15/07/2009 - 21:20

Trước thông tin một số hàng hóa của Trung Quốc nhiễm hóa chất độc hại

Cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ khi mua hàng Trung Quốc

Với lợi thế giá rẻ, trong những năm gần đây hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc đã nhanh chóng thâm nhập thị trường Việt Nam. Tại TP Cần Thơ, hiện các loại hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đang được bày bán rất nhiều trên thị trường, từ những sản phẩm cao cấp đến những vật dụng tiêu dùng phổ thông, trái cây, rau củ. Hàng Trung Quốc có mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ nhưng chất lượng của nó đang trở thành vấn đề đáng quan tâm...

* LO LẮNG VỀ HÀNG MAY MẶC BỊ NHIỄM ĐỘC

Khi nỗi lo sữa bột xuất xứ từ Trung Quốc bị nhiễm melamine đã tạm lắng xuống, gần đây người tiêu dùng trong nước một lần nữa lại bị sốc khi có thông tin một số loại sản phẩm may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc bị nhiễm hóa chất độc hại, có thể gây bệnh ung thư.

Tại TP Cần Thơ, hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc hiện diện khắp nơi, từ những cửa hàng thời trang cao cấp, đến những điểm bán vỉa hè với nhiều mức giá khác nhau. Hàng cao cấp có thể lên đến vài triệu đồng/sản phẩm, nhưng cũng có những mặt hàng chỉ hơn 10.000 đồng/sản phẩm. Hàng may mặc của Trung Quốc rất đa dạng, đặc biệt là quần áo dành cho trẻ em.

 Do lo ngại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất bảo quản độc hại nên các loại trái cây trong nước hiện được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Ảnh: N.H

Tuy nhiên, trước những thông tin gần một nửa mặt hàng quần áo và một phần ba số đồ dùng cho trẻ em có xuất xứ từ Quảng Đông (Trung Quốc) có chứa chất formaldehyde (một loại chất tạo xốp, chống nhăn, bảo quản trong vải có thể gây nhiễm trùng da và đường hô hấp, có thể dẫn đến ung thư) đã gây hoang mang cho người tiêu dùng khi dùng sản phẩm quần áo của Trung Quốc, nhất là quần áo trẻ em. Trước thông tin này, người tiêu dùng có những phản ứng khác nhau. Chị Minh An, ngụ tại quận Ninh Kiều, cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu chọn hàng có mẫu mã đẹp thì mua chứ ít khi quan tâm đến xuất xứ, nhưng từ khi có thông tin về quần áo trẻ em nhiễm độc tôi đã ngưng không mua và sử dụng, kể cả các sản phẩm tiêu dùng khác có xuất xứ từ Trung Quốc”.

Bà Vũ Thị Huyền, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Cần Thơ, cho biết: “Trước sự kiện quần áo trẻ em Trung Quốc nhiễm độc, siêu thị đã kiểm soát chặt chẽ hơn ở đầu vào các sản phẩm may mặc, đặc biệt là hàng nhập từ Trung Quốc phải có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (hiện nay mặt hàng quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 30%). Đồng thời, chúng tôi tập trung đưa vào siêu thị các sản phẩm may mặc sản xuất trong nước có chất lượng”.

* KHÔNG PHẢI HÀNG HÓA NÀO CỦA TRUNG QUỐC ĐỀU CÓ GIÁ RẺ

Theo nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em ở TP Cần Thơ, hiện các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc gần như chiếm đa số. Các sản phẩm trò chơi đa dạng chủng loại và giá cả, có món giá lên đến hàng triệu đồng, nhưng cũng có món giá chỉ vài ngàn đồng. Các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc luôn thay đổi mẫu mã, phù hợp với thị hiếu của trẻ nhỏ nên bán rất chạy.

Chúng tôi ghé một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên đường 30 tháng 4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, nhờ người bán tư vấn chỉ cho các loại đồ chơi không có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng chính người bán cũng không phân biệt được: “Thích món nào thì mua chứ hàng đồ chơi trẻ em ở đây và ở đâu cũng toàn là đồ của Trung Quốc”, một người bán hàng nói.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc liên tiếp có những vụ việc bê bối như đồ chơi có sơn nhiễm chì hoặc thiết kế có nhiều thiếu sót (như súng đồ chơi gây tai nạn cho trẻ em); sữa chứa chất melamine, nay lại là quần áo trẻ em chứa chất formaldehyde. Trên thực tế, hiện nay chúng ta chưa có tiêu chuẩn Việt Nam đánh giá mức độ xâm hại, cũng như ngưỡng cho phép của các độc tố như formaldehyde. Ngoài ra, điều đáng lo ngại là hàng Trung Quốc đang được bày bán ở Việt Nam chủ yếu theo con đường nhập lậu, nguồn gốc trôi nổi, nhãn mác rối ren không rõ ràng...

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng có tâm lý lo lắng khi mua và sử dụng các loại hàng thực phẩm có xuất xứ Trung Quốc như: cá biển, trái cây, rau củ. Đến nay, khi nghe thêm thông tin về việc ngay cả những loại hàng xuất xứ từ Trung Quốc mà không phải là hàng thực phẩm (cụ thể là như hàng may mặc bị nhiễm formaldehyde) cũng nhiễm hóa chất độc hại, càng làm cho người tiêu dùng thêm “dị ứng” với hàng Trung Quốc. Chính vì vậy, hiện sức mua các loại trái cây, rau củ có xuất xứ từ Trung Quốc rất chậm. Nhiều người tiêu dùng đang lo ngại các loại trái cây và rau củ Trung Quốc có chứa các chất bảo quản độc hại cho sức khỏe nên tạm thời ngưng sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, tiểu thương bán trái cây ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, quận Ninh Kiều, cho biết: Gần đây, sức mua các loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc như: bom, lê, cam, quýt, lựu, nho... đã giảm tới 50-60% so với cách nay vài tháng (trước thời điểm có thông tin quần áo bị nhiễm formaldehyde). Hiện, tôi đã ngưng không nhập một số loại trái cây như đào, quýt Trung Quốc, chỉ còn bán các loại bom, lê nhưng với số lượng cũng rất hạn chế vì sợ bán ế để lâu hàng bị hư sẽ bị lỗ. Mặt khác, thời điểm này, nhiều loại trái cây nội địa đang vào mùa, có giá rẻ hơn các loại trái cây nhập ngoại nên tôi tập trung bán các loại trái cây nội”.

Bà Trần Lệ Hằng, tiểu thương bán rau củ ở chợ An Nghiệp, quận Ninh Kiều, bộc bạch: “Bây giờ các loại rau củ có xuất xứ từ Trung Quốc bán rất chậm do đa số những người tiêu dùng không biết nó có xuất xứ Trung Quốc mới mua, còn ai đã biết là không dám mua vì sợ ăn bị ngộ độc. Hiện nay, một số loại rau củ của Trung Quốc có mẫu mã đẹp như: bông cải, củ cải, cà-rốt Trung Quốc vẫn được nhiều người tiêu dùng mua, nhưng đa số người mua là chủ các nhà hàng, quán ăn hoặc những người lầm tưởng nó là hàng trong nước khi được người bán giới thiệu là củ cải Đà Lạt được rửa sạch nên bóng đẹp”.

Tại TP Cần Thơ, mặt hàng nho Mỹ hiện có giá 65.000-70.000 đồng/kg, trong khi loại nho tương tự của Trung Quốc giá chỉ 50.000-55.000 đồng/kg. Để dễ bán hàng, không ít tiểu thương bán nho Trung Quốc đã giới thiệu với khách hàng là nho Mỹ. Thấy giá rẻ, nhiều người tiêu dùng đã chọn mua. Tương tự, nhiều người bán các loại quýt, bom, lê, đào có xuất xứ Trung Quốc lại ghi chữ là quýt Thái, bom Nhật, lê Nhật..., trong khi đó đa số người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là hàng của Thái Lan, Nhật, Mỹ hay hàng Trung Quốc (!).

Hiện nay, giá củ cải, cà-rốt Trung Quốc (loại khác với củ cải, cà-rốt Đà Lạt là không có cuống lá, da láng không bị sần sù, màu đỏ đẹp) đang ở mức 12.000 đồng/kg, trong khi cà-rốt Đà Lạt chỉ 10.000 đồng/kg. Không phải loại hàng nào có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đều có giá rẻ hơn hàng trong nước và các loại hàng nhập khẩu cùng chủng loại của các nước khác. Nhưng vì chưa phân biệt được nên nhiều người đã mua hàng Trung Quốc...

NAM HƯƠNG-KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết