10/12/2016 - 15:57

Câu chuyện điện ảnh thế giới năm 2016

Trái với nhận định trước đó của giới chuyên gia, điện ảnh thế giới năm 2016 diễn ra sôi động bất ngờ, từ cuộc cạnh tranh khốc liệt cũng như chạy đua thâu tóm các thương hiệu ăn khách đến sự bắt tay liên doanh, hợp tác của các hãng phim.

"Cá lớn" nuốt "cá bé"

Thống kê từ các phòng vé, tính đến ngày 5-12, với 682 phim đã trình chiếu, tổng doanh thu toàn cầu của ngành điện ảnh đạt khoảng 10,3 tỉ USD. Trong tháng 12 này, còn nhiều "bom tấn" ("Rogue One: A Star Wars Story", "Assassin’s Creed", "Sing", "Passengers"…) chuẩn bị ra rạp. Giới chuyên gia dự báo doanh thu năm 2016 chắc chắn sẽ vượt năm 2015 (11,12 tỉ USD), tăng trưởng 7,4%. Đây sẽ là năm phát triển thần kỳ của doanh thu phòng vé. Thành quả này là nhờ vào chiến lược kinh doanh đúng hướng của các "ông lớn".

"Sing"- tác phẩm của Illumination Entertainment được chờ đợi vào tháng 12.

Hãng Walt Disney đang dẫn đầu danh sách hãng phim có doanh thu cao năm 2016 với 5,85 tỉ USD. Năm nay, Walt Disney sở hữu 3 phim có doanh thu tỉ đô, đó là "Captain America: Civil War", "Zootopia" và "Finding Dory". Ngoài doanh thu khổng lồ, phim của Walt Disney cũng mang diện mạo mới, được giới phê bình đánh giá cao cả về nội dung lẫn kỹ thuật. Ông Alan Horn, Chủ tịch Walt Disney, cho rằng: "Đây là năm thứ hai liên tiếp Walt Disney phá được kỷ lục doanh thu của chính mình. Thành công này nhờ vào chuỗi studio của chúng tôi, như Disney Animation, Pixar, Marvel và Lucasfilm. Chúng tôi đang có những tài năng ưu tú trong việc sáng tạo". Ông Alan Horn nhận định Walt Disney thành công vì có những chiến lược đầu tư và nắm bắt xu hướng về điện ảnh đúng đắn.

Nhiều năm qua, Walt Disney đã mua các thương hiệu phim chất lượng. Năm 2006, hãng này chi 7,4 tỉ USD mua hãng phim hoạt hình có công nghệ hiện đại hàng đầu Pixar. Thương vụ này đã mang về cho Walt Disney những sản phẩm chất lượng: "Wall-E", "Up", "Cars"… Ba năm sau, Walt Disney tiếp tục chi 4,2 tỉ USD mua lại Marvel Entertainment- đơn vị sở hữu các thương hiệu siêu anh hùng của Marvel Comics, cho ra hàng loạt siêu phẩm: "Iron Man", "Thor", "Captain America"… Chỉ tính riêng loạt bom tấn "Iron Man" và "The Avengers: Age of Ultron", Walt Disney đã thu về khoảng 4,1 tỉ USD. Năm 2012, Walt Disney chi 4,05 tỉ USD mua Lucasfilm- đơn vị đang sở hữu thương hiệu "Star Wars" đình đám. "Rogue One: A Star Wars Story" là sản phẩm khởi đầu của thương vụ này, dự kiến ra mắt vào Giáng sinh năm nay và được dự đoán mang về không dưới tỉ đô cho Walt Disney.

Trong xu thế phát triển, "cá lớn" nuốt "cá bé" là điều tất yếu. Không chỉ có Walt Disney đi thâu tóm các hãng phim nhỏ mà nhiều ông lớn khác cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Comcast- chủ sở hữu NBCUniversal- mạnh dạn chi 3,8 tỉ USD mua Dreamworks Animations hồi tháng 2-2016. Với việc sở hữu Dreamworks Animations, Comcast sẽ có thêm các thương hiệu điện ảnh ăn khách: "Shrek", "Kung-Fu Panda" hay "How to Train Your Dragon"… Tập đoàn AT&T cũng gây chấn động khi quyết định mua Time Warner với mức giá kỷ lục 85,4 tỉ USD hồi tháng 10 vừa qua. Time Warner là một hãng truyền thông khổng lồ, sở hữu hàng loạt kênh truyền hình đình đám (HBO, CNN, TBS, TNT, Cartoon Network…) và hãng phim New Line Cinema, Warner Bros với hàng loạt thương hiệu phim danh tiếng ("Batman", "Harry Potter", "Tom & Jerry", "Game of Thrones"…) Ngoài các ông lớn, thị trường thâu tóm, chuyển nhượng cũng có phần của các hãng phim độc lập. Ví dụ, LionsGate chi không ít tiền để mua Mandate Pictures và Summit Entertainment.

Thực tế, các hãng phim sẽ khó cạnh tranh khi đứng đơn lẻ, nhất là chi phí bỏ ra cho việc sản xuất và quảng bá không hề nhỏ. Có ông lớn đứng phía sau, bỏ tiền đầu tư sản xuất, xây dựng các chiến lược quảng bá toàn cầu sẽ góp phần làm các tác phẩm được nâng cao về chất lượng, kỹ thuật. Khi tác phẩm được đầu tư tốt, khán giả đến rạp nhiều hơn, doanh thu phòng vé sẽ cải thiện.

Những cuộc bắt tay thương mại

Song song với cuộc chạy đua thâu tóm, các hãng phim còn bắt tay liên doanh, liên kết với các quốc gia đến từ châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) để mở rộng thị trường. Tháng 10 vừa qua, đạo diễn Steven Spielberg, Chủ tịch hãng Amblin Partners, ký kết hợp tác trong lĩnh phim ảnh với Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác sản xuất, tiếp thị và phân phối phim trên toàn cầu. Ông Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Group, nói: "Tôi không nghĩ rằng có nhiều sự khác biệt giữa Đông và Tây, sự khác biệt duy nhất là phương Tây kể những câu chuyện tốt hơn" và ông tin tưởng tài đạo diễn của Steven Spielberg. Còn Steven Spielberg chia sẻ: "Chúng tôi có thể đồng sản xuất, đưa các sản phẩm Trung Quốc tới Mỹ và ngược lại, đưa văn hóa Mỹ đến gần người Trung Quốc". Ngoài đạo diễn Steven Spielberg, Alibaba Group còn hợp tác với nhà sản xuất người Anh David Heyman trong dự án "Warriors".

Trào lưu hợp tác sản xuất giữa phương Đông và phương Tây cũng đang có xu hướng phát triển. Trước đó, hãng phim Mỹ Legendary Entertainment đã mời đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện phim hành động giả tưởng "The Great Wall" (dự kiến ra rạp vào đầu năm 2017). Hợp tác này đã mở đầu cho Tập đoàn Dalian Wanda (Trung Quốc) quyết định chi 3,5 tỉ USD mua lại đa số cổ phần của Legendary Entertainment. 2 năm trước, Legendary Entertainment từng hợp tác với Softbank Group (Nhật Bản) mang đến nhiều thương hiệu điện ảnh thành công, như "Godzilla", "Jurassic World"… Bên cạnh đầu tư kinh phí cho Legendary Entertainment phát triển các dự án điện ảnh, Tập đoàn Dalian Wanda còn liên doanh với Sony Pictures Entertainment, để có những dự án dài hơi. Trong khi đó, Hàn Quốc đã có chính sách hỗ trợ 25% kinh phí sản xuất cho bất kỳ dự án quốc tế nào đến quay tại Seoul (Hàn Quốc). Sự ưu ái này khiến nhiều hãng phim lớn đến từ Mỹ (Universal, Warner Bros, Walt Disney…) để mắt tới Hàn Quốc. Nhiều dự án đã được lấy bối cảnh tại Hàn, như "Star Trek 3", "The Avengers: Age of Ultron", "The Bourne Legacy"… Sự phát triển đột phá của nền điện ảnh Hàn Quốc trong những năm gần đây, cũng khiến các hãng phim của Mỹ không ngừng tìm kiếm cơ hội liên doanh.

* * *

Bề nổi của những cuộc bắt tay, thâu tóm các thương hiệu là hợp đồng kinh tế nhưng thực chất đó là chiến lược để mang về lợi nhuận cho các hãng phim, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh toàn cầu.

BẢO LAM (Variety, Hollywood Reporter, Latimes, BoxOffice Mojo)

Chia sẻ bài viết