07/01/2023 - 11:47

Cần Thơ thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Với sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, việc thực hiện CĐS trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang được quan tâm đẩy mạnh. Nông dân và những người tham gia vào quá trình làm nông được tạo điều kiện để nắm bắt, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, cách làm mới để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hòa nhịp xu thế phát triển.

Quan tâm CĐS

Sử dụng máy bay không người lái để bón phân cho lúa tại huyện Thới Lai.

Sử dụng máy bay không người lái để bón phân cho lúa tại huyện Thới Lai.

Năm qua, sản xuất nông nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố ước đạt mức tăng 2,49% trong năm 2022. Các chỉ tiêu quan trọng của sản xuất nông nghiệp đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa, cây trồng hằng năm, cây ăn trái và nuôi thủy sản, cũng như tổng đàn gia súc gia cầm đều thực hiện đạt vượt từ 1-20%  so với kế hoạch. Năm 2022 đã mở rộng diện tích liên kết theo chuỗi giá trị nông sản tăng thêm 3.000ha đối với lúa và tăng 205ha đối với cây ăn trái, vượt so với kế hoạch. Có trên 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký giới thiệu nông sản trên sàn thương mại điện tử, vượt 5,9 lần so với kế hoạch. Trong năm đã công nhận 51 sản phẩm OCOP (kế hoạch 20-25 sản phẩm), nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố lên 92 sản phẩm, gồm 58 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao...

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phát triển các mô hình hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp thành phố cũng đã tích cực thúc đẩy thực hiện CĐS, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng  công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới cho người dân, nhất là công nghệ cao để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh (sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ) và nông nghiệp tuần hoàn giúp mang lại giá trị cao và bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, ngành đã quan tâm thực hiện các giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội mang lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm qua, Sở đã phối hợp các sở ngành thành phố và đơn vị có liên quan để đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã đưa sản phẩm nông nghiệp lên quảng bá, tiêu thụ trên nhiều sàn thương mại điện tử. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, các hội thảo, tọa đàm về CĐS trong nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp, lực lượng khuyến nông địa phương và người dân về các kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Hỗ trợ và hướng dẫn nông dân sử dụng các thiết bị công nghệ mới trong nông nghiệp như máy bay không người lái, ứng dụng hệ thống phun tưới nước tự động cho cây trồng, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo thông tin và định vị vùng trồng nhằm xây dựng mã số vùng trồng…

Đẩy mạnh thực hiện

Để thực hiện CĐS trong nông nghiệp, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang đẩy mạnh công tác đào tạo và tập huấn về CĐS cho cả nông dân và đội ngũ những người làm công tác quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các cán bộ nông nghiệp ở cơ sở. Đồng thời, quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về CĐS trong nông nghiệp, nông thôn. Quan tâm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ CĐS và chú trọng xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ CĐS, cũng như tạo điều kiện để người dân tiếp cận và ứng dụng.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2023, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục tập trung thực hiện CĐS, quan tâm tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội. Tiếp tục tăng cường công tác  đào tạo và tập huấn để nâng cao các kiến thức, kỹ năng về CĐS và ứng dụng công nghệ số cho tất cả các bên liên quan từ các cán bộ, viên chức ngành Nông nghiệp đến nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp…”.

Bên cạnh việc đã cho ra đời sàn thương mại điện tử “chonongsancantho.vn” để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến, hiện ngành chức năng thành phố cũng đã đưa vào hoạt động Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm  hàng hóa TP Cần Thơ được xây dựng dựa tên nền tảng công nghệ số. Cổng thông tin của Hệ thống có địa chỉ tại trang https://check.cantho.gov.vn/. Đây là những bước khởi đầu quan trọng để vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua nền tảng công nghệ số.

Thông qua các chương trình khuyến nông và tranh thủ sự hỗ trợ từ các viện, trường và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp được Trung ương và các tổ chức quốc tế tài trợ, Cần Thơ cũng từng bước đưa những thiết bị, giải pháp công nghệ mới vào ứng dụng trong nông nghiệp. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thông qua sự phối hợp và hỗ trợ của Đại học Cần Thơ, đơn vị cũng đã đưa vào đồng ruộng 2 thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn tự động (còn gọi là thiết bị IoT: Internet of Things). Thiết bị IoT thu thập tự động và có độ chính xác cao các thông tin khí tượng thủy văn, dữ liệu về đất, nước, tình hình phát triển của lúa… từ đó giúp quản lý dịch bệnh và chăm sóc tốt cho cây trồng.

Chi cục cũng tiếp tục phối hợp với Đại học Cần Thơ để tăng cường đào tạo, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ IOT và viễn thám trong quản lý sản xuất, quản lý dịch hại trên cây trồng cho cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật và nông dân trên địa bàn. Tranh thủ sự hỗ trợ từ dự án “DeRISK SE Asia” do Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Liên minh Đa dạng sinh học Quốc tế, Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) thực hiện. Hiện đơn vị cũng đang tiếp tục phối hợp với các quận, huyện xây dựng bản tin thời tiết nông vụ và phổ biến đến người dân qua nhiều hình thức, trong đó có qua nhóm Zalo và các nền tảng số để giúp nông dân chủ động quản lý dịch hại và ứng phó các điều kiện thời tiết bất lợi để bảo vệ cây trồng.

Chia sẻ bài viết