30/03/2019 - 09:46

Cẩn trọng khi ký hợp đồng ủy quyền 

Nhiều trường hợp chủ sử dụng đất thực hiện thủ tục lập Hợp đồng ủy quyền (HĐUQ) cho người khác để thực hiện các giao dịch: ký hợp đồng chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ)... Tuy nhiên, do không am hiểu hết những quy định pháp luật, không ít trường hợp rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”, khi thực hiện việc ký HĐUQ này.

Bà Kim Anh trình bày vụ việc với phóng viên. 

Những ngày qua, bà Lê Thị Kim Anh, ông Phạm Văn Hồng (ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) liên tục có đơn gởi chính quyền và ngành chức năng địa phương yêu cầu ngăn chặn việc chuyển nhượng QSDĐ liên quan đến phần đất của gia đình bà.

Theo hồ sơ thể hiện: Ngày 26-2-2019, bà Anh, ông Hồng và ông L.V.M.M. đến Văn phòng Công chứng T. (ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ) yêu cầu công chứng HĐUQ QSDĐ đối với thửa đất số 635, tờ bản đồ số 06, diện tích 7.087m2, tọa lạc ấp Thới Bình A1, xã Thới Xuân. Vợ chồng bà Kim Anh ký HĐUQ cho ông M. được quyền chuyển nhượng, thế chấp vay vốn ngân hàng, xóa thế chấp, cho thuê… đối với QSDĐ nêu trên. Thời hạn ủy quyền là 60 tháng. Trong thời hạn ủy quyền, ông M. được toàn quyền quyết định khi thực hiện các công việc được ủy quyền; được lập, ký tên trên các giấy tờ liên quan đến công việc được ủy quyền… HĐUQ này được ông Trần Thanh Việt, công chứng viên Văn phòng Công chứng T. ký.

Một ngày sau, ông M. đến Văn phòng Công chứng V.T. (ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để công chứng Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ từ hộ bà Kim Anh sang cho ông L.V.N. (ở phường Phước Thới, quận Ô Môn). Sau đó, ông M. đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện Cờ Đỏ để thực hiện việc đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Phát giác sự việc, bà Kim Anh có đơn gởi chính quyền và ngành chức năng ở huyện Cờ Đỏ yêu cầu ngăn chặn việc chuyển nhượng này. Bà Kim Anh cho rằng: “Gia đình tôi không hề chuyển nhượng QSDĐ cho một người nào. Do hoàn cảnh kinh tế gặp khó khăn, gia đình cần vốn để xoay xở, nên chúng tôi quen biết, nhờ ông M. vay vốn ngân hàng. Nào ngờ, vốn vay đâu chẳng thấy, lại phát hiện QSDĐ của mình được chuyển nhượng cho người khác, nên rất hoang mang và đã có đơn yêu cầu ngăn chặn”.

Song song đó, bà Kim Anh gởi đơn khiếu nại đến các ngành chức năng yêu cầu xử lý công chứng viên Trần Thanh Việt ký HĐUQ không đúng quy định. Bà Kim Anh kể: “Hôm ký HĐUQ tại văn phòng Công chứng T., chỉ một mình tôi ký tên vào HĐUQ, còn chồng tôi thì không. Hơn nữa, do không am hiểu quy định pháp luật, tôi cứ nghĩ ký tên vào hợp đồng thì sẽ được vay vốn. Nếu biết sự việc xảy ra như vậy thì chắc chắn tôi không ký ủy quyền”.

Xoay quanh nội dung khiếu nại này, ông Trần Thanh Việt giải trình: “Trước khi ký chứng nhận HĐUQ, tôi có giải thích cho bà Kim Anh và ông Hồng về nội dung và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền này. Khi đó, bà Kim Anh và ông Hồng công nhận đã hiểu và đồng ý tất cả nội dung nêu trên, nên tôi đã ký chứng nhận HĐUQ số 97, quyển số 01/2019/TP/CC-SCC/HĐGD. Do tôi thấy HĐUQ này có nhiều rủi ro có thể phát sinh, nên tôi chứng nhận thêm văn bản cam kết số 98, quyển số 01/2019/TP/CC-SCC/HĐGD với mục đích các bên công nhận đã nghe tôi giải thích rõ các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết HĐUQ nêu trên và đã đồng ý”.

Hiện nay, ông Hồng và bà Kim Anh đã khởi kiện về việc tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và yêu cầu hủy bỏ HĐUQ số 97. Vụ việc đã được TAND huyện Cờ Đỏ thụ lý, xem xét, giải quyết theo quy định.

Do “trục trặc” trong việc thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, ông M. đã có đơn khiếu nại gởi UBND xã Thới Xuân. Tại buổi hòa giải do Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND xã Thới Xuân tổ chức ngày 19-3-2019, ông M. trình bày: “Khoảng tháng 1-2019, tôi có gặp hộ bà Kim Anh để bàn việc vay vốn. Khi đó, tôi có đến nhà bà Kim Anh để khảo sát 2 miếng đất ruộng và nhà ở. Sau đó, tôi và gia đình bà Kim Anh đến Văn phòng Công chứng ký HĐUQ”. Còn theo trình bày của ông N., ông M. có liên hệ với ông về việc có người cần vay vốn. Ông N. trực tiếp đến khảo sát tại phần đất của bà Kim Anh. Sau đó, ông M. cung cấp HĐUQ và chứng minh nguồn thu nhập, nên ông đồng ý làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ. Tại buổi hòa giải, ông N. trình bày: “Trong ngày bà Kim Anh ký HĐUQ, tôi đã đưa tiền cho bà Kim Anh 2 lần, tổng cộng 250 triệu đồng”. Tuy nhiên, bà Kim Anh không thừa nhận việc nhận tiền của ông N. Và ông Hồng cũng khẳng định không hề có mặt tại Văn phòng Công chứng T. để trực tiếp ký tên vào HĐUQ cho ông M.

Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND xã Thới Xuân, cho biết: “Qua trình bày của 2 bên nguyên đơn và bị đơn, chúng tôi đã động viên, thuyết phục hai bên thương lượng hướng giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, hai bên không thương lượng được, cuộc hòa giải không thành. Chúng tôi đã hướng dẫn đương sự khởi kiện tại TAND huyện để được xem xét, giải quyết theo quy định”.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết