12/06/2014 - 14:49

Chiêm nghiệm cùng “Biển và chim bói cá”

Tiểu thuyết "Biển và chim bói cá" của nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể về một tập thể với đủ hạng người ở một xí nghiệp đánh cá cuối thời bao cấp, phải vật lộn giữa biển khơi và biển đời để tồn tại. Năm 2012, "Biển và chim bói cá" đã vượt qua 5 tác phẩm của các quốc gia khác ở vòng chung khảo và đoạt Giải thưởng Lớn (giải thưởng duy nhất) "Festival quốc tế sách và biển" tại Pháp. Năm 2013, tác phẩm đoạt giải thưởng "Sách hay" của Việt Nam.
Sách được NXB Trẻ tái bản và phát hành vào quí I-2014.

"Biển và chim bói cá" tái hiện vốn sống thực tế qua 20 năm làm việc trong ngành đánh cá của tác giả Bùi Ngọc Tấn. Tất cả hiển thị chi tiết và sống động qua hơn 600 trang sách, với cấu trúc và cách viết đặc biệt: không có đường dây, cốt truyện rõ ràng, không có nhân vật chính. Hàng chục nhân vật trong truyện, nhân vật nào cũng được miêu tả kỹ lưỡng về ngoại hình, tính cách, hoàn cảnh sống. Những con người ấy làm việc tại Xí nghiệp quốc doanh đánh cá biển Đông vào cuối thời bao cấp, sống nhờ vào biển như những con chim bói cá.

Từ hình tượng "chim bói cá", tác giả chia tác phẩm làm hai phần: phần thứ nhất nói về những con "chim bói cá" dưới nước là lực lượng trực tiếp đánh bắt, khai thác hải sản và vận chuyển hàng trên biển; phần thứ hai kể về những "chim bói cá" trên bờ là các vị lãnh đạo cùng các khối phòng, ban của xí nghiệp. Câu chuyện dường như không có điểm dừng khi tác giả dẫn người đọc đi từ nhân vật này sang nhân vật khác, cuộc đời này đến số phận kia, từ người nhiệt huyết, tận tâm với công việc cho đến những kẻ thực dụng, mánh khóe, tham ô... Tất cả được kết nối bằng hành trình làm ăn của xí nghiệp, từ lúc hưng thịnh đến khi suy tàn.

Với lối kể chuyện tự nhiên như không, sự quan sát tinh tế, miêu tả tỉ mỉ và một khối tư liệu đồ sộ, Bùi Ngọc Tấn đem lại cho người đọc một tác phẩm thấm đẫm bi hài. Bi - bởi tác phẩm phản ánh một nghịch lý: Những người có trình độ, chuyên môn, tận tâm với công việc như Trần Bôn, Lê Mây, Chơn, Cương, Toàn, Lập… lại long đong, vất vả vì không biết lòn cúi, nịnh bợ; còn những kẻ bất tài, vô dụng như Huy, Thắng, Khương… nhờ biết lấy lòng cấp trên, nhờ thủ đoạn, mánh khóe trong làm ăn mà trở thành lãnh đạo hoặc nắm giữ những vị trí quan trọng trong xí nghiệp. Nghịch lý tất yếu dẫn đến sự tan rã của một ý thức hệ khi niềm tin bị đánh mất bởi người cống hiến thì ít mà kẻ đục khoét thì nhiều; người rao giảng đạo đức lại thiếu đạo đức, người kêu gọi chống tham nhũng lại chính là kẻ tiêu cực, tham ô. Hài - bởi không ít đoạn văn viết bông phèn, tếu táo qua cách đối đáp của các nhân vật, qua những tình tiết "thật như đùa" hay lột tả tích cách những người hâm hâm như Nhược, Cảnh, vị tiến sĩ dỏm… Nhưng đằng sau mỗi tiếng cười là ngậm ngùi, cay đắng. Bức tranh xã hội trong truyện được hoàn thiện bởi giữa xô bồ, vẫn có sự ấm áp của tình người, sự chung thủy, nghĩa vợ chồng, những tình bạn tri kỷ…

Cái kết không có hậu của tiểu thuyết là hệ quả tất yếu của một quá trình: biển bị khai thác đến cạn kiệt mà cơ chế quản lý ngày càng yếu kém, nội bộ mất đoàn kết, ai cũng vì lợi ích của cá nhân. "Biển và chim bói cá" khiến người đọc phải chiêm nghiệm, suy ngẫm bởi những vấn đề đặt ra trong tác phẩm chưa bao giờ xưa cũ...

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết