12/08/2018 - 06:36

Can thiệp mạch não, cứu sống bệnh nhân nữ 40 tuổi đột quỵ 

(CT) - Sáng 10-8, bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa điều trị thành công một bệnh nhân đột quỵ do tắc động mạch thân nền.


Bác sĩ thực hiện can thiệp mạch não.

Hơn 21 giờ ngày 6-8,  khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân nữ P.T.N, sinh năm 1978, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vào viện với tình trạng hôn mê, HA 160/90 mmHg. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị N. bị đột quỵ não cấp và thực hiện nhanh các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính sọ não, thực hiện tiêm thuốc thông mạch sau 15 phút tới bệnh viện. Các bác sĩ đã quyết định sử dụng kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nội mạch để điều trị cho bệnh nhân. Ê-kíp can thiệp nội mạch gồm bác sĩ Hà Tấn Đức, bác sĩ Trần Công Khánh cùng các thầy thuốc khác đã tái thông mạch não hoàn toàn cho bệnh nhân chỉ sau 1 giờ 30 phút (tính từ lúc bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên). Sau thủ thuật, chị N. đã có thể nói chuyện được, tay chân đã phục hồi vận động.

Theo bác sĩ Ông Văn Mỹ, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Phó Trưởng đơn vị Can thiệp mạch não, bệnh nhân đột quỵ não do tắc động mạch thân nền không điều trị kịp thời có tỷ lệ tử vong 75 - 80%; bệnh nhân còn sống bị di chứng tàn phế, liệt tứ chi, sống thực vật. Đột quỵ là căn bệnh phổ biến, bất ngờ và gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu hậu quả. Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội rất cao phục hồi chất lượng cuộc sống như trước. Thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh. 3 giờ đầu có thể coi là thời gian “kim cương”. Với đột quỵ, mỗi giây đều quý, nghĩa là dù cùng được chữa trị trong thời gian vàng nhưng người sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn. Bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên để đưa đi cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Hà Tấn Đức, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch não cho biết, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, nên: không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ động vật, tăng cường rau xanh, trái cây. Bên cạnh đó, cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời.

Hiện nay, Đơn vị Can thiệp mạch não, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện thường quy kỹ thuật tái thông mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết và kỹ thuật can thiệp trong lòng mạch não lấy huyết khối, cứu sống, trả lại cuộc sống bình thường cho nhiều bệnh nhân.

H.HOA

Chia sẻ bài viết