14/01/2011 - 21:09

Cần mẫn lập nghiệp

Vào mùa Tết, chị Hường may liên tục để kịp giao hàng cho khách.

Trong căn nhà nhỏ đầy ắp các nguyên liệu, chị Nguyễn Thị Hường (khu vực 1, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TPCT) gò mình bên chiếc máy may để may những chiếc giỏ xách xinh xắn. Từ hai bàn tay trắng, với sự siêng năng, cần mẫn và ý chí vượt khó, chị Hường đã vươn lên khấm khá…

Nhiều bà con ở khu vực 1, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, biết đến chị Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1976) không chỉ vì chị là thợ may giỏi mà ở nghị lực vượt khó của chị.

Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, 15 tuổi, chị Hường phải nghỉ học, kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề thợ may. 23 tuổi chị lập gia đình cùng anh Nguyễn Việt Thành. Hai đứa con lần lượt ra đời, thu nhập bấp bênh, có lúc chị tưởng chừng như kiệt sức vì mệt mỏi, túng quẫn... Do chồng làm nghề lái sà lan rày đây mai đó, chị vừa cán đáng việc nhà vừa chăm sóc, nuôi dạy các con và luôn suy nghĩ tìm phương cách để thoát nghèo.

Thấy việc may đồ khách ngày càng bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống, khoảng năm 2000, nhờ người quen giới thiệu, chị Hường chuyển sang may giỏ xách bỏ mối. Dù thành thạo nghề may, nhưng khi chuyển sang may giỏ, chị gặp không ít khó khăn. Hàng của chị thường bị bạn hàng, các đại lý chê kém chất lượng, bắt phải may lại. Không nản lòng, chị kiên trì vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Với những mẫu giỏ phức tạp, chị thức khuya dậy sớm mày mò may thử nhiều lần, thậm chí tháo cả hàng mẫu ra để nghiên cứu rồi tự may lại cho thuần thục. Nhờ chịu thương chịu khó, tay nghề của chị Hường tiến bộ rất nhanh. Để sản phẩm của mình ngày càng đẹp, phong phú, có chỗ đứng trên thị trường, chị Hường dành nhiều thời gian mày mò, thiết kế các mẫu mới, hợp thời trang... qua đó, ngày càng tạo được lòng tin đối với nhiều bạn hàng.

Sau bao năm dành dụm, tích lũy cộng với số tiền từ nguồn vốn xoay vòng của Chi hội Phụ nữ Khu vực 1, chị Hường đã đầu tư mua chiếc máy may mới, có gắn mô-tơ. Có máy móc hiện đại, chị nhận thêm nhiều hàng về may. Nhất là vào những dịp lễ, Tết, chị Hường gần như thức trắng đêm, miệt mài bên chiếc máy để kịp giao hàng cho khách. Với mong muốn giúp chị em vươn lên có cuộc sống khấm khá như mình, chị Hường tận tình “truyền nghề” cho nhiều phụ nữ trong xóm. Nhờ đó, ngày càng có thêm nhiều gia đình ổn định cuộc sống với nghề may giỏ. Hỏi về những dự định trong tương lai, chị Hường cười bộc bạch: “Tôi đang dành dụm tiền để sắp tới mở rộng qui mô cơ sở may giỏ xách, vừa tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm ổn định cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn”.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết