14/11/2008 - 20:12

Cần Thơ mời gọi đầu tư...

TP Cần Thơ trên đường phát triển.

Bộ mặt đô thị TP Cần Thơ sau gần 5 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã có những bước phát triển tích cực. Nhiều công trình giao thông, nhiều khu dân cư đô thị mới đang hình thành, đặc biệt các công trình trọng điểm như: Cảng Cái Cui đã hoạt động, Sân bay Cần Thơ, cầu Cần Thơ, đường Nam sông Hậu... đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây có thể xem là “phần cứng” để TP Cần Thơ chủ động mời gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư phát triển trên vùng đất Tây Đô...

SẴN SÀNG MỜI GỌI ĐẦU TƯ

Từ ngày TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương đến nay, có thể nói Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ tổ chức lần này được xem là một trong những hội nghị lớn nhất về xúc tiến đầu tư (diễn ra từ ngày 15-16/11/2008). Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ là hoạt động thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hội nghị sẽ giới thiệu những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cung cấp các dự án đầu tư trọng điểm cần triển khai nhanh tới các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tiềm năng về tài chính...”.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm trong tiểu vùng sông Mêkông gồm 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của ĐBSCL về phía Tây sông Hậu nối với đường biển quốc tế theo luồng Định An và cách biển 75 km. TP Cần Thơ gồm có 4 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn) và 4 huyện (Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt), quận Ninh Kiều là trung tâm thành phố.

Những năm gần đây, TP Cần Thơ được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, tạo điều kiện cho hợp tác đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ. Hệ thống giao thông thủy bộ, sân bay, bến cảng, các khu công nghiệp - chế xuất, các dịch vụ bưu chính viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, cấp điện, cấp thoát nước và nhiều khu đô thị mới đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện...

Về giao thông, TP Cần Thơ là nơi hội tụ và là đầu mối giao thông huyết mạch bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không của vùng ĐBSCL. Trên địa bàn thành phố có 5 tuyến quốc lộ đi qua, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn thông suốt giữa thành phố và các tỉnh trong vùng. Đến năm 2010 cầu Cần Thơ hoàn thành sẽ nối liền trục giao thông bộ quan trọng giữa TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Cảng Cần Thơ và Cảng biển quốc tế Cái Cui có thể tiếp nhận tàu 10.000 tấn đến 20.000 tấn. Công suất hàng hóa thông qua cảng khoảng 4,5 triệu tấn/năm, phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng và xuất khẩu nông, thủy, hải sản của ĐBSCL. Sân bay Cần Thơ cuối năm 2008 này sẽ đưa vào khai thác thương mại... Lĩnh vực phát triển công nghiệp cũng đã hình thành các khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Trà Nóc 1 & 2, Khu công nghiệp Hưng Phú 1 & 2, Khu CN Thốt Nốt 1 & 2. Đặc biệt, lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch, khoa học - công nghệ, bưu chính viễn thông, giáo dục - đào tạo, tài chính - ngân hàng đang phát triển nhanh nhất so với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL...

NHIỀU CƠ HỘI CHO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ do Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, UBND TP Cần Thơ chủ trì và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức và tài trợ chính. Trên 150 tổ chức, nhà đầu tư nhận lời mời tham dự để gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Trong đó, có 25 tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty tham dự và dự kiến sẽ tiến hành triển khai nhiều dự án lớn tại Cần Thơ sau hội nghị này.

Ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ sẽ tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa các tập đoàn kinh tế Nhà nước với TP Cần Thơ về các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, để các tập đoàn kinh tế thể hiện vai trò, trách nhiệm tham gia hỗ trợ TP Cần Thơ thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm vùng ĐBSCL. Qua đây, các tập đoàn kinh tế sẽ ký kết hợp tác đầu tư những dự án qui mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển cả vùng ĐBSCL...”.

Các lĩnh vực TP Cần Thơ ưu tiên mời gọi đầu tư: Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao - Trung tâm Giống nông nghiệp; các dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất giống cây con nông nghiệp, nuôi trồng, sản xuất sinh vật cảnh và lập khu sinh vật cảnh. Nhân giống, phục hồi và xây dựng vườn cây ăn quả đặc sản và kết hợp du lịch sinh thái. Xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường. Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề và các khu du lịch sinh thái. Sản xuất lắp ráp động cơ máy công cụ, phụ tùng cơ khí, sản xuất lắp ráp xe tải nhẹ phục vụ nông nghiệp, lắp ráp ô tô, đóng tàu thủy. Sản xuất thiết bị phục vụ ngành dệt, dệt may xuất khẩu. Chế tạo, lắp ráp điện tử; ứng dụng công nghệ mới để sản xuất thiết bị thông tin, viễn thông. Xây dựng chung cư cao tầng. Xây dựng bệnh viện, trường học các cấp, trường dạy nghề. Sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới...

Để chuẩn bị cho hội nghị này, đầu tháng 11-2008, lãnh đạo TP Cần Thơ có nhiều cuộc họp trao đổi với các tập đoàn, tổng công ty và lãnh đạo Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương tại Hà Nội và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đã có một số dự án đầu tiên được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ thành công sẽ thúc đẩy phát triển nhanh chóng TP Cần Thơ trong thời gian tới...

Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM

NHỮNG DỰ ÁN ĐƯỢC CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY QUAN TÂM ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

- Công ty cổ phần Đường cao tốc: Dự án đường cao tốc.

- Tổng Công ty hóa chất, tập đoàn dầu khí Việt Nam: Dự án Nhà máy sản xuất phân bón.

- Tổng Công ty Lilama và Cenco 5: Dự án Nhà máy xử lý nước thải.

- Tổng Công ty Lilama: Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện, dây cáp điện.

- Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: Dự án mở rộng Cảng Cái Cui.

- Công ty FPT: Dự án Khu công nghệ cao.

- Vinashin, Lilama, Tập đoàn dầu khí Việt Nam: Dự án đầu tư Trường dạy nghề.

- Công ty DotVN - USA: Dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ dữ liệu internet.

- Ngân hàng Đông Á và Công ty Việt Tín: Dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp; Trung tâm Giao dịch tài chính; Trung tâm đào tạo nhân lực tài chính ngân hàng.

- Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế: Dự án trung tâm đào tạo nghề xuất khẩu lao động.

- Tập đoàn Jaks Resourcer Berhad - Malaysia: Dự án Trung tâm Nghiên cứu phục vụ nông nghiệp và Công nghệ cao.

- Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông.

- Tập đoàn Tân Tạo: Dự án xây dựng tổ hợp khu công nghiệp dịch vụ Thốt Nốt; khu công nghiệp cao Ô Môn; khu cao ốc văn phòng; dự án du lịch và dịch vụ, vui chơi giải trí, nhà hàng cao cấp trên các cù lao...

Chia sẻ bài viết