24/02/2010 - 20:39

Cậu bé nghèo "ăn dưa leo" đến lớp

Nguyễn Thanh Tòng đang mót đậu trên rẫy.

Ngày nắng cũng như mưa, với đôi dép cao su vá chằng vá đụp, đôi chân nứt nẻ của Nguyễn Thanh Tòng lội bộ hàng mấy cây số đường, đoạn lầy lội, đoạn đá dăm lởm chởm để đến trường. Cuộc sống nghèo khổ, lắm lúc thiếu cơm ăn, nhưng Tòng vẫn nỗ lực học tốt, sống đẹp. Hàng ngày, đôi tay bé nhỏ của Tòng kiếm miếng ăn cho gia đình bằng đủ thứ công việc nặng nhọc trên ruộng rẫy và làm thuê. Chứng kiến cảnh sống của Tòng càng thương hơn cậu học trò nghèo ươm con chữ trong bao khó nhọc.

Mới 14 tuổi đầu, Nguyễn Thanh Tòng đã chịu nhiều bất hạnh. Khi Tòng lên 3 tuổi, cha mất, không lâu sau đó, mẹ đưa Tòng về ngoại, nhưng mẹ không có nghề nghiệp ổn định, lại bệnh tật liên miên nên không cưu mang nổi con, cả nhà phải sống nhờ vào mấy công ruộng cằn cỗi. Tòng về ngoại được mấy tháng, nhớ cháu, chịu không nổi, bà nội xuống rước Tòng về. Từ đó đến nay, Tòng rau cháo cùng ông bà nội ở khu vực 11, phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Thấm thoát mà đã 11 năm. Năm rồi, mẹ mổ phải nằm viện, hay tin, Tòng vô nuôi mẹ tới ngày mẹ xuất viện về nhà. Có bao nhiêu tiền dành dụm, Tòng đưa hết cho mẹ về nhà bồi dưỡng. Ở cùng quận Cái Răng vậy mà mỗi năm hai mẹ con gặp nhau chỉ một lần vào dịp Tết. Bao nhiêu thương nhớ, Tòng gởi vào quyển nhật ký nhỏ, cũng là sổ ghi kế hoạch để Tòng từng bước tạo dựng tương lai cho mình, báo hiếu người thân.

Theo Tòng len lỏi qua những con mương, bờ kinh đầy gai mắc cỡ để ra rẫy, thấy thương làm sao hoàn cảnh cậu bé nghèo, không quản ngại gian lao, tiếp sức cùng ông bà nội lo toan cuộc sống, và lại càng quý hơn nghị lực vượt khó phi thường của em. Nhà không có đất, phải mướn rẫy để làm nên Tòng và ông bà phải lao động cật lực mới đủ sống. Tòng đang học lớp 8A6 Trường THCS Hưng Phú. Cô Đoàn Thanh Nga, giáo viên chủ nhiệm của Tòng, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ trường, kể: “Tòng chỉ có một bộ quần áo để đi học, hôm nào trời mưa phơi không kịp khô, em mặc đồ ướt. Phần lớn đồ đạc của Tòng do các nhà hảo tâm và bạn bè tặng. Tháng rồi, tôi chở Tòng đi mua đôi dép mới ăn Tết, em mừng lắm. Hai năm qua, là giáo viên chủ nhiệm, tôi theo dõi từng bước tiến của Tòng, em chưa bao giờ chán nản hay bi quan mà luôn có những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa”. Cô Nguyễn Thị Kim Ngoạt, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Trường THCS Hưng Phú, nói: “Đường vào nhà Tòng rất khó đi, tôi tìm mấy đợt mới đến được. Chứng kiến cảnh sống của Tòng, gia đình đơn chiếc, thiếu hụt, tôi càng quý tinh thần ham học của em. Nếu được chăm bồi tốt, tôi tin Tòng sẽ tiến xa”.

Không biết bao nhiêu lần Tòng tủi thân khóc thầm vì thấy các bạn được đủ đầy trong vòng tay thương yêu của mẹ cha, nhìn lại mình đã lâu lắm rồi chưa được mặc tấm áo mới, chưa từng được nếm thử một món ăn ngon. Những lúc buồn Tòng hay ra rẫy, chăm sóc những trái cà, dưa leo, đậu bắp... Tòng tâm sự: “Tụi nó phơi nắng phơi sương vậy mà cũng tốt tươi, đem lại nhiều lợi ích cho đời. Còn con, dù không đủ mẹ cha nhưng vẫn còn ông bà, được nhiều người thương mến, có một mái nhà để ở, so với những số phận khác, con vẫn còn may mắn, nên lại càng phải vươn lên. Con phải vào đại học, chỉ có con đường đó mới thay đổi tương lai của con, phải học để có nghề nghiệp phụng dưỡng ông bà, nuôi mẹ”. Nhà ở sâu trong đồng, ngày nào cũng vậy, mới 5 giờ sáng Tòng đã lọ mọ đi học. Người dân ở đó quá quen thuộc với hình ảnh cậu bé gầy gò, những ngày mưa em lúp xúp trong tấm nylon đi học giữa màn mưa giăng trắng xóa. Lúc trước, có người quen cho Tòng chiếc xe đạp cũ để chở hàng đem bán, đi học. Nhưng cả năm nay chiếc xe bị hư, không có tiền sửa, mọi hoạt động của Tòng hiện tại nhờ vào sự dẻo dai của đôi chân.

Ngoài giờ học, Tòng ở suốt ngoài rẫy để tưới cây, nhổ cỏ, bón phân... Xong rẫy nhà, Tòng làm thuê cho các rẫy kế bên. Cực nhất là vào mùa thu hoạch, hái trái xong, Tòng vác từng bao ra chợ bán, được giá hơn bán tại nhà. Thầy cô trong trường hay mua giúp hàng để Tòng được về sớm, học bài. Tòng cho hay: “Những buổi trưa đi bán về, ngang qua những hàng quán, nghe mùi thức ăn cồn cào ruột gan, con cúi đầu bước nhanh, không dám nhìn. Đói thì ăn đỡ trái dưa leo, để dành tiền mua gạo, về nhà ăn cơm với nội để nội không buồn”. Khi không có đồ rẫy để bán, Tòng mò hến, bắt cua ốc đem đổi gạo, mắm muối. Nhỏ con, ốm yếu vậy mà hai năm nay tranh thủ dịp hè, Tòng đi vác lúa mướn, làm hồ. Ông Sáu Quân, một chủ công trình đang thi công ở phường Hưng Phú, cho biết: “Nhỏ tuổi như Tòng đúng ra không được vào công trình lao động để đảm bảo an toàn. Nhưng thấy cháu năn nỉ, nghe cháu kể chuyện nhà nên tôi cho cháu phụ vài việc lặt vặt bên ngoài để có tiền đi học. Tòng siêng năng, thông minh lắm. Có những lúc đi làm cháu đem sách theo, tranh thủ giờ nghỉ trưa để học. Hiếm thấy cháu nào còn nhỏ mà giỏi giang, nghị lực như thế”.

Ông bà nội Tòng đã trên 60 tuổi, ông thì bị bệnh cột sống, bà lại bị thần kinh tọa, do lao động nặng nhọc nên thường đau nhức. Đêm đêm Tòng bóp chân tay, đấm lưng cho ông bà, rồi học bài đến khuya. Vất vả nhưng Tòng luôn cố gắng học tập, năm nào cũng là học sinh tiên tiến, học kỳ vừa rồi đạt điểm trung bình 8,7. Tòng mơ ước sau này trở thành thầy giáo, giúp được nhiều học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, không phải bỏ học sớm. Bạn trong lớp thường tới nhà Tòng chơi, tổ chức học nhóm. Siêng năng nên Tòng được các bạn tín nhiệm bầu làm lớp phó lao động. Thời gian qua, Tòng tham gia phong trào “Đôi bạn học tập” kèm bạn Võ Hoàng Tú của lớp, từ học lực yếu, nay Tú đã có nhiều tiến bộ. Bạn Huỳnh Trung Tín, học cùng lớp với Tòng, kể: “Sáng nào Tòng cũng đem dưa leo, muối tiêu vô lớp ăn, nếu không ăn sáng với dưa leo thì Tòng nhịn đói, tụi con hay chia bánh cho bạn. Tòng hiền lành, tốt bụng, bạn bè trong lớp ai cũng thương, tết năm nào chúng con cũng hùn tiền mua cho Tòng một bộ quần áo”.

Hiện nay, mỗi tháng Tòng được địa phương hỗ trợ 260.000 đồng. Mỗi khi có dịp, nhà trường thường giới thiệu Tòng lãnh học bổng. Mỗi đầu năm học, Tòng thường được thầy cô, mạnh thường quân tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập. Ông Nguyễn Văn Sáu - ông nội Tòng, nói về cháu, rơm rớm nước mắt: “Tòng ngoan hiền, hiếu thảo lắm, cực cỡ nào cũng cam chịu. Nhà chỉ có một cái bàn vừa để ăn cơm vừa là góc học tập của Tòng. Lâu năm nhà xuống cấp nên trời mưa hay bị dột, cháu luôn nhường nơi khô ráo cho tôi; thức ăn cũng vậy, lúc nào cũng dành phần ngon cho ông bà. Đôi tay vén khéo của Tòng đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa thành thục như người lớn. Thương cháu côi cút, chúng tôi dạy bảo cháu từng lời ăn tiếng nói để cháu trưởng thành, trở thành người tốt”.

Tiễn chúng tôi ra về, Tòng nói với theo: “Cô đừng lo, con sẽ tiếp tục vừa học vừa làm, phấn đấu trở thành thầy giáo mà!”. Nhìn nụ cười rạng ngời với đôi mắt sáng của cậu học trò tuy dáng người ốm yếu, chúng tôi tin Tòng sẽ vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ của mình. Lòng thầm mong sẽ có thêm nhiều bàn tay nhân ái sẻ chia để chắp cánh cho ước mơ của cậu học trò nghèo hiếu thảo, hiếu học Nguyễn Thanh Tòng được bay cao, bay xa.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết