19/11/2024 - 16:16

Cảnh giác bẫy lừa làm hồ sơ xuất khẩu lao động 

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức nhận làm hồ sơ xuất khẩu lao động (XKLÐ) đi các nước, sau đó đối tượng ôm tiền bỏ trốn. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên tin vào những lời hứa hẹn hão huyền mà mất tài sản oan uổng…

Bị can Trần Thị Ngọc Nương. Ảnh: CACC

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Nương (24 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh) để tiếp tục làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin ban đầu, đầu năm 2023, Nương thuê nhà tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt và tự mở bảng hiệu kinh doanh với tên gọi Nương Nương, vận chuyển hàng hóa quốc tế Hàn Quốc, Ðài Loan, Malaysia, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản. Tiếp theo, Nương sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin XKLÐ thời vụ, ai có nhu cầu liện hệ với Nương qua mạng xã hội và số điện thoại đã được đăng, rồi đến cơ sở của Nương ký hợp đồng lao động thời vụ ở Hàn Quốc. Nương ra giá trọn gói 42-48 triệu đồng/hợp đồng, tiền cọc trước 50%, sau khi hoàn tất hồ sơ thì nhận đủ số tiền còn lại. Nương hứa từ 10-20 ngày sẽ có kết quả. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Nương không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt. Tất cả các hợp đồng Nương ký với bị hại đều do Nương tự soạn rồi ký với từng người, không có công chứng, chứng thực. Từ đầu năm 2023 đến tháng 9-2024, Nương đã thực hiện hành vi lừa đảo 132 bị hại với số tiền gần 3 tỉ đồng.

Ða số bị hại trong vụ án sống tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Cờ Ðỏ và Thới Lai. Nhiều bị hại mong muốn được đi XKLÐ, có thu nhập tốt lo cho gia đình, nhưng đâu ngờ bị sập bẫy lừa. Ông T (48 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) làm nghề nông, chỉ đủ trang trải cuộc sống. Ðầu năm 2024, thông qua người quen, vợ chồng ông biết Nương có thể đưa đi lao động thời vụ 8 tháng ở Hàn Quốc với mức lương 1,7-1,8 triệu đồng/ngày, tương đương hơn 50 triệu đồng/tháng. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn, ông T và vợ lo tiền làm thủ tục để đi. Nhiều tháng trôi qua, không thấy hồi âm, ông T liên hệ hỏi thì Nương viện cớ rớt visa mà không có cuộc phỏng vấn nào. Ông T đòi lại tiền, Nương hứa, nhưng không trả... Một số bị hại vay tiền để đóng cho Nương làm hồ sơ, thủ tục, giờ phải trả lãi hằng tháng, khó khăn thêm chồng chất… Tại cơ quan điều tra, Nương khai nhận do thiếu nợ và cần tiền tiêu xài, nên thực hiện hành vi trên.

Trần Thị Hồng Em (48 tuổi, ngụ huyện Phong Ðiền) không có nghề nghiệp ổn định. Khoảng tháng 2-2023, Hồng Em thuê phòng trọ ở huyện Cờ Ðỏ để ở. Tại đây, thấy nhiều người có nhu cầu đi XKLÐ, Hồng Em “nổ” quen biết rộng, có khả năng làm hồ sơ cho người khác XKLÐ sang Hàn Quốc, với giá 70 triệu đồng/người, đưa tiền trước từ 5-10 triệu đồng/người. Thực tế, Hồng Em không phải là nhân viên của tổ chức có tư cách pháp nhân được cấp phép thực hiện việc môi giới XKLÐ, cũng không có năng lực làm hồ sơ cho người khác XKLÐ. Ðể tạo lòng tin, Hồng Em yêu cầu người muốn làm hồ sơ XKLÐ phải nộp các giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, hộ chiếu và hình thẻ. Nhiều bị hại không trực tiếp đưa tiền nhưng vì nghe rủ rê nên tin tưởng đưa tiền cho người thân, người quen mang đến nộp để làm hồ sơ. Hồng Em đưa ra số ngày làm hồ sơ là gần 3 tháng, nhưng chưa đến thời hạn thì ôm tiền bỏ trốn. Với thủ đoạn như trên, Hồng Em đã lừa đảo chiếm đoạt khoảng 840 triệu đồng của 116 bị hại. Do 16 trường hợp không có thông tin rõ ràng, cơ quan điều tra chỉ chứng minh được 100 bị hại. Giữa tháng 9-2024, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Hồng Em 15 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Bị cáo Trần Thị Hồng Em. Ảnh: KIỀU CHINH

Trước đó, cuối tháng 7-2024, Công an TP Cần Thơ phối hợp xử phạt hành chính số tiền 15 triệu đồng đối với L.T.S (ngụ huyện Thới Lai). S có hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” và “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”. S đã đăng tin tức không đúng sự thật liên quan đến hoạt động đưa người đi lao động nước ngoài với hình thức sử dụng mạng TikTok lập nhiều tài khoản cá nhân rồi đăng nhiều video giới thiệu việc làm, nhận hồ sơ đưa người Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc với mức thu nhập cao và quay cảnh lao động thực tế được cho là của người Việt Nam tại Hàn Quốc... S còn cung cấp, chia sẻ thông tin với các danh nghĩa như Trung tâm giới thiệu việc làm Hàn Quốc, Trung tâm giới thiệu việc làm tại Cần Thơ, Lao động Hàn Quốc, Trung tâm giới thiệu việc làm… S thừa nhận đã thu thập các thông tin trên mạng rồi xử lý lại (thuyết minh, ghép hình ảnh), sau đó chia sẻ, phát tán trên mạng để quảng cáo... Ngoài hình thức phạt tiền, S phải gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật đã phát tán.

Qua các vụ việc trên cảnh báo người dân khi có nhu cầu XKLÐ cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, chọn cơ sở uy tín, không nên đóng tiền, cung cấp hồ sơ cho bất kỳ ai khi chưa rõ về công việc, chi phí... Nếu phát hiện có dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến cơ quan có thẩm quyền để hạn chế rủi ro, thiệt hại.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết