17/11/2015 - 21:07

Chế độ ăn giàu kali bảo vệ sức khỏe tim và thận bệnh nhân tiểu đường

* Thuốc ranibizumab có thể trị suy giảm thị lực do biến chứng tiểu đường

Công bố trên tạp chí Clinical thuộc Hiệp hội Thận học Mỹ, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Shinichi Araki tại Đại học Y khoa Shiga (Nhật Bản) cho biết chế độ ăn giàu kali có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim và thận ở bệnh nhân tiểu đường típ 2.

Kết quả này căn cứ trên quá trình theo dõi 623 bệnh nhân tiểu đường típ 2 trong gần 11 năm và không ai trong số họ đang sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc có tiền sử về bệnh tim mạch. Suốt quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Araki và cộng sự đã đo mức độ bài tiết kali và natri qua mẫu nước tiểu. Đây là cách xác định chuẩn nhất về hàm lượng tiêu thụ các nguyên tố nói trên. Sau khi phân tích, họ phát hiện những người có hàm lượng cao kali trong nước tiểu ít có nguy cơ mắc chứng rối loạn chức năng thận và các vấn đề về tim mạch. Trong khi đó, nồng độ natri trong nước tiểu không cho thấy sự tương quan nào.

Đối với bệnh nhân tiểu đường, kiểm soát chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng giúp họ ổn định đường huyết, giảm lượng thuốc điều trị cũng như giảm nguy cơ biến chứng. Do vậy, phát hiện này được kỳ vọng sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới nhằm tìm ra chế độ ăn hợp lý, chẳng hạn như tăng hàm lượng kali để ngăn chặn nguy cơ suy thận giai đoạn cuối (ESRD) và các bệnh tim mạch (CVD), hoặc ít nhất là làm chậm tiến trình phát triển của bệnh.

Tiêm thuốc ranibizumab hứa hẹn là phương pháp mới chữa bệnh võng mạc tiểu đường. Ảnh: bioquicknews.com

+ Một tin vui cho bệnh nhân tiểu đường bị mù do biến chứng của bệnh, đó là lần đầu tiên trong 40 năm qua, các nhà khoa học tại Đại học Emory (Mỹ) đã tìm ra cách mới để chữa mắt cho họ.

Theo đó, việc tiêm thuốc ranibizumab (tên biệt dược Lucentis) vào mắt bệnh nhân có thể giúp họ cải thiện thị lực bị suy yếu do bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh (PDR) – một biến chứng đái tháo đường - và ngăn chặn thị lực suy giảm hơn nữa. Phát hiện này được ghi nhận khi các nhà nghiên cứu so sánh hiệu quả của việc tiêm thuốc ranibizumab với phương pháp điều trị truyền thống bằng laser trên 305 người tham gia với 394 con mắt bị PDR. Theo chỉ định ngẫu nhiên, khoảng một nửa số mắt bị bệnh được điều trị bằng laser trong khi số còn lại được tiêm thuốc Lucentis mỗi tháng 1 lần và kéo dài trong 3 tháng.

Công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), nhóm nghiên cứu cho biết sau khi điều trị bằng laser, bệnh nhân bị mất thị lực ngoại vi và khó nhìn thấy vào ban đêm. Trong khi đó, phương pháp tiêm thuốc Lucentis không chỉ giúp bệnh nhân duy trì tầm nhìn ngoại vi mà còn cải thiện tầm nhìn trung tâm, cho phép họ quan sát và đọc biểu đồ mắt chính xác hơn.

Theo Tiến sĩ Timothy Olsen, nghiên cứu quan trọng này ghi nhận một liệu pháp mới có thể giúp bệnh nhân PDR phục hồi thị lực. Được biết, PDR là chứng bệnh xảy ra khi lượng đường trong máu cao gây tổn hại các tế bào phía sau cầu mắt, là loại nặng nhất của bệnh võng mạc tiểu đường và nếu không được điều trị có thể dẫn đến mù lòa.

ĐƯỜNG THẤT
(Theo Medical News Today, Telegraph, Tech TimeS)

Chia sẻ bài viết