thành đặc phái viên quốc tế. Giới ngoại giao cho rằng văn phòng của ông Brahimi sẽ đặt tại New York (Mỹ), chứ không phải ở Genève (Thụy Sĩ), nơi người tiền nhiệm Annan đã từng làm việc.

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết