18/04/2009 - 21:17

Cần Thơ không "mặn mà" với Đại hội TDTT toàn quốc 2010?

Tại Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc 2006, đoàn VĐV TP Cần Thơ xếp thứ 6 khu vực ĐBSCL với 6 HCV – xếp dưới cả Sóc Trăng, Bến Tre...

Chỉ còn 9 tháng, Đại hội TDTT toàn quốc lần VI 2010 sẽ diễn ra những nội dung thi đấu đầu tiên của giai đoạn một, nhưng TDTT Cần Thơ hầu như vẫn “bình chân như vại” trong khi một số môn thế mạnh đang “rơi rụng” dần...

Đến nay, việc đội tuyển đua thuyền truyền thống nam Cần Thơ đoạt 2 HCV Đại hội TDTT toàn quốc 2006 được xem là kỳ tích, chiếm 1/3 số HCV của cả đoàn TDTT Cần Thơ. Tiếp đó, đội còn giành 2 HCV ở giải vô địch đua thuyền truyền thống quốc gia 2007, 2 HCV ở giải tiếp theo năm 2008... Dù đã được khẳng định vị trí thế mạnh, nhưng thực ra đội đua thuyền truyền thống của Cần Thơ chỉ là đội phong trào, bởi cơ bản là “đôn” từ đội đua thuyền truyền thống xã Trung An (Cờ Đỏ). Các VĐV quanh năm làm ruộng, làm mướn, buôn bán... và lấy đua thuyền để giải trí. Mỗi mùa giải, đội chỉ được ngành TDTT Cần Thơ hỗ trợ kinh phí tập luyện khoảng một tháng. Thế nhưng, sau giải vô địch quốc gia 2008, đội đã giải tán vì không được quan tâm đúng mức. Mới đây, đội đua thuyền đã được tập trung trở lại để dự giải đua thuyền truyền thống ĐBSCL và Giải Vô địch quốc gia 2009 để rồi sau đó sẽ phải giải tán vì thiếu kinh phí...Với kiểu đầu tư “mùa vụ” như thế, khả năng giành HCV ở Đại hội TDTT 2010 của đội đua thuyền truyền thống Cần Thơ có thể đoạt được?

 “Niềm hy vọng vàng” kỳ thủ Phạm Lê Thảo Nguyên phải bỏ nhiều giải đấu quan trọng trong năm 2009 vì thiếu kinh phí. Ảnh: l.h.g

Cua-rơ Đặng Trung Hiếu từng giành được hai chiếc HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc 2006. Bốn năm trước, Trung Hiếu đã đạt điểm rơi phong độ tuyệt vời, nhưng cũng không thể không kể đến dịp may các cua-rơ mạnh của Đồng Tháp, An Giang, TP HCM... “kèn cựa” nhau, tạo khoảng trống cho “kỵ sĩ Tây Đô” bứt phá. Hiện nay, Trung Hiếu đã qua thời đỉnh cao và đang tập trung học Đại học TDTT. Trong khi đó, các tay đua Văn Động, Anh Khoa... dường như chưa đủ “lực” để thay thế Trung Hiếu. Xem ra hy vọng “vàng” ở môn xe đạp từng là thế mạnh của Cần Thơ sẽ rất mong manh.

Trong hai chiếc HCV còn lại của đoàn Cần Thơ đoạt được 4 năm trước thì võ sĩ Trần Công Tạo không còn thi đấu trong khi VĐV điền kinh Nguyễn Thị Thu Cúc cũng đã qua thời “nữ hoàng”. Dù vậy, với đẳng cấp, kinh nghiệm, Thu Cúc đủ khả năng mang về chiếc HCV 7 môn phối hợp, nhưng có lẽ sẽ không dễ dàng trước sự cạnh tranh quyết liệt từ những VĐV trẻ của Quân đội.

Vovinam là môn mang lại cho TDTT Cần Thơ nhiều HCV quốc gia nhất trong năm 2008 với 4 chiếc HCV ở Giải vô địch Vovinam quốc gia 2008 của Trần Thị Cơi (hạng 43 kg đối kháng nữ), Phạm Văn Thắng (đơn luyện tay không nam), Nguyễn Thị Cẩm Thùy (đơn luyện tay không nữ), Nguyễn Trung Tính và Lê Toàn Trung (song luyện vật). Các VĐV này tiếp tục là niềm hy vọng “vàng” của Cần Thơ ở Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Tuy nhiên, thi đấu ở Đại hội TDTT toàn quốc khó khăn, quyết liệt hơn nhiều so với Giải vô địch quốc gia. Sau giải vô địch quốc gia 2008, nhiều đơn vị đã khẩn trương đầu tư, tăng cường tập huấn...chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc trong khi Vovinam Cần Thơ chưa động tĩnh gì. Trong tình thế đó, ông Võ Hữu Lý, HLV trưởng đội tuyển Vovinam Cần Thơ nói: giành được 1 HCV ở đại hội TDTT toàn quốc sắp tới đã là thành công lớn.

Cờ vua cũng là một môn có thể mang “vàng” về cho Cần Thơ. Sau khi lần đầu tiên đăng quang ở Giải vô địch cờ vua hạng nhất quốc gia 2008, nữ kỳ thủ Phạm Lê Thảo Nguyên rất được kỳ vọng. Thế nhưng, năm 2009, nữ kỳ thủ này hầu như không có nhiều thời gian tập luyện bởi phải dồn sức tốt nghiệp đại học. Cô còn không tham dự giải Vô địch cờ vua hạng nhất quốc gia 2009. Kỳ thủ nam Nguyễn Đức Hòa cũng có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng xem ra chưa đủ sức để cạnh tranh ngôi cao nhất với các đàn anh như: Thiên Hải, Anh Dũng...

* * *

Mặc dù quyết định về chế độ mới đối với VĐV do UBND TP Cần Thơ ban hành đã có hiệu lực từ tháng 3-2009, thế nhưng hiện nay, các VĐV Cần Thơ vẫn hưởng mức bồi dưỡng cũ. Ông Đỗ Minh Trưởng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Cần Thơ, nói rằng: “Do kinh phí hoạt động hằng năm cấp cho ngành TDTT có hạn, nên chúng tôi chưa thể áp dụng tăng tiền bồi dưỡng cho VĐV theo quyết định mới của UBND TP Cần Thơ (!)”. Các VĐV đội tuyển Cần Thơ hiện tiếp tục nhận mức tiền ăn 35 ngàn đồng/ngày/người. Được biết nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã nâng tiền ăn cho VĐV đội tuyển lên 45 ngàn/người/ngày từ năm 2008. Với số tiền 35 ngàn đồng/ngày, một người bình thường chắt chiu lắm cũng mới đủ sinh hoạt còn các VĐV phải tiêu hao rất nhiều năng lượng khi tập luyện và thi đấu thì làm sao đảm bảo thể lực?!

Đến nay, việc chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc 2010 của ngành TDTT Cần Thơ hầu như chưa có gì ngoài việc tổ chức Đại hội TDTT cấp xã, phường, quận huyện rồi cấp thành phố. Thực tế như vậy, rất khó bổ sung những nhân tố mới có thể mang về những chiếc HCV cho Cần Thơ khi mà Đại hội TDTT toàn quốc 2010 đã cận kề. Được biết phải đến tháng 6-2009, Sở VHTT&DL Cần Thơ mới trình Hội đồng Nhân dân thông qua kinh phí chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc và nhanh nhất thì phải đến đầu năm 2010 kinh phí này mới khởi động được. Như thế, các đội tuyển của Cần Thơ chỉ có vài tháng tập huấn, chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc 2010 bắt đầu khai diễn vào tháng 3-2010.

Nếu như cứ tiếp tục kiểu làm thể thao “nước đến chân mới nhảy” thì xem ra nguy cơ “thất bát” của TDTT Cần Thơ ở Đại hội TDTT toàn quốc 2010 sẽ là điều khó tránh khỏi.

LAM HẬU GIANG

Chia sẻ bài viết