07/01/2020 - 08:23

Cần Thơ đang trong thời kỳ “dân số vàng” 

Mới đây, Cục Thống kê TP Cần Thơ công bố kết quả chính thức Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (gọi tắt là Tổng điều tra 2019) của thành phố. Qua đó cho thấy bức tranh về dân số, đô thị hóa, nhà ở, giáo dục... là cơ sở quan trọng để thành phố phân tích, đánh giá đưa ra những chính sách, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Cần Thơ đang trong thời kỳ “dân số vàng” là cơ hội tận dụng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bức tranh tổng thể

Theo kết quả điều tra, tổng dân số của TP Cần Thơ vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019 là 1.235.171 người; trong đó dân số nữ là 622.628 người, chiếm tỷ lệ 50,41%. Với kết quả này, TP Cần Thơ đứng thứ 6/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Cần Thơ không thay đổi nhiều, với tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,39%. Bên cạnh đó, từ tỷ lệ giới tính cho thấy nhận thức, tư duy của người dân không còn nặng nề về yêu thích con trai, lựa chọn giới tính.

Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp, cũng như nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL, dân số TP Cần Thơ có sự dịch chuyển từ nông thôn về thành thị và từ miền Tây Nam bộ về miền Đông Nam bộ. Giai đoạn 2009-2019, dân số khu vực thành thị tăng 77.271 người, trong khi đó dân số ở khu vực nông thôn giảm 30.535 người. Điều này cho thấy tiến trình đô thị hóa ở TP Cần Thơ diễn ra nhanh hơn ở cấp độ vùng và toàn quốc. Qua kết quả điều tra, dân số tập trung ở khu vực thành thị là 860.393 người, chiếm 69,66%; nông thôn chiếm 30,34%. Ninh Kiều đông dân số nhất với 280.494 người và huyện Vĩnh Thạnh có dân số ít nhất là 98.399 người. TP Cần Thơ có mật độ dân số 858 người/km2, cao gấp 3 lần mật độ dân số toàn quốc và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành cả nước. Ở khu vực thành thị, dân số vẫn tập trung chủ yếu tại quận Ninh Kiều với 9.596 người/km2, tăng 1.256 người/km2 so năm 2009. Tuy nhiên, quận Ô Môn giảm 8 người/km2 và Thốt Nốt giảm 24 người/km2. Ở khu vực nông thôn, dân số các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai đều giảm.

Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 99,9%, gần như cao nhất nước. Tuổi thọ trung bình qua điều tra năm 2019 của người dân Cần Thơ là 75,9 tuổi. Kết quả này phần nào cho thấy thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển của kinh tế - xã hội góp phần tăng tuổi thọ. Tổng điều tra 2019 đã cung cấp một bức tranh khái quát về tình hình giáo dục, thành phố đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, 96,4% dân số 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết, tăng 2,3 điểm phần trăm so năm 2009. Nhờ chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ nên sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa khu vực thành thị (97,3%) và nông thôn (94,4%) là rất thấp.

Tính đến 0 giờ ngày 1-4-2019, toàn thành phố có 359.375 hộ dân, tăng 68.966 hộ so năm 2009. Số lượng tăng này chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, tăng đến 63.946 hộ. Cùng với đó, quy mô của hộ 1 người tăng vọt đến 42.688 hộ và hộ 2 người là 34.370 hộ; các nhóm hộ từ 3 người trở lên không có sự khác biệt nhiều. Quy mô hộ 1-3 người chủ yếu ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng - đây cũng là các địa phương có nhiều khu nhà trọ.

Theo kết quả điều tra, tỷ lệ nhà ở kiên cố của thành phố là 89,4% và các quận có tỷ lệ nhà kiên cố cao tập trung ở Ninh Kiều 100%, Bình Thủy 97,5%, Cái Răng 96,2%. Trong khi đó, tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và đơn sơ ở thành thị chiếm 4,2% và nông thôn là 27%. Đặc biệt, ở TP Cần Thơ 100% hộ dân đều có nhà ở (bao gồm hộ có nhà riêng và nhà thuê). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 22,5m2/người và không có nhiều khác biệt ở khu vực thành thị (22,4m2/người, tăng 17,9m2/người so 2009) và nông thôn (22,6m2/người, tăng 16,2m2/người so năm 2009)…

Và những vấn đề đặt ra

Theo kết quả Tổng điều tra 2019, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi của thành phố chiếm 72,31%, giảm 0,29% so với 10 năm trước, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi là 20,05% và tỷ trọng dân số 65 tuổi trở lên là 7,64%. Như vậy, Cần Thơ đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (được hiểu là số người trong độ tuổi lao động tăng gấp 2 lần số người phụ thuộc), với 2,6 người trong tuổi lao động lo cho một người phụ thuộc. Đây chính là cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực.

Đánh giá về kết quả Tổng điều tra 2019, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết: Kết quả Tổng điều tra 2019 cho thấy, trải qua 10 năm quy mô dân số của thành phố tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh. Sức khỏe của người dân, đặc biệt là bà mẹ và trẻ em được tăng cường; tuổi thọ người dân tăng cao; tỷ lệ người khuyết tật giảm. Nhà ở và điều kiện sống của các hộ dân cư cải thiện rõ rệt…

Mặc dù cơ cấu dân số vàng tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cần giải quyết. Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, vấn đề nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, kết nối cung cầu thị trường lao động, giảm bớt áp lực về thiếu việc làm, trật tự, an ninh xã hội cần tiếp tục được quan tâm. Ngoài ra, để đảm bảo mức sinh thay thế và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động, thành phố cần tuyên truyền và ban hành các chính sách về duy trì mức sinh thay thế.

Cần Thơ đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, nhưng đồng thời cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số khi chỉ số già hóa năm 2019 là 59,72% (toàn quốc là 48,8%), tăng đến 24,01 điểm phần trăm so năm 2009. Theo kết quả Tổng điều tra 2019, TP Cần Thơ năm trong nhóm 5 địa phương có tổng tỷ suất sinh thấp nhất, với 1,66 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế khá nhiều. Trong khi đó, ĐBSCL là 1,8 con/phụ nữ và toàn quốc là 2.09 con/phụ nữ. Vì vậy, chủ động duy trì mức sinh hợp lý là vấn đề được đặt ra trong công tác dân số của thành phố thời gian tới. Từ đó, Cần Thơ sẽ có được một quy mô dân số phù hợp, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các độ tuổi; duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” và làm chậm quá trình “già hóa dân số”...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết