Sau thất bại của những phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học như “Kiều”, “Cậu Vàng”... người yêu điện ảnh cũng nghi ngờ chất lượng của “Trạng Tí phiêu lưu ký” - phim chuyển thể từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” nổi tiếng. May mắn thay, đạo diễn và ê-kíp sản xuất đã không làm người xem thất vọng khi trình làng một tác phẩm hấp dẫn, thú vị và có tính giáo dục cao; dù có nhiều sáng tạo, cải biên so với tác phẩm gốc.
4 nhân vật chính trong phim: Tí, Sửu, Dần, Mẹo.
“Trạng Tí phiêu lưu ký” do Ngô Thanh Vân sản xuất, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn. Tuy có nền tảng gốc là hình tượng 4 nhân vật Tí - Sửu - Dần - Mẹo cùng các nhân vật phụ, bối cảnh ngôi làng Phan Thị như trong truyện tranh, nhưng khoảng 80% nội dung phim được cải biên, mở ra một câu chuyện hoàn toàn mới nhưng không kém phần lôi cuốn, hấp dẫn.
Chuyện phim kể về hành trình tìm cha của Tí, một cậu bé bị mang tiếng con hoang. Dù mẹ Tí có giải thích xuất thân của cậu nhưng Tí vẫn nửa tin, nửa ngờ. Nghe nói sư trụ trì Thích Thông Tuệ của một ngôi chùa linh thiêng trên núi là người biết tất cả mọi việc, Tí rủ 3 người bạn thân là Sửu, Dần, Mẹo lên chùa gặp ông để hỏi xem cha mình là ai. Nhóm bạn trên đường đi gặp bọn cướp chuyên bắt cóc trẻ con, trải qua một hành trình phiêu lưu với nhiều thử thách. Cuối cùng, bằng trí thông minh, sự gan dạ, dũng cảm, đoàn kết, yêu thương, cả nhóm đã vượt qua mọi trở ngại, gặp được Thần Hổ, tìm được câu trả lời về tình cảm gia đình, tình bạn, tình người.
Phim khai thác nỗi băn khoăn, buồn tủi của Tí khi luôn bị mọi người gièm pha vì không có cha, từ đó làm động lực để cậu bé quyết tâm đi tìm sự thật. Ðường dây cốt truyện của phim theo đó được triển khai rất mạch lạc và có lớp lang. Từ làng Phan Thị đến hang hổ của bọn cướp, lên chùa và vào hang để gặp các vị thần; từng hồi, từng đoạn rõ ràng, không bị rối và có sự liên kết chặt chẽ, hợp lý. Ðặc biệt, tâm lý các nhân vật được chú trọng để thấy rõ sự chuyển biến qua từng sự kiện. Không chỉ có những tiếng cười vui vẻ của trẻ thơ mà còn có những dằn vặt, những tâm sự, nỗi niềm của các cô cậu nhóc “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ðó là sự bùng nổ, tức giận của Tí, là nỗi oan của Dần, là sự ray rứt của Mùi… Cái hay là những nỗi niềm ấy đều được biên kịch giải quyết đến nơi, đến chốn và khá hợp lý.
Diễn xuất của các diễn viên nhí là điểm mạnh tuyệt đối của phim. Nét diễn tự nhiên, dễ thương, hồn hậu và hài hước của các bạn nhỏ khiến khán giả thuyết phục hoàn toàn về Tí (Huỳnh Hữu Khang) vừa thông minh, vừa nhiều ưu tư; Sửu (Phan Bảo Tiên) lý lắc và dễ mít ướt; Dần (Vương Hoàng Long) ham ăn, hậu đậu nhưng tốt bụng; Mẹo (Trần Ðức Anh) khôn lanh, tình nghĩa. Ngoài 4 diễn viên chính, còn có 2 nhân vật phụ là Mùi (Kim Thư) - một cô bé đáng thương và Tiểu Tị (Hoàng Duy) - một chú tiểu giỏi võ cũng rất ấn tượng. Các nhân vật này góp phần làm câu chuyện thêm phong phú và sinh động. Ðiểm cộng khác của phim là nhiều góc quay rất đẹp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nên thơ; kỹ xảo phim khá tốt với hình tượng các vị thần mang nét thuần Việt, chuyển động nhịp nhàng; nhiều bài hát trong phim nghe bắt tai và thú vị.
Hành trình phiêu lưu của Tí và các bạn không chỉ giúp các cô cậu bé trưởng thành hơn mà còn giúp khán giả nhận ra những giá trị của tình thân, của cuộc sống. Thông điệp và bài học giáo dục được truyền tải nhẹ nhàng và lắng đọng để từ từ thấm sâu vào lòng nhân vật cũng như khán giả.
Tuy phim vẫn còn vài hạt sạn nhỏ và một số điểm chưa thật hay, nhưng “Trạng Tí phiêu lưu ký” dễ thương và lôi cuốn người xem bởi sự chân thành, ngây thơ của nhân vật cùng sự nghiêm túc, nỗ lực của ê-kíp sản xuất. Phim cũng là một minh chứng cho thấy: chuyển thể tác phẩm văn học, truyện tranh nổi tiếng lên màn ảnh rộng tuy khó, nhưng nếu làm đúng hướng, sáng tạo hợp lý và một kịch bản chắc tay thì sẽ được khán giả đón nhận và thành công.
Sau 3 ngày công chiếu và nhận được đánh giá tích cực của khán giả, do diễn biến bất ngờ của dịch COVID-19, phim tạm dừng chiếu từ ngày 4-5 và sẽ trở lại ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
CÁT ÐẰNG