Trong khi giới chức y tế trên khắp thế giới nỗ lực dập tắt dịch cúm heo đang lan rộng ra nhiều nước, trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu bào chế vắc-xin kháng chủng vi-rút cúm heo mới. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng phải mất nhiều tháng nữa, mẻ vắc-xin chống cúm heo H1N1 đầu tiên mới có thể “ra lò”.
 |
Tiêm vắc-xin ngừa cúm cho người dân ở Mát-xcơ-va (Nga). Ảnh: NyTimes |
Theo nhà sinh vật học phân tử Andrew Pekosz của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), do cúm heo đang hoành hành ở Mexico và các nước là chủng vi-rút mới nên thông tin về đặc điểm sinh học và khả năng gây bệnh của nó hiện còn rất ít. Tốc độ lan truyền nhanh từ nước này sang nước khác của nó khiến giới chuyên môn lo ngại bệnh có thể phát triển thành đại dịch toàn cầu. H1N1 là vi-rút cúm týp A gây ra nhiều triệu chứng hô hấp từ nhẹ tới nặng, và trong nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong. Vi-rút dễ dàng lây từ người này sang người khác.
Theo Pekosz, hiện nay không một ai có khả năng đề kháng H1N1, vi-rút mang gien tổng hợp từ vi-rút cúm ở người, heo và gia cầm. Kathy Neuzil, giám đốc dự án phát triển vắc-xin cúm thuộc tổ chức phi lợi nhuận quốc tế PATH, cho rằng điều may mắn là kết quả phân tích phân tử cho thấy vi-rút cúm heo gây bệnh trên thế giới hiện chưa biến đổi. Vì thế việc bào chế vắc-xin sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.
Hãng dược phẩm Novartis AG của Thụy Sĩ, hôm 28-4, thông báo đã nhận được mã gien của chủng vi-rút cúm heo mới và sẽ sớm bắt tay nghiên cứu sản xuất vắc-xin. Novartis hy vọng sẽ sớm nhận được mẫu vi-rút thật trong phòng thí nghiệm trong tương lai gần. Ngoài Novartis, theo hãng tin Reuters, hiện có ít nhất 20 hãng dược trên thế giới tham gia cuộc đua chế tạo vắc-xin cúm heo. Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) của Mỹ xác nhận các chuyên gia của họ đã tiến hành lấy mẫu vi-rút H1N1 gây bệnh, tạo ra dòng vi-rút phục vụ bào chế vắc-xin và đang nuôi nó trong phòng thí nghiệm đánh dấu giai đoạn đầu của quá trình sản xuất vắc-xin. CDC cho biết khi hoàn tất, họ sẽ gửi các mẫu vi-rút cúm heo cho các hãng dược để sản xuất vắc-xin.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng ít nhất phải 6 hoặc 8 tháng nữa mới có thể sản xuất đại trà vắc-xin cúm heo, do quá trình bào chế phải trải qua nhiều giai đoạn phức tạp và phương tiện kỹ thuật hiện đã lỗi thời trong khi phải chờ vài ba năm nữa mới có thể tiếp cận công nghệ mới.
Qua thử nghiệm, các chuyên gia vắc-xin nhận thấy thuốc chủng ngừa cúm theo mùa hiện nay không có khả năng phòng chống lây nhiễm chủng vi-rút cúm heo mới. Tuy nhiên, theo Ian Jones của Đại học Reading (Mỹ), những người đã được tiêm ngừa vắc-xin cúm hằng năm khi nhiễm cúm heo có thể sẽ có triệu chứng nhẹ hơn.
|
Hiện nay, thách thức lớn đối với các nhà sản xuất vắc-xin là tạo ra lượng vắc-xin đủ dùng trên thế giới từ nguồn nguyên liệu (kháng nguyên) có hạn. Ngoài ra, để rút ngắn thời gian bào chế cũng như tiết kiệm nguồn nguyên liệu, các công ty và giới chức y tế đang cân nhắc khả năng tận dụng vắc-xin kháng vi-rút cúm theo mùa (hiện đang được sản xuất để dùng cho mùa Đông năm nay), tăng thêm tá dược để tăng cường phản ứng đề kháng của cơ thể và giảm lượng kháng nguyên cần dùng trong mỗi mũi vắc-xin. Hãng Glaxo (Anh) và nhiều công ty khác hiện đang đi theo cách này. Công nghệ tá dược mới của Glaxo được cho có thể giúp tiết kiệm đáng kể nguồn kháng nguyên nguyên liệu. Trước đây, Glaxo sản xuất vắc-xin kháng cúm gia cầm H5N1 sử dụng một loại tá dược đặc biệt nên giảm được tối đa lượng kháng nguyên cần dùng.
THIÊN LAM (Theo VOAnews, NYTimes, USAToday)