15/08/2011 - 21:30

Cần tập trung bình ổn giá phân bón

Trước nhu cầu nông dân cần phân bón phục vụ sản xuất lúa thu đông 2011 tăng, giá nhiều loại phân bón trên thị trường có xu hướng tăng cao. Trong đó, có nhiều loại đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và đang ở mức cao kỷ lục…

Giá phân bón tăng cao kỷ lục

Người tiêu dùng không khỏi lo lắng khi giá phân bón tăng.  

Đầu năm đến nay, giá phân bón dù có những lúc bình ổn và giảm, nhưng xu hướng tăng giá dường như vẫn chiếm ưu thế. Giá phân bón “leo thang” và đạt mức giá khá cao vào tháng 3. Khoảng một tháng rưỡi sau đó, giá phân bón có xu hướng giảm trở lại nhưng chưa tương xứng với mức giá tăng trước đó thì từ giữa tháng 5 giá phân bón lại tiếp tục tăng.

So với cách nay 1 tháng, hiện giá nhiều loại phân bón như: Urê, DAP, NPK... đã tăng thêm khoảng 10.000-15.000 đồng/bao/50kg. Như vậy, từ tháng 5-2011 đến nay, giá nhiều loại phân bón đã tăng tổng cộng khoảng 20.000-70.000 đồng/bao. Trong đó, giá tăng nhiều là phân Urê và DAP. Ngày 11-8-2011, giá bán lẻ phân Urê (Trung Quốc, Phú Mỹ, Indonesia...) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trong thành phố ở mức 520.000-540.000 đồng/bao; phân DAP (Trung Quốc, Mỹ, Philippines...) từ 740.000-825.000 đồng/bao; phân NPK 20-20-15 (Đầu Trâu, Cò Bay, Cò Vàng...) từ 660.000-730.000 đồng/bao, Kali (Canada) giá 620.000-630.000 đồng/bao...

Hiện nay, nhiều loại phân bón đã đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Đơn cử, giá phân Urê (Trung Quốc, Phú Mỹ) hiện đã tăng cao hơn nhiều so với mức giá 420.000- 430.000 đồng/bao vào hồi đầu năm 2011. Tương tự, giá nhiều loại phân DAP hiện cũng đã tăng trên 100.000 đồng/bao so với hồi đầu năm. Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, giá một số loại phân bón (như Urê) đã tăng gần gấp đôi. Theo giới kinh doanh phân bón tại TP Cần Thơ, vào thời điểm này năm ngoái giá Urê Phú Mỹ và nhiều loại Urê của Trung Quốc chỉ khoảng 290.000-300.000 đồng/bao, nhưng hiện giá bán buôn Urê Phú Mỹ đã ở mức 525.000 đồng/bao, Urê Trung Quốc 495.000 đồng/bao. Đáng chú ý, nếu các năm trước đây giá phân Urê (Phú Mỹ) do Việt Nam sản xuất có giá thấp hơn khoảng 10.000 đồng/bao so với các loại phân Urê nhập khẩu, thì nay ngược lại. Hiện giá phân Urê Phú Mỹ trên thị trường đang cao hơn khoảng 10.000-20.000 đồng/bao so với nhiều loại phân Urê nhập khẩu.

Làm gì để bình ổn giá phân bón?

Nhiều nông dân rất bức xúc khi giá phân bón ngày càng cao và thường xuyên tăng mạnh khi nhu cầu phân bón cho các vụ sản xuất lúa của nông dân tăng. Bà Phan Thị Muốn ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, giá lúa có tăng nhưng nông dân trồng lúa không có lời nhiều do giá các loại phân, thuốc tăng mạnh hơn. Giá phân bón và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật thường tăng cao vào vụ sản xuất. Trong khi nông dân không có điều kiện để mua phân bón dự trữ sẵn lúc giá rẻ, thường mua tới đâu dùng tới đó và đa số phải mua thiếu của các cửa hàng vật tư nông nghiệp đến cuối vụ mới trả”. Anh Lê Văn Sang ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho rằng: “Nhà nông hiện cảm thấy lo lúa thu đông khó đạt được mức lợi nhuận như vụ đông xuân và hè thu vừa qua, do phân bón và các chi phí sản xuất tăng cao”.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường phân bón trong nước đang còn phụ thuộc nhiều vào thị trường phân bón thế giới. Phân Urê đã được sản xuất nhiều trong nước nhưng chỉ mới đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu, trong khi có nhiều loại phân bón khác (DAP, Kali...) phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hoặc phải nhập khẩu hoàn toàn. Để bình ổn thị trường phân bón, nhất thiết phải tăng cường việc sản xuất phân bón trong nước, hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào hàng nhập khẩu và chủ động được nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ... Ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho rằng: Để bình ổn giá bán lẻ các loại phân bón trên thị trường, rất cần vai trò của các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu phân bón. Chỉ khi các nhà bán lẻ phân bón có nguồn phân bón giá rẻ, người tiêu dùng mới có cơ hội mua được hàng giá rẻ. Mặt khác, phần lớn các cửa hàng vật tư nông nghiệp đều cho nông dân mua thiếu chịu đến cuối vụ thu hoạch lúa mới trả. Nếu cửa hàng bán lẻ chạy theo số lượng tiêu thụ, cho mua thiếu chắc chắn sẽ kẹt vốn và khó chủ động được nguồn vốn để có thể tranh thủ lấy hàng vào lúc giá rẻ. Thực tế thời gian qua, nhiều lúc dù các nhà sản xuất và nhập khẩu phân bón công bố mức bán buôn khá thấp, nhưng đa số các cửa hàng bán lẻ thiếu vốn khó mua được nguồn hàng này, sau đó phải mua qua các đầu mối trung gian. Vì vậy, giá bán phân bón trên thị trường thường bị đẩy lên cao...

Các doanh nghiệp cần phải cùng cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ lợi ích, khó khăn với nông dân. Giữa nông dân và doanh nghiệp cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy nhà nông mới mong mua được các loại phân bón, vật tư đầu vào giá hợp lý và ổn định được đầu ra sản phẩm nông sản.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết