03/10/2015 - 15:52

LỰC LƯỢNG SÁNG TÁC CỔ NHẠC Ở CẦN THƠ

Chờ “măng mọc”…

Với 106 hội viên thuộc các lĩnh vực biểu diễn, đạo diễn, sáng tác, lý luận phê bình… Hội Sân khấu là một trong những hội chuyên ngành có lực lượng hùng hậu nhất trong Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật TP Cần Thơ. Trong đó, lực lượng sáng tác dù chiếm số lượng không nhiều nhưng tạo được vị thế vững chắc trong làng sáng tác sân khấu đồng bằng. Tuy nhiên, có một nỗi lo là "tre già" nhưng "măng chưa mọc".

Nội lực mạnh mẽ

Mới đây, Hội Sân khấu TP Cần Thơ vừa trao giải cuộc thi sáng tác bài vọng cổ, bài bản tài tử chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đây là cuộc thi truyền thống, duy trì nhiều năm qua của Hội. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ, cho rằng, các tác phẩm dự thi đã thể hiện nội lực của đội ngũ sáng tác vọng cổ, bài bản tài tử ở Cần Thơ. Nhiều tác phẩm đã thể hiện sự hài hòa giữa âm nhạc truyền thống với cuộc sống hiện tại, nêu được những nhân tố điển hình, thời sự trong việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ ở Cần Thơ. Đó là người quét rác giữa đêm khuya trong "Đom đóm đêm" của Võ Hiếu Hòa, hình ảnh người cảnh sát trong "Vì bình yên cuộc sống nhân dân" của Song Anh…

      Nghệ sĩ trình diễn các tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi Sáng tác bài vọng cổ, bài bản tài tử chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2015. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Trong hơn 100 hội viên, đội ngũ sáng tác của Hội Sân khấu chỉ chiếm chưa đến 20%. Song, các tác giả đều có vị trí ổn định trong làng sân khấu đồng bằng. Ngoài những tác giả trưởng thành trong kháng chiến như NSƯT Trúc Linh, Minh Thơ, Hoàng Bửu Hiếu… còn có nhiều tác giả sáng tác sau ngày đất nước thống nhất như cố soạn giả Nguyễn Hoài Vân, Hoài Minh, Võ Hiếu Hòa, Trọng Huỳnh, Trương Huy Hoàng… Điển hình, tại cuộc thi của Hội vừa qua, tác giả Võ Hiếu Hòa đoạt 1 giải Nhì và 1 giải Ba. Cũng tại giải này năm ngoái, ông đoạt giải Nhất với tác phẩm "Người chở chữ sang sông". Ngoài ra, Võ Hiếu Hòa còn là tác giả quen thuộc trong các chương trình thông tin lưu động của TP Cần Thơ. Hay tác giả Hoài Minh ở Thốt Nốt, được mọi người gọi vui là "trùm" kịch bản thông tin lưu động đồng bằng. Chị sáng tác và dàn dựng nhiều chương trình cho quận, thành phố và các địa phương khác. Ngoài ra, tại những cuộc thi sáng tác bài vọng cổ, chập cải lương ở Nam Bộ, hầu như đều có hội viên Hội Sân khấu Cần Thơ đoạt giải.

Lo đội ngũ kế thừa

Tuy nhiên, vấn đề của lực lượng sáng tác cổ nhạc ở Cần Thơ hiện nay là thiếu hụt đội ngũ kế thừa. Hầu hết các tác giả đều đã ngoài 50 tuổi, số người trẻ hiếm hoi. Tác giả Thanh Trang, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Cần Thơ, cho biết, hằng năm Hội đều mở trại sáng tác hoặc tổ chức đi thực tế sáng tác cũng như mở nhiều lớp kỹ năng sáng tác cho tác giả. Tuy nhiên, số người trẻ tham dự rất hiếm. "Sáng tác cổ nhạc đòi hỏi nhiều yếu tố như đam mê, trải nghiệm, kiến thức âm nhạc… nên nhiều bạn trẻ rất ngại tiếp cận lĩnh vực này" – tác giả Thanh Trang nhận định.

Nhìn từ cuộc thi truyền thống của Hội vừa qua, đạo diễn Nguyễn Hoàng Dũ cũng nhận định, nhiều tác phẩm còn viết chung chung, không nổi rõ vấn đề. Một số tác phẩm có cấu trúc âm nhạc lối mòn, sơ sài nên bài vọng cổ, bài bản tài tử thiếu sức hấp dẫn, mượt mà. Đồng tình với quan điểm này, tác giả Võ Hiếu Hòa chia sẻ, người viết bài vọng cổ cần có những kinh nghiệm xử lý riêng thì mới tạo dấu ấn trong bài ca. Bên cạnh đó, việc xác định "tứ" cho bài ca là một trong những yếu tố quan trọng nhưng nhiều người không chú trọng, nên bài ca rất mờ nhạt, theo kiểu "ca ngợi chung chung" hay sáng tác "thời sự". Trong một bài vọng cổ, ít nhất phải có câu chuyện, cốt truyện hay một sự kiện nào đó để "làm cớ" chuyển tải thông điệp chính và tăng chất trữ tình, như những chuyện tình trong "Tình anh bán chiếu" của sọan giả Viễn Châu, "Chợ Mới", "Giọt sữa cuối cùng" của soạn giả Trọng Nguyễn… là ví dụ. Tuy nhiên, những yếu tố này vẫn còn thiếu trong cuộc vận động sáng tác vừa qua, mà nguyên nhân chính là không ít người sáng tác dần đi vào "công thức", thiếu đi sự sáng tạo. Và có lẽ, thiếu vắng đội ngũ sáng tác trẻ đã làm giảm đi sự cạnh tranh, sáng tạo và cá tính của đội ngũ hiện tại.

Một cái khó khác trong việc phát triển đội ngũ kế thừa trong sáng tác cổ nhạc Cần Thơ là đầu ra cho tác phẩm. Nhiều tác phẩm sáng tác xong, kể cả đạt giải ở các cuộc thi đều "xếp kho". Việc gửi cộng tác ở các đài phát thanh – truyền hình đều theo kiểu "được chăng hay chớ" nên tác phẩm không được quảng bá, vừa không có thu nhập, vừa mất động lực sáng tác. Tác giả Thanh Trang giải thích, một tác phẩm cổ nhạc muốn đến với công chúng thì tác giả thôi chưa đủ mà cần phải có dàn dựng, thu thanh, ca sĩ, dàn nhạc… Đó là khoản chi phí mà người cầm bút không thể kham nổi.

* * *

Dù còn không ít khó khăn nhưng lực lượng sáng tác cổ nhạc Cần Thơ luôn dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc "ngũ cung". Họ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc trên đất Tây Đô.

HUỲNH MAI

Chia sẻ bài viết