12/03/2014 - 22:31

Cần phổ biến kinh nghiệm cấp cứu tai nạn giao thông cho cộng đồng

BVĐK Trung ương Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu. 

Ngành y tế TP Cần Thơ vừa có văn bản đề nghị Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố phối hợp, hỗ trợ để ngành y tế tổ chức chương trình đào tạo, huấn luyện lại các đội cấp cứu ngoại viện, tổ cấp cứu tại các trạm y tế và hơn 200 tổ y tế ấp/khu vực. BS CKII Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế, thành viên Ban ATGT thành phố, cho biết: Các năm qua nhà nước đã đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ cho ngành ngoại khoa, nhưng đối với trường hợp chấn thương nặng (ở cột sống cổ, cột sống lưng hoặc các mấu khớp) do tai nạn giao thông (TNGT) thì có khi việc điều trị tại bệnh viện không đạt hiệu quả, do khâu cấp cứu ban đầu không đúng kỹ thuật đã làm chấn thương nặng hơn. Để giải quyết vấn đề này, ngành y tế cần Ban ATGT phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn xử lý cấp cứu TNGT.

Trong khuôn khổ dự án giảm thiểu thiệt hại do TNGT, vào năm 2012, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình đào tạo mạng lưới sơ cấp cứu ban đầu cho nhân viên các trạm y tế ở tuyến quốc lộ. TP Cần Thơ có 60 trạm y tế nằm ở tuyến quốc lộ hoặc ở mặt tiền các tuyến đường nội ô được tham gia chương trình này. Ngành y tế thành phố đã phát huy chương trình đào tạo này, thành lập mạng lưới sơ cấp cứu TNGT đều khắp các xã, phường. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả xử lý cấp cứu TNGT vẫn chưa được như mong muốn của ngành y tế thành phố: năm 2013, có 1.983 trường hợp TNGT nhập viện, 82 trường hợp tử vong. Số trường hợp TNGT nhập viện giảm hơn 387 ca, nhưng số ca tử vong vì TNGT tăng hơn 4 ca so với năm 2012 (78 ca). Đây là số liệu tổng hợp từ các bệnh viện do Sở Y tế thành phố quản lý, chưa kể số ca nhập viện và tử vong vì TNGT tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (do Bộ Y tế quản lý).

Việc đào tạo mạng lưới nhân viên y tế có kinh nghiệm xử trí cấp cứu các trường hợp bị TNGT là cần thiết. Tuy nhiên, tình trạng TNGT nhất là TNGT do người điều khiển xe gắn máy đang gia tăng, trong khi tại các điểm nóng về TNGT chưa chắc đã có trạm y tế hoặc tổ cấp cứu để hỗ trợ cho công tác xử lý cấp cứu. Trên thực tế, khi TNGT xảy ra thì người tích cực và kịp thời đưa nạn nhân đến bệnh viện thường là những người cùng đi trên đường hoặc người dân tại chỗ. Do đó, chương trình đào tạo kỹ năng cấp cứu người bị TNGT mà ngành y tế thành phố đang đề nghị Ban ATGT thành phố phối hợp - hỗ trợ nên thực hiện cho cả lực lượng hội viên các đoàn thể tại cơ sở, để mang lại hiệu quả cộng đồng cùng chung tay giảm thiểu thiệt hại về người do TNGT.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết