05/11/2014 - 21:02

Cần Thơ mang bản sắc Nam bộ đến xứ sở “ngàn hoa”

Là một trong hai đại diện của ĐBSCL (cùng với An Giang) tham gia Liên hoan Diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc và trình diễn trang phục diễn ra tại TP Đà Lạt, đoàn Cần Thơ chọn tái hiện Lễ hội Kỳ Yên bằng nghệ thuật sân khấu hóa. Các nghi thức của Lễ Kỳ Yên được diễn toát lên không khí thiêng liêng mà rộn ràng: “Xóm làng tưng bừng reo vui đón sắc vua ban cho đình lập làng mở hội…”.

Chương trình mở đầu bằng nghi thức “khai thinh” với minh chinh (chiêng lớn) – tượng trưng cho tiếng nói của Thần; đại cổ (trống lớn) – tượng trưng cho lệnh vua ban; và thái bình thanh (mõ lớn) – tiếng nói của dân làng. Sự hòa âm ấy tạo nên không khí tưng bừng, mời gọi dân làng về đình vui hội. Học trò lễ trong những trang phục trang nghiêm, tôn kính bước bộ, bỏ bộ dâng đèn, hương, hoa, lễ vật lên Thành hoàng bổn cảnh. Những nghi lễ: Túc yết, Đàn cả tiền hiền, hậu hiền, Xây chầu, Đại bội, Tôn vương… được thể hiện nối tiếp. Ông Chánh bái đình làng bước ra đọc chúc nguyện: “Đức Thành hoàng bổn cảnh. Nam phụ lão ấu khấn nguyện Đức Thành hoàng bổn cảnh gia hộ. Phong điều - vũ thuận, quốc thới - dân an, sĩ nông công thương phát đạt. Cẩn báo…”.

Múa dâng đèn – khai đăng trong chương trình diễn xướng Lễ hội Kỳ Yên của đoàn Cần Thơ. 

Sau phần lễ là phần hội với Vũ khúc âm dương, Tứ trụ Thiên vương, Ngũ hành, Chúc phúc… Đó là những điệu múa truyền thống trong các kỳ Lễ hội Kỳ yên, mang đậm dấu ấn Triết học phương Đông, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; quốc thái dân an; nhắc nhở nhau tôn kính nguồn cội…

Chỉ trong vòng 30 phút, một Lễ hội Kỳ Yên đậm sắc màu văn hóa đã được tái hiện công phu. Ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, đạo diễn chương trình, cho biết: kịch bản Lễ hội do NSND Đặng Hùng viết cách đây hơn chục năm, từng được dàn dựng cho Khu du lịch Bình Quới (TP Hồ Chí Minh) phục vụ khách du lịch. Kịch bản đã được cố nhà văn Sơn Nam, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang cố vấn phong tục, nghi thức. Tuy nhiên, chương trình này tại Khu du lịch Bình Quới đã ngừng biểu diễn. Lần tái hiện này, NSND Đặng Hùng đã viết lại tinh gọn, nhẹ nhàng nhưng vẫn đầy đủ các nghi thức và cố vấn dàn dựng các điệu múa dân gian.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Cần Thơ tái hiện Lễ hội Kỳ Yên bằng nghệ thuật sân khấu hóa, vừa phải đảm bảo đúng các nghi thức, truyền thống vừa hấp dẫn người xem. Cái khó khi dựng chương trình là nhiều nghệ nhân còn trẻ, tập luyện vất vả vì đó vốn là công việc của các vị cao niên trong làng. Ông Huỳnh Nhật Danh cho biết thêm, lần trình diễn này chú trọng yếu tố diễn xướng nên việc cách điệu các vũ khúc, điệu múa hay dâng lễ vật vừa phải, không làm biến chất lễ hội nhưng vẫn tạo được sự hài hòa trong các tiết mục. Các vũ khúc dân gian đòi hỏi làm toát lên “khí chất” của một nghệ nhân dân gian múa ở đình làng. Nghệ nhân Lê Lan Chi cho biết: “Tôi đảm nhận vai nữ thần mặt trăng trong “Vũ khúc âm dương”. Động tác, vũ đạo không khó nhưng phải toát lên cái thần trong nét mặt và cách giao lưu với bạn diễn gần gũi, tự nhiên”.

Ông Huỳnh Nhật Danh nói: “Chúng tôi chọn Lễ hội Kỳ Yên mong giới thiệu sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần, tấm lòng thảo kính, biết ơn tiền nhân của người Việt ở Nam bộ”. Hiện gần 40 nghệ nhân tham gia Liên hoan đã thuần thục các động tác, phân đoạn, sẵn sàng giới thiệu lễ hội đến xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.

* * *

Âm nhạc, ánh sáng và tiếng trống chiêng cứ như hòa quyện vào nhau đến cuối chương trình. Lễ hội Kỳ Yên kết thúc bằng hình ảnh những đôi trai gái, dân làng bịn rịn chia tay ra về, hẹn gặp lại ở mùa Kỳ Yên tới. Có thể nói, chương trình đã thể hiện được khát vọng đất nước hòa bình, làng xóm yên vui với lời mời chân tình như trong câu ca dao:

“Dù cho xuống biển lên ngàn

Tới ngày Lễ hội Cầu An thì về”.

ĐĂNG HUỲNH

Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc và trình diễn trang phục dân tộc năm 2014 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng từ ngày 7 - 9/11. Dự kiến, Liên hoan có 38 đoàn thuộc 6 khu vực trong cả nước đăng ký tham gia gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Trung du Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Liên hoan gồm hai phần biểu diễn chính: Phần diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc (trình diễn các tích, trò dân gian, các loại hình dân ca… tiêu biểu của từng vùng miền) và phần trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc trong cả nước.

Ngoài Lễ hội Kỳ Yên, Cần Thơ còn tham gia trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ.

Chia sẻ bài viết