BẢO LAM (Tổng hợp từ The Business of Fashion, The Financial Times)
Năm 2023, châu Á được dự đoán là thị trường bùng nổ của nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành thời trang xa xỉ. Nhiều thương hiệu quốc tế đang mở rộng các chiến dịch đầu tư tại các quốc gia châu Á.
Bộ sưu tập của Louis Vuitton trình diễn tại Hàn Quốc.
Năm 2022, thị trường xa xỉ châu Á có mức doanh thu kỷ lục khoảng 376,4 tỉ USD. Ðà tăng trưởng vẫn giữ đến quý I năm 2023, tăng 9-11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Nhật Bản có tổng ước tính doanh thu từ thị trường xa xỉ vào năm 2022 đạt khoảng 26,2 tỉ USD. Hàn Quốc có doanh thu khoảng 22,9 tỉ USD; nhưng tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại. Ngược lại Ðông Nam Á được ghi nhận sẽ có nhiều bứt phá, khi doanh thu vào năm 2022 đạt khoảng 13,1 tỉ USD. Ðặc biệt, năm 2023 thị trường du lịch Ðông Nam Á có dấu hiệu phục hồi tốt nên thu hút lượng lớn du khách quốc tế chi tiêu tại khu vực này.
Theo các chuyên gia, bứt phá mạnh nhất trên thị trường xa xỉ châu Á là Arab Saudi, với quy mô đạt 8,3 tỉ USD vào năm 2022 và tập đoàn IMARC dự đoán thị trường quốc gia này sẽ chạm mốc 15,8 tỉ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm 11,6%. Hiện nhiều thương hiệu cao cấp quốc tế, như: Gucci, Louis Vuitton, Chanel…đều mở cửa hàng ở quốc gia này, trong khi Prada, Tiffany, Mulberry… đang mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ tại đây. Hind Ali, Cố vấn cấp cao của Euromonitor International Dubai, đánh giá Arab Saudi đang mở rộng nhiều cơ sở hạ tầng giải trí, vui chơi và bán lẻ. Ðiều đó góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm xa xỉ phẩm tại đây. Bên cạnh Arab Saudi, Ấn Ðộ được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong tiêu dùng xa xỉ. Theo công ty tư vấn Knight Frank, số lượng người siêu giàu (có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) ở Ấn Ðộ đã tăng 11% từ năm 2020 đến năm 2021, hiện vẫn đang có chiều hướng tăng. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này cũng được dự đoán sẽ tăng gấp 6 lần trong vài năm tới, sức mua của người dân nơi đây cũng có nhiều thay đổi, dịch chuyển sang nhiều mặt hàng thời trang cao cấp.
Theo tập đoàn Boston Consulting, vào năm 2009, châu Á chỉ chiếm khoảng 19% thị trường bán lẻ của thời trang xa xỉ thế giới. Nhưng đến năm 2019, mức này đã được nâng lên 30%. Dự kiến đến năm 2025, thị trường châu Á sẽ chiếm tới 54% thị phần tiêu dùng xa xỉ toàn cầu. Hai thị trường châu Mỹ và châu Âu sẽ giảm sút từ khoảng 30% xuống còn 22-24%.
Thực tế, nhiều năm qua, các thương hiệu xa xỉ quốc tế đã đổ bộ và đầu tư nhiều nguồn lực giành lấy thị phần tại châu Á. Nhiều show trình diễn các bộ sưu tập của các thương hiệu quốc tế ra mắt tại khu vực này, như: Dior xuất hiện trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Thượng Hải; Louis Vuitton trình diễn bộ sưu tập mới tại Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc), Singapore; Prada cùng lúc thực hiện show diễn tại hai thành phố Milan (Ý) và Thượng Hải (Trung Quốc)… Ngoài ra, các nhà mốt cũng ưu ái lựa chọn châu Á làm thị trường đầu tiên để thử nghiệm, ra mắt những dòng sản phẩm mới hoặc mô hình kinh doanh mới. Ví như Loewe ra mắt bộ sưu tập kết hợp cùng Ghibli Studio (Nhật Bản), Balenciaga lựa chọn Hàn Quốc là thị trường đầu tiên trên thế giới để mở bán dòng sản phẩm giày thể thao trong năm 2022, Chanel cũng công bố kế hoạch mở boutique phục vụ khách VIP tại thị trường châu Á, Gucci mở nhà hàng Gucci Osteria thứ tư tại khu vực sầm uất Itaewon, Seoul (Hàn Quốc)…