29/12/2019 - 13:43

Câu đối Tết 

TRẦN KIỀU QUANG

Câu đối Tết, còn gọi Xuân liên, hoặc liễn Tết; là vật không thể thiếu mỗi dịp đón năm mới của một số nước Á Đông. Phong tục này là nét đẹp ngày xuân, giúp con người gửi gắm ước mơ về cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Các bạn trẻ đến Chùa Nam Nhã (quận Bình Thủy) xin chữ, câu đối dịp Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Khởi đầu, câu đối Tết được dùng như vật trừ tà ma. Xuất phát từ nhu cầu an thân lập mệnh, người xưa hình thành hai phương thức phòng vệ và sinh tồn. Thứ nhất là thông qua trí tuệ và kinh nghiệm, thứ hai là tùy hoàn cảnh rồi nhờ những vật trừ tà hay nghi thức tín ngưỡng. Người xưa thấy rằng cuộc sống và mùa màng của họ được quyết định trực tiếp bởi sự thay đổi của thiên nhiên, mà thiên nhiên đối với con người là thế giới thần lực.

Các thần lực này được hình dung và biểu thị bằng những con vật huyền thoại. Rồng (thanh long) che đỡ vòm trời, biểu thị xuân tiết và hướng Đông; kỳ lân biểu thị thu tiết, hướng Tây; phượng hoàng (đôi khi thay bằng chu tước) biểu thị hạ tiết, hướng Nam; huyền vũ (linh vật nửa rùa nửa rắn) biểu thị đông tiết, hướng Bắc. Thời xưa người ta tin rằng mọi thiên tai hay bệnh tật đều do sự quấy phá của tà ma; con người phải nhờ đến quyền uy của thần hộ mệnh thông qua các linh vật trừ tà hoặc phù chú, để tiêu trừ những điều không may.

Các đồ tượng hay khí vật trừ tà rất đa dạng, phong phú; mà hầu hết có nguồn gốc từ thần thoại. Mỗi vật trừ tà đều có chức năng và công dụng khác nhau. Thí dụ như bùa bát quái phải treo ở trên cao, nơi cửa ra vào hoặc trên đòn dông nhà. Môn thần được dán hai bên cửa lớn... Và tập tục dán Môn thần được xem như khởi nguồn của câu đối.

Truyền thuyết kể rằng xưa kia giữa biển có núi Độ Sóc, trên núi có cây đào cành nhánh quanh co, lan đến ba nghìn dặm. Nơi các cành thấp bé phía Đông Bắc có quỷ môn và 2 vị thần trấn giữ cửa này là Thần Thư và Uất Luật. Cho nên khi tháng Chạp chấm dứt, người ta thường vẽ hình 2 vị thần rồi dùng cọng lau mà treo hai bên cửa để trừ ma quỷ. Người ta cũng vẽ hình 2 vị trên ván bằng gỗ đào,  treo 2 bên cửa với hy vọng các chuyện tai ương cũng không xảy đến cho nhà mình suốt năm. Sở dĩ vẽ trên cây đào là vì người xưa cho rằng đây là linh thụ, chứa tinh anh trong ngũ hành. Sau này, thay vì vẽ hình, người ta bắt đầu viết chữ trên ván gỗ đào mà treo, nên gọi là đồ đào phù (bùa đào có viết chữ). Mặc dù phát sinh từ tư tưởng thần bí của người xưa, các tập tục này được duy trì và  theo đà văn minh đã được cải tiến. Bùa chú được thay thế bằng các câu văn trích ra từ các nhân vật kinh điển hay những tác phẩm văn học, hoặc bằng các lời cầu chúc cổ truyền mong điều vui mừng và hạnh phúc bất tận. Từ hình thức mê tín và thô lậu của buổi ban sơ, dán câu đối trở thành mỹ tục của người Á Đông(1).

Đến nay, câu đối Tết được xem là xưa nhất là câu đối của Học sĩ Tân Dần Tốn, có niên đại cả ngàn năm, hiện còn được bảo tồn:

Tân niên nạp dư khánh

Gia tiết hiệu trường xuân

(Năm mới mang đến điều may đầy đủ,

Tết tốt báo hiệu ngày xuân mãi dài)(2)

Câu này chứng tỏ vào thời đó, câu đối Tết đã mang thêm ý nghĩa nghinh đón điềm lành, tiếp nhận điều may mắn.

Câu đối Tết thường được viết trên giấy hồng điều, bằng mực, hoặc chữ kim nhủ vàng. Cũng có khi câu đối được viết trên giấy đỏ dát vàng. Vì là ngày xuân nên nội dung của các câu đối thường mang nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng an lành, cầu an khang thịnh vượng:

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế,

Đào phù vạn hộ cánh tân xuân

(Pháo tre một tiếng tiễn năm cũ,

Bùa đào muôn ngõ đón tân xuân)

Hay:

Phước lộc thọ tam tinh cùng chiếu,

Thiên địa nhân nhất thể đồng xuân

(Ba sao phước lộc thọ đều chiếu sáng,

Trời, đất, con người đều hưởng xuân)

Hoặc:

Phương thảo xuân hồi y cựu lục,

Mai hoa thời đáo tự nhiên hương

(Xuân lại về, cỏ thơm xanh biếc như xưa,

Hoa mai nở, tự nhiên tỏa hương thơm)

Đối với nhà buôn bán, điều cầu mong là mua may bán đắt:

Môn đa khách đáo thiên tài đáo,

Gia hữu nhân lai vạn vật lai

(Cổng đông khách tới, nhiều tiền đến,

Nhà có người qua, lắm vật vào)

Hoặc:

Môn nghinh xuân hạ phúc

Hộ nạp đông tây tài.

(Cửa đón phúc xuân phúc hạ,

Nhà thu tiền đông bạc tây)(3)

Tết đến, đất trời thêm tuổi, người người thêm tuổi, đánh dấu sự trưởng thành của con người, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc được đón xuân sang. Xuân về, trăm hoa đua nở, không khí mát lành, là thời khắc thiêng liêng nhất trong năm, là thời gian để mọi người nghỉ ngơi, thưởng ngoạn sau một năm lao động mệt nhọc. Và cũng là sự tổng kết, sự nhìn lại chặng đường trong năm qua để định hướng cho năm tới tốt lành hơn, nên trong dịp xuân mọi người đều vui vẻ, hòa vào không khí xuân của đất trời, mang phúc đến muôn nơi:

Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

(Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ

Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà)

Phúc là điều tốt lành được dân gian quan niệm trên hết. Theo triết lý phương Đông, có phúc thì sẽ có con cháu đầy đàn, giúp ích cho việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, trong Tam Tinh (Phúc, Lộc, Thọ) thì Phúc đứng đầu. Trong các mùa của năm thì mùa xuân đứng đầu, vì mùa xuân giúp cho cây trái tươi tốt, đem đến bao ước vọng an lành, cho nên chúc xuân là phải chúc phúc:

Tứ thời xuân tại thủ

Ngũ phúc thọ vi tiên

(Bốn mùa xuân trên hết

Năm phúc thọ đầu tiên)

Một bạn trẻ vui vẻ sau khi xin hai chữ “Cha Mẹ”. Ảnh: DUY KHÔI

Ngày Tết cũng là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, tổ tiên nên bàn thờ gia tiên ngày Tết ngoài hương đăng trà hỏa còn có các hoành phi, câu đối thể hiện công ơn của tổ tiên, ông bà. Các hoành phi, câu đối này thường được lộng kiếng, đều nhằm tôn vinh công đức của đấng bề trên, thể hiện công đức của tổ tiên.

Cúc dục ân thâm Đông hải đại

Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao

(Ơn dưỡng dục sâu tựa biển Đông

Nghĩa sinh thành cao hơn núi Thái)

Ngày nay ngoài việc viết câu đối bằng chữ Hán, người ta còn viết câu đối bằng Quốc ngữ, thể hiện sự ước mong đất nước mạnh giàu, ấm no, hạnh phúc. Có khi câu đối bằng chữ quốc ngữ lại được viết theo lối chữ Hán nên cũng rất đẹp và rất trang trọng:

Đậm đà nghĩa nước tình nhà, cơ nghiệp trời Nam bền vạn thuở

Khắn khít lòng Dân ý Đảng, cõi đất Việt sáng nghìn thu

                                                                           (Huỳnh Thị Phương Giang)

Ngoài câu đối, người ta còn dùng giấy đỏ cắt thành từng tờ vuông cạnh 20cm x 20cm hoặc 30cm x 30cm lớn nhỏ tùy ý, viết đại tự một tờ một chữ mang ý nghĩa kiết tường như: Phước, Lộc, Thọ, Khang, Ninh... Hoặc khéo hơn viết bốn chữ lồng vào một ô vuông như: Hoàng kim vạn lượng, Chiêu tài tiến bửu... Những tờ giấy này được dán lên tường, cửa, tủ, rương đựng đồ... Thông thường tờ giấy vuông được dán theo một cách đặc biệt bốn góc vuông đặt theo trục thẳng đứng trên dưới, phải trái. Trong số các đại tự nói trên, người ta viết chữ Phúc nhiều nhất. Chữ Phúc này ngày nay hiểu theo nghĩa hạnh phúc, ngày xưa hiểu là phúc khí, phúc vận do có đức tốt. Cũng do sự mưu cầu vận phúc mà nảy sinh ra tập tục dán chữ Phúc ngược đầu gọi là Phúc đảo (phúc đến), mang ý cát tường, ký thác ý chúc nguyện một năm phúc đến may mắn hanh thông.(4)

Ngày xưa, trong các phiên chợ Tết, người ta thường mua vài câu đối của các ông đồ đem về nhà. Ông đồ thường trải chiếu trên hè phố mà viết. Thật là thiếu sót nếu như ngày xuân mà không có câu đối, vì đó là một thú tao nhã, truyền thống của dân tộc, đậm tính văn hóa, nhân văn về cuộc sống yên lành, hạnh phúc. Và có lẽ nói đến câu đối, chúng ta không thể nào quên câu thơ nổi tiếng:

Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh

Câu thơ vượt thời gian mà cho đến hôm nay, khi đọc lại, chúng ta vẫn thấy phảng phất hồn xưa của dân tộc, thể hiện được không khí lúc xuân sang. 

.................

(1) Nguyễn Huy Hoàng (2004), Câu đối trong văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.7-12.
(2) Lý Lược Tam (2002), Câu đối, liễn xuân, Tạp chí Xưa và Nay, số 108+109, tr.8.
(3) Huỳnh Ngọc Trảng (2018), Khảo luận về Tết, Nxb Văn hóa văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr.106-107.
(4) Lý Lược Tam, Tcđd, tr.9.

Chia sẻ bài viết