05/06/2018 - 21:36

Chất lượng dân số - giải pháp phát triển bền vững 

Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của xã hội luôn là mục tiêu hàng đầu đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta. 

Cán bộ truyền thông dân số tư vấn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh con tại xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: THÚY DUY

Theo đó, việc can thiệp nhằm cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh, có điều kiện phát triển về thể chất và trí tuệ là một biện pháp thiết thực giúp chăm sóc, phát hiện và điều trị sớm các biểu hiện bệnh tật ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh, tránh được những hậu quả nặng nề do các bệnh rối loạn chuyển hóa và di truyền.

Vậy, làm thế nào để đánh giá nguy cơ, phát hiện những bất thường ở thai nhi? Bác sĩ CKI Nguyễn Xuân Thảo - Trưởng khoa Sàng lọc trước sinh - Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết: “Chúng ta sử dụng các phương pháp thăm dò, như: siêu âm thai nhi, xét nghiệm máu mẹ trong thời gian mang thai nhằm đánh giá nguy cơ, phát hiện những bất thường ở thai nhi, đặc biệt là những bệnh lý về di truyền và những bệnh lý bất thường về hình thái học thai nhi, để tư vấn cho thai phụ và gia đình có hướng điều trị sớm”.

Mặt khác, để góp phần nâng cao chất lượng dân số, thì việc duy trì mức sinh hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh để có cơ cấu dân số đảm bảo sự phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần được sự quan tâm của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội.

“Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh của Cần Thơ đang nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, chúng ta không tự mãn với kết quả đạt được mà vẫn phải tiếp tục duy trì, triển khai thực hiện hoạt động này, không chỉ tuyên truyền vận động ở cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hóa gia đình, mà còn thực hiện các mô hình để nhằm nâng cao chất lượng về dân số”- bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Cần Thơ cho biết.

Tác động của sự chênh lệch tỷ lệ giới tính khi sinh sẽ không dễ nhận thấy ngay, nhưng những năm tiếp theo sau sẽ gây ra tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”. Theo đó, xuất hiện hàng loạt vấn đề lớn như: mất cân đối về nhân sự trong các ngành nghề xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông để mọi người hiểu và tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh.

Trong thời gian tới, theo kế hoạch truyền thông, bác sĩ CKI  Lý Ngọc Trung – Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP Cần Thơ cho biết: “Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan báo, đài để tuyên truyền; sản xuất các tài liệu truyền thông để cung cấp cho mạng lưới truyền thông và người dân toàn thành phố; tuyên truyền và giáo dục về giới tính và mất cân bằng giới tính, nguyên nhân và hậu quả để đăng tải trên website ngành Y tế…”. 

MAI TUẤN

Chia sẻ bài viết