Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học, nhất là NCKH trong sinh viên. Xác định vai trò quan trọng này, nhiều năm qua, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ đã đẩy mạnh hoạt động NCKH trong sinh viên. Từ đó, số lượng và chất lượng đề tài ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc NCKH trong sinh viên vẫn còn nhiều khó khăn, cần có sự trợ lực từ nhiều phía.
Nỗ lực của sinh viên trong NCKH
Tháng 2-2010, Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh kết hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đã tổ chức trao giải cuộc thi Robot mìn năm 2009. Đội EMBOT-Strike của Trường ĐH Cần Thơ tham dự cuộc thi đoạt giải Ba. Đội EMBOT-Strike có 7 thành viên là sinh viên ngành Cơ điện tử khóa 33, Khoa Công nghệ. Bạn Đàm Võ Bửu Trân, Trưởng nhóm, cho biết: “Bằng những kiến thức đã học, tìm tòi tài liệu qua mạng Internet, sách báo... cả nhóm chia nhau tìm mua linh kiện mới, tận dụng lại linh kiện đã qua sử dụng (động cơ và mạch điện...) để làm robot. Tùy theo sở trường của từng người mà phân chia công việc với nhau: phụ trách cơ khí, mạch điện hoặc lập trình robot...”. Theo Bùi Văn Giúp, thành viên trong nhóm, từ những vật liệu thô, nhóm đã cưa, bào, giũa, hàn tiện... mới lắp ráp hoàn chỉnh. Robot đảm bảo kỹ thuật nhưng cồng kềnh, không đẹp thì không đạt yêu cầu, còn đạt về mỹ thuật, kỹ thuật nhưng không chạy theo đường chạy qui định hoặc không theo ý muốn thì phải tháo ra làm lại,... vì vậy cần phải kiên trì, nhẫn nại.
Tương tự, đề tài “Xây dựng mô hình quản lý bao bì rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ” của nhóm sinh viên ngành Hóa học K32, Khoa Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Cần Thơ. Trưởng nhóm Phạm Thị Phương Thảo cho biết: “Qua khảo sát hiện trạng quản lý các bao bì, rác thải thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, nhóm chúng tôi đã đề xuất các biện pháp thích hợp giúp người dân và cơ quan chức năng quản lý tốt hơn nguồn rác thải. Đề tài của chúng tôi với mục đích góp phần giảm thiểu nạn ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho mọi người”. Từ đầu tháng 6-2009, cả nhóm đã chung tay thực hiện đề tài này và chọn 3 trong 12 khu vực của phường Trường Lạc, quận Ô Môn để làm thí điểm. Bằng kiến thức chuyên môn đã học trên giảng đường, nhóm Phương Thảo đã dùng tro bếp, vôi làm giảm tính độc hại của bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý sơ bộ tại nhà, vừa rẻ, vừa đạt hiệu quả. Kết quả tài này đã đoạt giải Bạc- giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Holcim Prize năm 2009 và đang triển khai ứng dụng vào thực tế.
 |
Đội EMBOT-Strike của Trường ĐH Cần Thơ đoạt giải Ba tại cuộc thi Robot mìn năm 2009. |
Thông qua hoạt động NCKH trong trường, các cuộc thi do đơn vị tài trợ, như: Phát minh xanh Sony, Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng, Robot mìn... nhiều sinh viên của các trường ĐH, cao đẳng đã thực hiện thành công đề tài NCKH, khả năng ứng dụng thực tế cao. Đơn cử như đề tài “Giải pháp quảng bá thương hiệu sản phẩm cá thác lác Hậu Giang ứng dụng thương mại điện tử và e-marketing” của nhóm sinh viên ĐH Cần Thơ và ĐH Tây Đô đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng năm 2009”; hay đề tài “Bước đầu xây dựng mô hình gây thoái hóa hệ Dopaminergic trên chuột nhắt trắng ở liều gây độc của Paraquat” của Đặng Duy Khánh, sinh viên ngành Dược K30- đoạt giải Ba trong Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.
Qua thống kê của Trường ĐH Cần Thơ, từ năm 2007 đến nay, sinh viên của các trường ĐH, cao đẳng ở TP Cần Thơ đã thực hiện 48 đề tài NCKH; riêng sinh viên Trường ĐH Cần Thơ có 41 đề tài. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng trường, so với vài năm trước đây, số lượng đề tài NCKH của sinh viên ngày tăng về số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết những đề tài của sinh viên có khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, NCKH trong sinh viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được trợ lực để đẩy mạnh phong trào...
Cần trợ lực...
Cuối tháng 3-2010, Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với 6 trường ĐH, cao đẳng ở TP Cần Thơ tổ chức chương trình “Đồng hành cùng sinh viên NCKH”. Thạc sĩ Đinh Minh Quang, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng: “Đa phần đề tài NCKH tập trung ở các trường ĐH, các trường cao đẳng có rất ít đề tài. Nguyên nhân là do nhiều sinh viên chưa quen với NCKH, xem NCKH là việc làm lớn và chỉ dành cho giảng viên; kiến thức, phương pháp NCKH của các sinh viên chưa đủ... Nếu tháo gỡ được những khó khăn trên sẽ khuyến khích nhiều sinh viên quan tâm hơn đến NCKH”. Trên thực tế, phần lớn sinh viên ở các trường cao đẳng chủ yếu tham gia NCKH cùng với cán bộ, giảng viên, chứ chưa thực sự độc lập làm chủ đề tài. Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành ở một số trường ĐH, cao đẳng thiếu thốn, ít nhiều làm hạn chế việc NCKH trong sinh viên.
Một khó khăn khác đối với các sinh viên tham gia NCKH đó là chuyện kinh phí. Theo thống kê của Trường ĐH Cần Thơ, năm 2006-2007, trường chi 79 triệu đồng cho sinh viên thực hiện 6 đề tài. Năm 2009, trường chi 305 triệu đồng cho sinh viên thực hiện 29 đề tài. Đợt 1, năm 2010, trường chi 168 triệu đồng cho 13 đề tài. Bạn Đàm Võ Bửu Trân nói: “Việc bỏ công sức, tranh thủ thời gian để tham gia NCKH, chúng em không đáng ngại. Song, để đẩy mạnh phong trào NCKH trong sinh viên cần có sự hỗ trợ thêm chi phí”. Còn theo Phạm Thị Phương Thảo, những đề tài NCKH tham gia chương trình Holcim Prize, nếu đạt giải cao sẽ được công ty Holcim Prize tài trợ chi phí để triển khai ứng dụng vào thực tế. Nhưng khi chưa đạt giải, trong quá trình thực hiện đề tài NCKH, tác giả phải tự lo chi phí mua tài liệu, vật dụng,... Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngôn, Phó Trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐHCT, nói thêm: “Hầu hết đề tài của sinh viên đều có khả năng ứng dụng thực tế cao, nhưng rào cản lớn nhất vẫn là kinh phí, thủ tục thanh toán còn rườm rà... Để khuyến khích sinh viên tích cực NCKH, có nhiều đề tài ứng dụng vào thực tế cuộc sống, rất cần sự góp sức của đơn vị, mạnh thường quân”.
Thời gian qua, hầu hết đề tài NCKH của sinh viên đa phần tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật, còn với lĩnh vực khoa học và xã hội nhân văn vẫn còn hạn chế. Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, một số ngành học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật... có môn học về phương pháp NCKH nên sinh viên các ngành này có điều kiện tiếp cận vấn đề NCKH hơn. Đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như Luật, Sư phạm, Du lịch... sinh viên ít quan tâm đến NCKH, do khi bước sang năm thứ 3, sinh viên phải đi thực tế, thực tập nên không có thời gian để tìm đề tài nghiên cứu. Để thúc đẩy hoạt động NCKH trong sinh viên, nhiều cán bộ quản lý, giảng viên cho rằng, các trường nên tổ chức hội thảo hoặc các buổi thuyết trình về công tác NCKH, qui định quản lý khoa học trong sinh viên; hỗ trợ sinh viên trong việc tìm người hướng dẫn, thủ tục đăng ký đề tài, thủ tục thanh toán tiền... Đặc biệt là khen thưởng sinh viên tham gia NCKH khi đề tài báo cáo được xếp loại xuất sắc hay đoạt giải khi tham gia các cuộc thi khu vực, toàn quốc...
***
Điều có thể khẳng định, hoạt động NCKH sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là giúp sinh viên tự chủ động ứng dụng những lý thuyết trên giảng đường vào thực tế. Tuy nhiên, NCKH trong sinh viên ở các trường vẫn chưa thực sự mạnh mẽ. PGS.TS Hà Thanh Toàn khẳng định: “NCKH trong sinh viên là hoạt động không thể thiếu trong đào tạo các trường ĐH, cao đẳng. Tuy nhiên, để ngày càng có nhiều sinh viên tham gia NCKH, có nhiều đề tài ứng dụng mang lại lợi ích cho xã hội cần có thêm sự góp sức của các đơn vị, mạnh thường quân”.
Bài, ảnh: B.KIÊN