10/06/2011 - 10:39

Chăm sóc đúng cách khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy

Thời tiết mùa hè nóng bức chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật, đặc biệt là các vi sinh vật gây bệnh cho người phát triển. Vì vậy, vào mùa hè trẻ dễ bị mắc bệnh so với các thời điểm khác trong năm. Trong đó, bệnh tiêu chảy là một căn bệnh khá phổ biến. Trao đổi với phóng viên báo Cần Thơ, Bác sĩ Phạm Thị Chinh, Trưởng khoa nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ, thông tin về bệnh tiêu chảy như sau:

Trẻ được gọi bị bệnh tiêu chảy khi đi tiêu phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là từ 6 tháng đến 2 tuổi chiếm khoảng 80%.

Khi trẻ bệnh tiêu chảy, cần cho trẻ uống nhiều nước đề phòng mất nước. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy, song chủ yếu là 2 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là do sai lầm trong chế độ ăn, như: cho trẻ ăn dặm quá sớm trước 4 tháng tuổi, số lượng thức ăn quá nhiều, thành phần thức ăn không cân đối, có quá nhiều đạm, mỡ, đường nhưng ít nước, khoáng, vitamin. Thứ hai là do trẻ bị nhiễm vi khuẩn, virus, nhiễm ký sinh trùng từ thức ăn và nước uống không hợp vệ sinh, thức ăn ôi thiu,... hoặc từ đồ dùng chứa thức ăn và bàn tay bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, các yếu tố về thời tiết, khí hậu, môi trường... cũng tác động làm cho bệnh tiêu chảy gia tăng.

Tùy theo nguyên nhân và mức độ mà bệnh có những biểu hiện khác nhau. Trẻ có thể đi tiêu nhiều lần trong ngày (từ 3 lần trở lên, có khi lên đến khoảng 15 - 20 lần/ngày), phân lỏng chứa nhiều nước hoặc có đàm máu, có mùi chua, tanh hoặc hôi thối, đôi khi trẻ bị nôn ói nhiều; trẻ quấy khóc vật vã, lờ đờ, khát nước, khóc không có nước mắt, miệng lưỡi khô, thở nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt...; trẻ có thể sốt hoặc không.

Bệnh có thể gây một số biến chứng nguy hiểm trong các trường hợp trẻ bị mất nước và điện giải nặng có thể dẫn đến sốc, gây tử vong do không được bù nước điện giải đúng và đủ; suy dinh dưỡng do nhịn ăn hoặc kiêng ăn; nhiễm trùng huyết do không được điều trị kháng sinh đúng, kịp thời hoặc do độc lực vi trùng quá mạnh.

Đối với những trường hợp bị bệnh tiêu chảy, trẻ không bị mất nước hoặc mất nước nhẹ thì có thể điều trị tại nhà hoặc điều trị tại các tuyến y tế cơ sở. Ngay khi trẻ bị tiêu chảy, các bậc phụ huynh cần cho trẻ uống bù nước. Tốt nhất là uống ORS giảm áp lực thẩm thấu (Hydrite, ORS 245 pha với 200ml nước chín hoặc gói ORS lớn pha với 1200ml nước chín). Nếu không có sẵn ORS thì có thể cho trẻ uống các loại dịch: nước cơm, nước dừa tươi, nước canh, súp, nước trà pha loãng hoặc nước chín... Đối với trẻ nhỏ, trẻ còn bú sữa mẹ thì vẫn tiếp tục cho trẻ ăn và bú bình thường. Chú ý là cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng như cháo, súp thịt, trứng, đậu, cà rốt,... được nấu lỏng, nghiền nát, và nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Song song đó, các bậc phụ huynh nên bổ sung kẽm dạng viên hoặc hỗn dịch trong 10 đến 14 ngày cho trẻ. Khi trẻ có một trong các biểu hiện như: đi tiêu liên tục, phân nước nhiều hoặc có đàm máu, nôn nhiều, khát nhiều, quấy khóc vật vã hoặc lờ đờ, sốt cao hơn, ăn uống kém hoặc bỏ bú và tình trạng sức khỏe trẻ không tốt hơn sau 2 ngày điều trị thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ nhỏ, cần lưu ý chế độ ăn để đề phòng tiêu chảy bằng các cách sau: nên cho bé bú sữa mẹ, nhất là sữa non; ăn dặm đúng cách, tốt nhất là ăn dặm từ tháng thứ 5 hoặc 6, đảm bảo nguyên tắc ăn thức ăn từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều, đầy đủ và cân đối các thành phần đạm, mỡ, đường, vitamin, khoáng chất và nước. Ngoài ra, cần phải phòng tiêu chảy bằng cách: ăn chín, uống sôi; vệ sinh bình sữa, đồ dùng chứa thức ăn; rửa tay trước khi ăn và chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi dọn phân trẻ; thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi; các bậc phụ huynh cần cho trẻ chủng ngừa đầy đủ 6 bệnh truyền nhiễm, nhất là sởi, uống vacxin phòng Rotavirus.

Để chăm sóc tốt sức khỏe các trẻ khi bị bệnh tiêu chảy, các bậc phụ huynh cần tránh những sai lầm sau: không nên cho trẻ nhịn ăn hoặc ăn kiêng mà phải cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng; không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ hoặc tinh bột nguyên hạt khó tiêu hóa; không được cử uống hoặc hạn chế uống nước khi trẻ bị tiêu chảy cấp mà phải uống nhiều nước hơn bình thường đề phòng trẻ bị mất nước (chỉ không nên uống các loại nước công nghiệp có gas nhiều đường); không dùng thuốc cầm đi tiêu dân gian như đọt ổi, vỏ măng cụt,... hoặc các loại thuốc cầm đi tiêu bán tại tiệm thuốc và quan trọng là không được tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết