03/03/2020 - 07:04

Chính trường Israel có thoát khủng hoảng? 

Ngày 2-3, Israel tổ chức bầu cử lần thứ ba trong vòng chưa đầy 12 tháng, sau hai cuộc bầu cử đều có kết quả không dẫn tới thành lập được một chính phủ mới.

Hình ảnh vận động tranh cử của ông Gantz (trái) và Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: timesofisrael.com

Theo các cuộc thăm dò cuối cùng trước thời điểm bầu cử, đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ giành được nhiều ghế nhất, hơn 1-2 ghế so với đảng Xanh-Trắng của cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz. Tuy nhiên, khối cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu chỉ giành được 57-58 ghế, chưa hội đủ ít nhất 61/120 ghế trong quốc hội để có thể thành lập chính phủ liên minh. Trong khi đó, khối trung tả, tính cả đảng của người Israel gốc Arab là Joint List, cũng chỉ được 55-56 ghế, không thể giúp ông Gantz thành lập được chính phủ mới. Đảng Joint List dự báo giành 14 ghế, đảng Yisrael Beitenu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman sẽ có 7 ghế.

Với kịch bản trên, ông Lieberman tiếp tục giữ vai trò quyết định thành lập được chính phủ liên minh mới hay không nếu đứng về một trong hai khối. Dù vậy, vị này vẫn duy trì quan điểm thành lập chính phủ thống nhất bao gồm đảng Likud không có Thủ tướng Netanyahu (vì không chấp nhận một thủ tướng đương quyền bị truy tố trước tòa về các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền), đảng Xanh-Trắng và đảng Yisrael Beitenu của ông, đồng thời bác bỏ khả năng tham gia một chính phủ có sự góp mặt của Joint List hay các đảng tôn giáo.       

Do ông Gantz ủng hộ kế hoạch hòa bình của Mỹ và sáp nhập lãnh thổ, nên Joint List cũng tuyên bố sẽ không giới thiệu chủ tịch đảng Xanh-Trắng đứng ra thành lập chính phủ mới.

Đảng Likud nhận được thêm sự ủng hộ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông hồi tháng 1 vừa rồi và căng thẳng Mỹ-Iran tại khu vực chưa giảm nhiệt. Có điều sự ủng hộ này tương đối hạn chế, khó giúp Thủ tướng Netanyahu giành được đủ phiếu bầu để thành lập chính phủ liên minh do một bộ phận cử tri vẫn cho rằng ông nên từ chức vì các cáo buộc hình sự. Ngoài ra, việc Mỹ gây sức ép buộc ông Netanyahu không tiến hành sáp nhập lãnh thổ trước bầu cử cũng gây thất vọng cho một bộ phận cử tri Do Thái giáo cứng rắn. Điều này khiến Thủ tướng Israel không tạo ra được sự nổi trội so với đối thủ Gantz. Trong khi đó, lãnh đạo Xanh-Trắng thể hiện được khả năng ảnh hưởng khi được cho đã ngăn ông Netanyahu sáp nhập lãnh thổ trước bầu cử.

Được biết, các nghị sĩ Israel gốc Arab - hiện giữ 13 ghế trong quốc hội -  đã kêu gọi cộng đồng của họ đi bầu nhiều hơn để thể hiện sự phản đối đối với kế hoạch hòa bình gây tranh cãi nói trên, qua đó muốn gây khó cho Thủ tướng Netanyahu trong việc giành thêm vài ghế mà ông cần. 

Trong trường hợp khối cánh hữu ủng hộ Thủ tướng Netanyahu không hội đủ ít nhất 61/120 ghế trong quốc hội như kết quả thăm dò phản ánh, ông Netanyahu chỉ có thể thành lập được chính phủ liên minh nếu Lieberman thay đổi quan điểm hoặc có một số nghị sĩ thuộc khối cánh tả tham gia khối cánh hữu của ông. Tương tự, Chủ tịch đảng Xanh-Trắng Gantz thành lập được chính phủ liên minh trung tả nếu Lieberman và Joint List cùng thay đổi quan điểm, hoặc ông Gantz thành lập một chính phủ thiểu số nhận được sự ủng hộ của Joint List. Tuy nhiên, các kịch bản này đã không xảy ra sau cuộc bầu cử lần hai vào tháng 9 năm ngoái, dẫn tới Israel phải tổ chức bầu cử lần ba.

Về cơ bản, cuộc bầu cử lần này dẫn đến ba kết quả là Thủ tướng Netanyahu thắng, thua hoặc chính trường Israel tiếp tục bế tắc và phải tổ chức bầu cử lần tư.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết