26/08/2018 - 09:46

Chiêm ngưỡng Báu vật khảo cổ học Tây Nam bộ 

Đăng Huỳnh

“Báu vật khảo cổ học Tây Nam bộ” là trưng bày chuyên đề đang diễn ra tại Bảo tàng TP Cần Thơ, kéo dài đến ngày 15-12-2018. Hơn 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật được giới thiệu đã tái hiện sinh động về dòng văn hóa Óc Eo từng phát triển rực rỡ từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII của vương quốc Phù Nam.

Theo thống kê, toàn khu vực Tây Nam bộ hiện có trên 70 di chỉ khảo cổ đã được khai quật. Qua đó, các nhà khảo cổ đã tìm trong lòng đất, trong lớp bụi thời gian hàng ngàn hiện vật quý báu, phác họa sinh động dòng văn hóa Óc Eo từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII của cư dân cổ Phù Nam. Trong đó, nhiều hiện vật khảo cổ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.

Sinh viên thích thú tham quan trưng bày chuyên đề. Ảnh: DUY KHÔI

Hơn 200 hiện vật, hình ảnh tại trưng bày chuyên đề lần này chủ yếu là vật dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày và lao động sản xuất của cư dân Phù Nam. Kế đến là những hiện vật tín ngưỡng: tượng Phật, Linga, Yoni… Các hiện vật được làm chủ yếu bằng gốm, gỗ, đá và vàng. Dù trải qua hàng bao thế kỷ song nhiều hiện vật vẫn còn nguyên vẹn, thể hiện sự tinh xảo trong chế tác, hoa văn và trình độ thẩm mỹ, nghệ thuật ở mức độ cao.

Điểm nhấn của trưng bày chuyên đề là Bảo vật quốc gia đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của TP Cần Thơ, được đặt tại vị trí trung tâm. Đó là bộ khuôn đúc thuộc dòng văn hóa Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Bộ sưu tập này được khai quật tại Di tích khảo cổ Nhơn Thành (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), gồm 11 hiện vật: bộ khuôn đúc (3 khuôn), xỉ kim loại, nồi nấu kim loại, cốc rót kim loại, khuôn đúc, dụng cụ uốn vòng, vòng, khuyên tai răng cưa, khuyên tai con đỉa, khuyên tai trái bí. Những hiện vật này được ghi nhận là độc bản, hiếm thấy, thể hiện đầy đủ quy trình chế tác trang sức. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, dấu vết của hoạt động chế tác đồ trang sức bằng kim loại được tìm thấy ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL nhưng chưa nơi nào phong phú, tập trung cao như ở Nhơn Thành.

Bảo vật quốc gia Bộ khuôn đúc Nhơn Thành được trưng bày. Ảnh: DUY KHÔI

Khách tham quan còn ngạc nhiên trước sự nguyên vẹn như mới của chiếc vò, dù đã bị vùi sâu dưới lòng đất hơn 1.800 năm. Chiếc vò có vòi, tiêu biểu cho văn hóa Óc Eo, dùng đựng nước, có hình dáng cân đối và đẹp. Hay với hiện vật là bàn nghiền Pê-sa-ni, dùng để nghiền các hạt ngũ cốc cứng, các cây có mùi thơm làm nhang thờ cúng hay nghiền các khoáng vật có màu sắc. Hiện vật này còn cho thấy cư dân Phù Nam sống bằng nông nghiệp, trồng và sử dụng ngũ cốc làm lương thực.

Khách cũng thích thú trước ảnh hiện vật là Bảo vật quốc gia minh văn trên lá vàng hiện đang được Bảo tàng Long An lưu giữ. Trên lá vàng, cư dân cổ chạm nổi chữ Sanskrit, ngôn ngữ chính thức của vương quốc Phù Nam. Cư dân cổ thường dùng chữ Sanskrit để chạm khắc trên bia đá, khung cửa đền đài hoặc đất nung, lá vàng… Bảo vật này cho thấy sự kỳ công và tinh xảo ở trình độ cực kỳ cao.

Tượng Phật và bàn tay Phật bằng gỗ nguyên khối, niên đại thế kỷ I - thế kỷ VII, được tìm thấy tại Di tích khảo cổ học Nhơn Thành, Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Trong số các hiện vật khảo cổ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia ở Tây Nam bộ, có nhiều hiện vật là tượng Phật, tượng Thần, cho thấy đời sống tâm linh, tinh thần phong phú của cư dân cổ. Đó là hình ảnh tượng Thần Vishnu còn nguyên vẹn nhất đã được công nhận Bảo vật quốc gia của tỉnh Tiền Giang hay hình ảnh tượng Thần Lakshmi, Bảo vật quốc gia đang được Bảo tàng Đồng Tháp lưu giữ. Tương truyền, Thần Vishnu là một trong 3 vị Thần trong Ấn Độ giáo, quyền năng che chở cho mọi người. Còn Thần Lakshmi là vợ của thần Vishnu, tượng trưng cho sắc đẹp, cuộc sống sung túc, đủ đầy. Ấn tượng không kém là tượng Phật bằng gỗ được tìm thấy tại Di chỉ khảo cổ học Nhơn Thành (Phong Điền, Cần Thơ). Tượng Phật được chạm khắc từ một thân gỗ nguyên khối, trong tư thế đứng thẳng trên bệ, người khoác áo cà sa, dáng thanh thoát, rất tinh xảo.

Linga - Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực của cư dân thuở xưa, với mong cầu về sự sinh sôi, nảy nở. Nổi bật tại trưng bày lần này là bộ Linga - Yoni bằng đất nung của Bảo tàng An Giang hay chiếc Yoni gỗ rất lớn của Bảo tàng Cần Thơ…

Ngoài ra, nhóm hiện vật là đèn, đồ gia dụng, trang sức của văn hóa Óc Eo cũng được giới thiệu khá nhiều. Bảo tàng Cần Thơ “ghi điểm” tại trưng bày chuyên đề lần này khi bố cục chặt chẽ, khoa học, giúp người xem theo dõi và hiểu hơn về diễn trình phát triển rực rỡ của dòng văn hóa Óc Eo thuở xưa.

Về Văn hóa Óc Eo

Óc Eo vốn là một địa danh, nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Tại đây, năm 1944, nhà khảo cổ học Louis Malleret bắt đầu đào các hố khai quật và phát hiện được các di vật và nền móng các công trình chứng minh cho sự tồn tại của một địa điểm thương mại lớn mà các thư tịch cổ đã từng miêu tả về vương quốc Phù Nam. Do đây là nơi khai quật đầu tiên nên các nhà khảo cổ học đã lấy tên Óc Eo đặt cho nền văn hóa cổ này.
Một số di chỉ khảo cổ văn hóa Óc Eo tiêu biểu ở ĐBSCL hiện nay như:
- Di chỉ khảo cổ Ba Thê - Óc Eo (An Giang)
- Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)
- Di chỉ khảo cổ Gò Thành (Tiền Giang)
- Di chỉ khảo cổ Bình Tả, Rạch Núi (Long An)
- Di chỉ khảo cổ Nhơn Thành (Cần Thơ)…

 

Chia sẻ bài viết