Ngày 16-5, tàu điện siêu tốc (Shinkansen) thế hệ mới của Nhật Bản mang tên ALFA - X đã lần đầu tiên ra mắt báo chí khi đỗ tại ga Morioka, tỉnh Iwate. Dự kiến, Alfa-X sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030 với vận tốc 360 km/giờ. Với tốc độ này, Alfa-X trở thành tàu cao tốc nhanh nhất thế giới, vượt qua tốc độ của tàu viên đạn Fuxing của Trung Quốc hoạt động trên tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải.

Xe lửa siêu tốc Alfa-X của Nhật Bản đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ảnh: CNN
Theo CNN, Alfa-X sử dụng Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiều công nghệ tiên tiến khác. Mũi tàu được làm nhọn với chiều dài có 2 loại 16 và 22m, có khả năng làm giảm áp suất và tiếng ồn khi đi vào các đường hầm ở tốc độ cao. Alpha-X được trang bị phanh khí nén trên mái cũng như các tấm từ tính gần đường ray để giảm tốc ngoài hệ thống phanh thông thường. Ngoài ra, tàu cao tốc này còn có hệ thống giảm chấn và hệ thống treo khí để giữ ổn định khi đi qua các khúc cua, nhờ đó duy trì sự cân bằng và thoải mái cho hành khách. Alfa-X còn được trang bị hệ thống cảm biến rung công nghệ cao, hệ thống cảm biến nhiệt độ cũng như các thiết bị chuyên dụng để giảm tác động của các trận động đất.
Thử nghiệm tàu Alfa-X được Nhật Bản tiến hành trong bối cảnh nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc đẩy nhanh phát triển xe lửa cao tốc cho riêng mình. Theo đó, Ấn Độ đang triển khai dự án xây dựng tuyến đường tàu cao tốc đầu tiên của nước này trị giá 17 tỉ USD được Nhật Bản tài trợ nhằm cắt giảm một nửa thời gian đi lại giữa thành phố Mumbai (bang Maharashtra) và thành phố Ahmedabad (thủ phủ bang Gujarat - quê nhà của Thủ tướng Narendra Modi). Dự kiến, tuyến đường dài 315 dặm này sẽ tiêu tốn 1.400 héc-ta đất, ảnh hưởng đến gần 300 ngôi làng và 5.000 hộ gia đình.
Khi được công bố cách đây một năm, dự án trên được cho sẽ giúp củng cố mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Ấn Độ với Nhật Bản, đồng thời nó cũng được xem là một biểu tượng của kế hoạch “cơ sở hạ tầng thế hệ mới” của Thủ tướng Modi. Đây cũng là dự án đầu tiên trong số các dự án đường sắt cao tốc được đề xuất. Dự kiến đến năm 2022, dự án này sẽ được khánh thành, trùng với kỷ niệm 75 năm ngày độc lập của Ấn Độ.
Theo Bộ Đường sắt Ấn Độ, trong giai đoạn từ tháng 4-2015 đến tháng 11-2018, nước này xảy ra 328 vụ tai nạn đường sắt, khiến 446 người chết và hơn 800 người bị thương. Do đó, để cải thiện tính an toàn của hoạt động đường sắt tại quốc gia Nam Á, các quan chức đường sắt Ấn Độ sẽ trải qua khóa huấn luyện về bảo trì và an toàn đường sắt tại Nhật Bản.
Trong khi đó, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đang nghiên cứu các biện pháp nhằm gia tăng tốc độ của các xe lửa siêu tốc của nước này. Hiện tàu hình viên đạn Fuxing của họ là xe lửa có tốc độ nhanh nhất thế giới, với vận tốc 350 km/giờ, và Trung Quốc hiện sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất hành tinh, lên tới 25.000km. Mới đây, tập đoàn sản xuất ôtô đa quốc gia của Trung Quốc Geely Holding đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Vũ trụ Trung Quốc đưa ra ý tưởng phát triển “tàu siêu thanh”. Còn hãng công nghệ vận tải Hyperloop (Mỹ) cũng thành lập một liên doanh tại tỉnh Quý Châu nhằm xây dựng tuyến đường thử nghiệm cho các chuyến tàu siêu tốc.
TRÍ VĂN (Theo CNN, Bloomberg)