13/11/2020 - 06:31

Cần Thơ nỗ lực nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường 

Thời gian qua, các dự án, công trình đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải được thành phố quan tâm thực hiện. Qua đó, nhiều dự án, công trình đã xây dựng đưa vào hoạt động và xử lý hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt hằng ngày. Song song đó, ý thức bảo vệ môi trường (BVMT), phân loại rác thải tại nguồn của người dân được nâng lên...

Hiệu quả phân loại rác thải

Nhân viên Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ kiểm tra chất lượng nước rỉ rác sau khi xử lý.

Nhân viên Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ kiểm tra chất lượng nước rỉ rác sau khi xử lý.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, hiện nay, mỗi ngày TP Cần Thơ có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, tỷ lệ thu gom đạt từ 85-90% lượng rác thải hằng ngày. Phần còn lại người dân tự chôn lấp hoặc đốt rác... Lượng rác trên phần lớn được vận chuyển đến Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) và nhà máy xử lý rác tại quận Ô Môn, Cờ Đỏ và lò đốt rác tại quận Thốt Nốt. Các cơ sở này trong quá trình hoạt động phải đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị xung quanh...

Sở Xây dựng TP Cần Thơ cũng đã phối hợp cùng các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy triển khai kế hoạch thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Theo đó, các địa phương trên thu gom, phân loại rác thí điểm tại các phường Lê Bình (quận Cái Răng), phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) và tất cả các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều. Rác thải sinh hoạt phân loại theo tiêu chí: phân loại chất thải rắn sinh hoạt không đốt được (kim loại, rác xây dựng, thủy tinh, gốm sứ...), chất thải rắn nguy hại (pin, thiết bị điện tử, bóng đèn, bình ga, bình ắc-quy...), chất thải rắn sinh hoạt đốt được (loại trừ thành phần rác không đốt được và chất thải rắn nguy hại nêu trên) phát sinh từ quá trình sinh hoạt của người dân. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyến đến khu xử lý của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ; chất thải rắn sinh hoạt không đốt được thu gom hằng ngày và vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn quận Ô Môn; chất thải rắn nguy hại được thực hiện phân loại và xử lý riêng tại khu xử lý chất thải rắn của nhà máy ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai...

Ông Nguyễn Thanh Bình, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Việc phân loại rác thải sinh hoạt theo tiêu chuẩn trên, gia đình tôi cũng như người dân trong phường thực hiện khá thành thạo và nghiêm túc. Đây là việc làm góp phần BVMT, xử lý rác theo tiêu chuẩn. Gia đình tôi tiếp tục thực hiện trong thời gian tới và vận động, hướng dẫn người thân cùng thực hiện”.

Hội thảo về mô hình thí điểm phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại TP Cần Thơ vừa được Chi cục BVMT (thuộc Sở TN&MT TP Cần Thơ) tổ chức cũng đánh giá cao hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn. Các đại biểu dự hội thảo là đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố; đoàn chuyên gia nghiên cứu của JICA (Nhật Bản); đại diện Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ TN&MT) cũng cho rằng việc phân loại rác thải tại nguồn đã góp phần nâng cao ý thức của người dân về việc BVMT, đảm bảo chất thải rắn sinh hoạt trước khi thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Việc nhân rộng mô hình phân loại rác thải trên toàn thành phố từ năm 2019 đến nay đã góp phần đem lại hiệu quả hoạt động của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ…

Phát huy hiệu quả

Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, bên cạnh những tiện lợi từ việc phân loại rác thải tại nguồn cũng gặp một số khó khăn, như: ở một số địa phương việc phân loại chất thải rắn chưa triệt để; việc thu gom, vận chuyển, xử lý các chất thải rắn không đốt được, chất thải rắn nguy hại chưa tốt, còn lẫn lộn… Nhiều chuyên gia cũng đưa ra phương án phân loại rác thải theo tiêu chuẩn: đốt được, không đốt được, chất thải nguy hại và chất thải tái chế. Đoàn chuyên gia nghiên cứu của JICA cũng giới thiệu hệ thống thu phí theo lượng xả thải cho mô hình phân loại và thu gom rác thải tại Nhật Bản; Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường giới thiệu về vấn đề áp dụng thu phí theo lượng phát thải theo dự thảo Luật BVMT… Sở TN&MT TP Cần Thơ đánh giá cao công tác phân loại rác thải tại nguồn của các địa phương trong thời gian qua; ghi nhận những đóng góp về kinh nghiệm thu gom, phân loại, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt của các đại biểu tham gia hội thảo; đồng thời cho rằng đây là những ý kiến đóng góp hay để đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và giải quyết những khó khăn tồn tại, những vấn đề còn lúng túng trong công tác quản lý, phân loại rác thải tại nguồn.

Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động từ ngày 15-10-2018, diện tích 5,3ha, lượng rác trung bình tiếp nhận mỗi ngày hơn 453 tấn (chiếm khoảng 70% lượng rác sinh hoạt thải ra hằng ngày của TP Cần Thơ). Đến nay, nhà máy đã hoàn thành 5 công trình BVMT, gồm: công trình thu gom và xử lý nước thải; công trình xử lý bụi, khí thải; công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường; công trình và thiết bị lưu giữ chất thải nguy hại và các công trình, biện pháp BVMT khác. Trong đó, đối với việc xử lý nước rỉ rác, nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý với công suất 200m3/ngày, đêm. Nước rỉ rác sau khi xử lý đạt quy chuẩn được tái sử dụng cho hoạt động của nhà máy, không thải ra môi trường. Tro xỉ còn lại sau quá trình đốt rác được sơ chế, xử lý tại khu vực lưu chứa của nhà máy và sẽ được chuyển giao cho đơn vị chức năng xử lý hoặc sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng (đối với tro xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định)…

Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ cũng được xác nhận hoàn thành chương trình quan trắc môi trường gồm giám sát chất lượng nước thải định kỳ, giám sát khí thải và giám sát bùn thải từ hệ thống xử lý nước rỉ rác. Bộ TN&MT cũng yêu cầu đơn vị quản lý tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT, thường xuyên vận hành và lập nhật ký vận hành các công trình nêu trên. Thực hiện chương trình quan trắc môi trường và báo cáo công tác BVMT định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ (chủ đầu tư) sẽ tiếp tục xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ trở thành dự án trọng điểm trong mô hình đô thị xanh ở khu vực ĐBSCL; hợp tác xử lý rác đã qua chôn lấp ở bãi rác lộ thiên trên địa bàn, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường thành phố thêm sáng, xanh, sạch, đẹp…

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, nhận định: “Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đưa vào hoạt động, khai thác hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết, xử lý rác thải, BVMT tại TP Cần Thơ. Hoạt động phân loại rác thải, thu gom, vận chuyển rác cần thực hiện theo yêu cầu, nhằm đảm bảo hiệu quả xử lý rác thải của nhà máy. Bên cạnh đó, nhà máy cũng phải nghiêm túc thực hiện các quy định về BVMT của pháp luật Việt Nam”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết