19/04/2023 - 20:02

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của giữa các bộ, ngành và địa phương 

Công bố Chỉ số SIPAS và PAR INDEX năm 2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG - TTXVN

(CT) - Ngày 19-4, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2022 của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố dự họp.

Ðồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và đại diện các sở, ngành dự phiên họp tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh. Ðến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10 bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản quy phạm pháp luật. Việc chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh. Ðến nay, 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9-2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9-2022. Có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã tái cấu trúc quy trình, cung cấp 4.390 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ðối với Ðề án 06, hiện đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022, kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VNeID, hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tại phiên họp, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAR INDEX năm 2022. Ðối với Chỉ số SIPAS, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng, kế tiếp là các tỉnh Thái Nguyên, Cà Mau và Bình Dương; tỉnh Bình Thuận đứng cuối bảng. TP Cần Thơ xếp thứ 36 (tăng 12 bậc so với năm 2021). Về Chỉ số PAR INDEX, đối với cấp bộ: đứng đầu bảng xếp hạng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xếp thứ 2 là Bộ Tư pháp, kế tiếp là Bộ Tài chính, xếp cuối bảng là Bộ Ngoại giao. Ðối với cấp tỉnh: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng, kế tiếp là TP Hải Phòng và TP Hà Nội, đứng cuối bảng là tỉnh Phú Yên. TP Cần Thơ xếp thứ 26 (tăng 25 bậc so với năm 2021) và xếp thứ 4/13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL (sau các tỉnh: Long An, Hậu Giang, Ðồng Tháp).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương phát huy vai trò, vị trí và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác CCHC, nhất là cải cách TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh cần xem đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, gắn CCHC với chuyển đổi số, góp phần hiện đại hóa nền hành chính quốc gia; tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong nền hành chính, đề cao vai trò của người đứng đầu; chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai nhiệm vụ đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực.

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của giữa các bộ, ngành và địa phương; xử lý vướng mắc của người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả hơn nữa; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC trong nội bộ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Căn cứ kết quả 2 chỉ số SIPAS và PAR INDEX, các bộ, ngành, địa phương xác định rõ ưu, nhược điểm và nguyên nhân tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số.

Tin, ảnh: Q. THÁI

Chia sẻ bài viết