21/08/2024 - 09:11

Chiến lược địa phương hóa nội dung mang đến thành công cho Netflix 

Không chỉ tiên phong trong xây dựng nền tảng dịch vụ trực tuyến, Netflix còn có những chiến lược tiếp cận người dùng đa dạng. Theo đó, chiến lược địa phương hóa nội dung đang tạo nên lợi thế lớn cho Netflix trong cuộc đua thị phần và sản phẩm phục vụ người dùng trực tuyến.

Nhà phân tích cấp cao Thomas Monteiro đánh giá: “Chiến lược địa phương hóa sản xuất nội dung của Netflix đã mang lại nhiều lợi ích về mặt lợi nhuận và tăng trưởng người đăng ký. Netflix có chiến lược chú trọng nội dung gốc và bản địa, bằng cách này Netflix đã thu hút được người xem quốc tế và thâm nhập nhiều thị trường mới”. Hiện Netflix có gần 270 triệu người dùng, tính đến hết quý I năm 2024. Theo đó, các chương trình được xem nhiều nhất ở các thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Thụy Điển và Anh đều là những chương trình sáng tạo nguyên bản. Erik Barmack, Phó Chủ tịch phụ trách bản gốc quốc tế của Netflix, thông tin rằng Netflix không chỉ đặt mục tiêu toàn cầu mà còn hướng đến từng thị trường riêng biệt. Cụ thể, Netflix đang tạo nội dung gốc ở 17 thị trường riêng biệt.

Những phim được Netflix đầu tư trong năm nay đều có nội dung hướng tới khách hàng của từng khu vực rõ rệt. Cụ thể một số phim đã phát hành, như “Griselda” (ảnh) có 66,4 triệu lượt xem, “Fool Me Once” với 98,2 triệu lượt xem, “The Gentlemen” sở hữu 61 triệu lượt xem... đều là phim có nội dung phù hợp cho thị trường châu Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, “Queen of Tears”, “Avatar: The Last Airbender” là dành cho thị trường châu Á. Tại khu vực châu Á, các thị trường cũng chia nhỏ với những chiến lược cụ thể. Ngoài Hàn Quốc thì thị trường Đông Nam Á đang được Netflix chú trọng đầu tư.

Năm 2024, Netflix sản xuất 10 phim nội dung gốc của Thái Lan và 6 phim của Indonesia. Những tác phẩm gốc này đa dạng thể loại: phim tội phạm, kinh dị, khoa học viễn tưởng, siêu nhiên. Ngoài ra, các phim điện ảnh và truyền hình của nhiều nước Đông Nam Á cũng được mua bản quyền phát trực tuyến. Năm nay có hơn 50 phim của Indonesia được thêm vào nền tảng Netflix. Ông Rusli Eddy, Giám đốc phụ trách nội dung gốc Netflix ở Indonesia, nói: “Khán giả ở thị trường này ngày càng tăng và chúng tôi có sẵn dữ liệu phim đáp ứng nhu cầu đa dạng của họ”.

Báo cáo nghiên cứu của Media Partners Asia chỉ ra rằng khán giả châu Á đang có xu hướng lựa chọn nội dụng gốc và bản địa nhiều hơn. Các chương trình giải trí địa phương chiếm 12% tổng lượng người xem ở Đông Nam Á. Ông Yongyoot Thongkongtoon, Giám đốc nội dung của Netflix tại Thái Lan, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với nội dung địa phương. Do đó, chúng tôi sẽ có nhiều phim hơn, với các nội dung địa phương đa dạng, táo bạo và đẳng cấp hơn dành cho khán giả”.

Số liệu từ Media Partners Asia còn cho thấy số thuê bao trả phí cho các dịch vụ video theo yêu cầu cao cấp tiếp tục tăng ở Đông Nam Á, đạt 48,5 triệu người dùng tính đến hết quý I năm 2024. Theo dự báo của công ty phân tích truyền thông Ampere (Anh), trong 5 năm tới, thị trường châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ chiếm 60% tổng số người đăng ký toàn cầu của Netflix. Do đó, Netflix đang đưa ra nhiều chính sách tốt thu hút thị trường này. Netflix phối hợp với nhiều đối tác địa phương: công ty dịch vụ số Philippines Smart, nhà mạng di động Thái Lan AIS… để cung cấp dịch vụ trọn gói ưu đãi cho người dùng.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Nikkei Asia, Wall Street Journal, Bangkok Post)

 

Chia sẻ bài viết