24/04/2019 - 13:59

Cảnh giác bẫy lừa 

Từ cuối tháng 3-2019 đến nay, Tòa án nhân dân (TAND) TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm và sơ thẩm nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua các vụ án cho thấy thủ đoạn tội phạm này ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp; trong khi bị hại quá mất cảnh giác, không tìm hiểu sự việc kỹ càng, tin lời kẻ xấu, mất tài sản đáng tiếc. Còn các bị cáo, tham cái lợi trước mắt nên phải trả giá bằng tương lai, danh dự của mình.

Dùng thủ đoạn gian dối kiếm tiền, Nguyễn Thị Ngọc Dung lãnh án 2 năm tù. Ảnh: KIỀU CHINH  
Dùng thủ đoạn gian dối kiếm tiền, Nguyễn Thị Ngọc Dung lãnh án 2 năm tù. Ảnh: KIỀU CHINH  

Có nghề buôn bán, nhưng thu nhập bấp bênh, Nguyễn Thị Ngọc Dung, sinh năm 1983, ngụ huyện Phong Điền, xin đi làm và được Khách sạn M.T. Cần Thơ tuyển dụng làm nhân viên kinh doanh. Công việc của Dung là liên hệ, tìm kiếm khách hàng, chào bán các dịch vụ lưu trú, hội nghị và hỗ trợ kế toán nhắc nhở khách hàng thanh toán công nợ đúng thời hạn. Trong quá trình làm việc, một số khách hàng gọi điện hỏi cách thức đặt cọc nên Dung nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền. Từ tháng 9-2015 đến đầu năm 2016, thấy có nhiều đơn vị đặt dịch vụ tiệc, phòng nghỉ, Dung tự ý liên hệ với khách hàng kêu đưa tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản cho Dung để nộp lại cho khách sạn, trong khi Dung không được phân công nhiệm vụ này. Dung còn “hù” nếu đến ngày đặt cọc mà không nhận được tiền khách sạn sẽ không giữ chỗ. Những khách đã trả tiền trước một phần thì Dung hối thúc thanh toán phần còn lại. Do Dung là nhân viên nên các bị hại tin tưởng giao tiền và bị Dung chiếm đoạt trên 120 triệu đồng. Khi công việc hoàn tất, các đơn vị nhận thông báo nhắc nhở thanh toán từ khách sạn, mọi người mới phát hiện chân tướng vụ việc, báo công an.

Tháng 10-2018, TAND quận Ninh Kiều tuyên phạt Dung 2 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm đầu tháng 4-2019, Dung khóc, biện bạch: “Hoàn cảnh bị cáo khó khăn quá, đã ly hôn, nuôi con nhỏ. Bị cáo biết sai nhưng túng quá mới làm vậy. Xin cho hưởng án treo để có điều kiện đi làm kiếm tiền, chăm sóc con nhỏ”. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định Dung không có tình tiết mới giảm nhẹ, bác đơn, tuyên ý án sơ thẩm.

Còn bị cáo Huỳnh Đình Kiệt, 32 tuổi, ngụ quận Ô Môn, chỉ vì 10 thùng bia đã để bản thân vướng vòng lao lý.

Buổi trưa đầu tháng 8-2018, Kiệt đến đại lý bia của anh S., ở quận Thốt Nốt và giới thiệu mình là nhân viên cửa hàng vật liệu xây dựng ở gần đó. Kiệt nói dối cửa hàng đặt mua 22 thùng bia các loại để tặng khách, kêu anh S. đem bia giao. Tin tưởng, anh S. chở trước 10 thùng, Kiệt yêu cầu giao tiếp số bia còn lại sẽ thanh toán tiền luôn. Trong lúc anh S. quay về lấy bia thì Kiệt lấy 10 thùng bia chất lên xe máy của mình rồi bỏ chạy. Khi anh S. quay lại, không thấy Kiệt và bia nên báo công an; còn Kiệt trên đường đi tiêu thụ bia thì bị bắt. Kết luận giám định 10 thùng bia có giá trị hơn 3 triệu đồng.

Trong phiên tòa phúc thẩm vào cuối tháng 3, nhiều người tiếc cho Kiệt có sức khỏe, tuổi trẻ không lo làm ăn mà lại kiếm tiền bằng con đường bất chính. HĐXX nhận định hình phạt 6 tháng tù cấp sơ thẩm tuyên đối với Kiệt là thỏa đáng nên tuyên y án. Vì tham cái lợi nhỏ trước mắt, bị cáo phải trả giá quá đắt.

  Trần Văn Út trả lời thẩm vấn HĐXX. Ảnh: KIỀU CHINH
  Trần Văn Út trả lời thẩm vấn HĐXX. Ảnh: KIỀU CHINH

Vụ án Trần Văn Út, sinh năm 1980, ngụ tỉnh Sóc Trăng, chuyên thuê xe tự lái rồi cầm cố đi đánh bạc mà TAND TP Cần Thơ vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung vào giữa tháng 4, cho thấy thủ đoạn rất chuyên nghiệp.

Để bị hại tin tưởng, tiền thuê xe Út trả sòng phẳng, với mục đích thuê là giải quyết việc gia đình, chở khách du lịch. Chỉ với sự “dẻo miệng”, từ tháng 10-2017 đến tháng 4-2018, Út dễ dàng thuê 4 ô tô của nhiều bị hại (trị giá khoảng 2 tỉ đồng) ở quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Vĩnh Thạnh... trong nhiều ngày, rồi mang đi cầm lấy hơn 400 triệu đồng tiêu xài, đánh bài. Không chỉ thế, Út còn dựng chuyện bỏ quên bóp ở nhà người quen, mượn xe mô tô chạy đi lấy rồi cuỗm luôn.

Bên cạnh các thủ đoạn trên, hiện nay, tội phạm lừa đảo xuất hiện dưới nhiều hình thức như: các đối tượng “nổ” quan hệ rộng, có khả năng xin việc, xin điểm, chạy trường, khiến nhiều người cả tin đưa tiền; huy động vốn qua hình thức chơi hụi, vay tiền lãi suất cao rồi bỏ trốn; lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đem thế chấp nhiều ngân hàng để vay vốn rồi chiếm đoạt; thông qua mạng internet bán hàng trực tuyến, lấy tiền rồi không giao hàng hoặc đưa hàng kém chất lượng; lên mạng xã hội tìm bạn đời, tung chiêu tặng quà rồi lừa tình, lừa tiền…

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo, Công an thành phố thường xuyên phối hợp tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng. Người dân hãy nâng cao tinh thần cảnh giác, nếu phát hiện sự việc nghi vấn, kịp thời báo tin cho cơ quan chức năng xử lý, ngăn ngừa.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết