27/07/2019 - 13:10

Chăm con sao cho đúng 

Sự xung đột giữa các thế hệ - trong đó, có xung đột về quan điểm, cách thức nuôi dạy con cái - là chuyện hiển nhiên. Vấn đề là người trong cuộc làm thế nào để dung hòa bởi với tình thương yêu của mình, tất cả các bậc ông bà, cha mẹ đều có chung một mục đích là làm thế nào để con cháu mình phát triển tốt nhất.

Chăm trẻ theo cách hiện đại hay truyền thống đều có ưu điểm riêng, cần được các gia đình chọn lọc, lựa chọn sao cho phù hợp nhất với trẻ.

Chăm trẻ theo cách hiện đại hay truyền thống đều có ưu điểm riêng, cần được các gia đình chọn lọc, lựa chọn sao cho phù hợp nhất với trẻ.

Xung đột

Từ khi mới sinh con, còn nằm trong bệnh viện, chị Mỹ Thanh, ở huyện Cờ Đỏ, đã nhiều lần hụt hẫng vì không được ôm ấp và cho con bú mẹ như những gì chị tưởng tượng từ lúc còn đang mang thai. Nguyên nhân là sau sinh, cơ thể chị chưa kịp tiết sữa, mẹ chồng chị xót cháu nên mua sữa bột cho cháu bú. Thấy cháu "chịu" sữa ngoài, bà không cho cháu bú mẹ. Mỗi lần chị Thanh ôm con cho bú, bà lại nói: "Mẹ không có sữa mà bú cái gì, để bà pha sữa hộp cho bú. Ngày xưa, muốn có sữa hộp cho con bú mà không có tiền mua, bây giờ lại chê!".

Cũng mâu thuẫn từ chuyện sữa bình hay sữa mẹ, chị Kim Phe, cũng ở huyện Cờ Đỏ, buồn tủi chia sẻ: "Con mới được 4 tháng, mẹ chồng tôi cứ bóng gió nói tôi là sữa mẹ hết bổ rồi, con bú không lên cân mà cứ cho bú hoài. Mỗi lần nghe mẹ nói vậy, tôi xót ruột lắm. Một mặt, tôi muốn nghe lời bác sĩ khuyên, cố gắng cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nhưng một mặt, tôi không muốn mẹ chồng buồn, tình cảm mẹ chồng - nàng dâu bị ảnh hưởng. Tôi rất khó xử".

Chị Quỳnh Giang, ở quận Bình Thủy, lại khó xử với chính mẹ ruột về vấn đề có nên cho con dưới 6 tháng tuổi uống nước hay không. Chị Giang kể, con chị bú mẹ hoàn toàn nên chị không cho con uống nước bổ sung. Nhưng mỗi lần chăm cháu, mẹ chị hay lấy nước chín đút cho cháu ngoại. Chị Giang trao đổi, nói mẹ đừng cho cháu uống nước vì bác sĩ khuyên trong sữa mẹ đã cung cấp đủ nước cho bé, thì bà lại tự ái. Bà nói lý lẽ: "Sau khi bú cũng cho nó uống nước tráng miệng cho sạch chứ. Hồi đó, mẹ chăm con, mẹ cũng cho con uống nước vậy đó!". Khi con đến tuổi ăn dặm, chị Giang học theo phương pháp mới, cho con ăn theo kiểu tự chỉ huy, với mong muốn bé sớm học được cách chủ động hoàn toàn trong việc chọn thức ăn, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào. Mỗi lần thấy chị Giang hấp rau củ, cắt miếng rồi vắt cơm thành viên, để lên dĩa đem ra cho cháu ngoại, mẹ chị lại cằn nhằn: "Còn nhỏ, cho ăn vậy mắc cổ thì sao? Học đâu cách cho ăn kỳ cục vậy?".

Phương án dung hòa

Sau nhiều lần tâm tư, khó xử, chỉ biết khóc thầm, chị Mỹ Thanh nghĩ cách kêu ông xã nhờ bác sĩ đến tư vấn trực tiếp cách chăm sóc trẻ sơ sinh cho chị và mẹ chồng cùng nghe. Một mặt, bác sĩ không phản bác chuyện mẹ chồng chị cho cháu uống sữa ngoài trong lúc mẹ chưa có đủ sữa; một mặt, bác sĩ khuyên mẹ chồng chị nên ưu tiên cho cháu được mẹ ôm ấp, da kề da sau sinh và bú mẹ. Có vậy, sữa mẹ mới mau về, cung cấp đủ cho bé và tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn đến hết 6 tháng đầu. Bác sĩ còn hướng dẫn chị Thanh cách massage tăng tiết sữa để nhanh chóng có đủ sữa cho con.

Bác sĩ Lê Thị Bé, Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, cho biết: "Có nhiều trường hợp mẹ trẻ đến gặp riêng, nhờ chúng tôi trao đổi lại với ông bà khi không thống nhất được phương pháp chăm bé. Khi còn ở bệnh viện, việc trao đổi trực tiếp như thế sẽ dễ đem lại tác dụng. Nhưng để hạn chế mâu thuẫn giữa các thế hệ trong vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh, các bố mẹ khi chuẩn bị đón bé cần có sự chuẩn bị trước, có thể cùng người nhà đến tham gia các lớp học tiền sản. Qua đó, nắm những kiến thức mình chưa biết hoặc biết chưa rõ; đồng thời, có thể dễ tìm được sự đồng cảm, ủng hộ từ gia đình".

Bác sĩ Bé cũng trao đổi thêm, ngay sau sinh, cơ thể mẹ sẽ tiết sữa non, món quà quý giá, rất giàu dinh dưỡng dành cho con. Vì thế, người nhà không nên vì nóng lòng, cho rằng sữa này quá ít, không đủ cho trẻ mà vội thay thế bằng sữa ngoài. Hơn nữa, việc cho trẻ bú mẹ sau sinh còn mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Sau 5-6 tháng, sữa mẹ không mất chất mà vẫn cung cấp hơn 2/3 nhu cầu năng lượng cho trẻ dưới 8 tháng, 1/2 nhu cầu năng lượng cho trẻ từ 8 tháng-1 tuổi, 1/3 nhu cầu năng lượng cho trẻ từ 1-2 tuổi. Do đó, bên cạnh việc bú mẹ, khi trẻ được 6 tháng, trẻ cần được ăn dặm để cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của trẻ. Về các phương pháp ăn dặm: truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật hay tự chỉ huy, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Gia đình cần tìm hiểu kỹ, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện gia đình và cả tính cách, sở thích, độ hấp thu của trẻ mà áp dụng phương pháp phù hợp nhất.

Trong việc chăm sóc trẻ, các bà mẹ trẻ mới sinh cần được sự động viên, ủng hộ từ gia đình để thêm tự tin và bớt áp lực, hạn chế trầm cảm sau sinh. Ngược lại, các bà mẹ trẻ cũng cần tôn trọng ý kiến, kinh nghiệm của các thế hệ trước, từ đó có cách chia sẻ, trao đổi thẳng thắn nhưng chân thành, nhằm tìm được sự đồng cảm, hòa hợp với ông bà nội, ngoại; bởi mọi quan điểm, ý kiến đều xuất phát từ tình yêu con trẻ và mong muốn con trẻ hưởng được sự chăm sóc tốt nhất.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết