04/05/2020 - 06:40

Cần làm YouTube bằng lương tri! 

Thông tin Ủy ban Dân tộc gửi văn bản đề nghị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) xử lý trường hợp vi phạm của kênh YouTube “A Hy TV” khiến dư luận rất đồng tình. Bởi lẽ, có xem những video clip của kênh này mới thấy họ làm trò cười với những vấn đề rất trịch thượng, nhạy cảm. Ngay cả tên kênh cũng có vấn đề nếu truy nguyên từ ngữ. Nhiều clip thể hiện rõ hành vi xúc phạm, giễu nhại đồng bào dân tộc thiểu số và phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết sẽ rà soát và xử lý nghiêm, trước hết là gỡ các clip vi phạm khỏi kênh.

Anh Đặng Thanh Sử, chủ kênh “A Sử” trên YouTube, đang thực hiện clip trồng rau tại nhà.

Hành vi vi phạm của tài khoản YouTube này như “giọt nước tràn ly”, bởi trước nay vẫn có không ít người cố tình câu khách bằng hành vi phản cảm. Theo một công bố của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử vào giữa năm 2019, rà soát trên YouTube, thời điểm đó có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Trong phạm vi bài viết này, xin không đề cập đến cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập, việc ngăn chặn gỡ bỏ bài viết vi phạm còn hạn chế; chỉ bàn đến trách nhiệm của những người làm YouTube, thường gọi là những YouTuber. Một điển hình nhiều người biết mới đây là một YouTuber đứng “rình” ở một “ATM gạo” để phát hiện “thanh niên áo đen có điều kiện lại đi xin gạo và bị từ chối”. Chủ tài khoản này không ngại cận mặt nhân vật rồi bình luận trực tiếp với những lời lẽ ác ý. Video clip này đã khiến cô bé là nhân vật chính hoang mang, xấu hổ, tác động tiêu cực đến gia đình, người thân. Đó là một cách làm YouTube nhẫn tâm!

Bàn về những YouTuber này, anh Đặng Thanh Sử, chủ tài khoản “A Sử” trên YouTube, chuyên clip về canh tác nông nghiệp đô thị, thẳng thắn: “Đó là cách làm tiêu cực”. Những YouTuber đó hoàn toàn không nghĩ đến tác động xã hội,  trách nhiệm của bản thân và quyền nhân thân của người khác khi đăng tải clip. Anh Sử cho biết chọn thực hiện những video clip hướng dẫn cách trồng cải, trồng dưa hấu hay hoa kiểng vườn nhà… để người xem ngoài giải trí còn có thêm những kiến thức bổ ích. Dù kênh của anh lượt xem không quá nhiều nhưng bù lại có ích và có ý nghĩa lâu dài hơn là kiểu “hóng hớt”, “câu view”. Còn anh Trọng Nhơn, chủ tài khoản YouTube “Nhơn Siu Vlog” thì cũng chọn một chủ đề khá thú vị là trải nghiệm văn hóa và khám phá những điều “độc, lạ” ở miền Tây. Anh Nhơn cũng không đồng tình chuyện các YouTuber câu khách bằng cách làm phản cảm, bất chấp; mà muốn mang đến cho người xem nhiều điều ý nghĩa khi xem clip.

Câu chuyện của hai bạn trẻ làm YouTube ở Cần Thơ trên đây cho thấy, có muôn ngàn cách để làm YouTube thành công. Việc chọn con đường phản cảm, hại người để câu khách gần đây bị khán giả phát hiện và lên án chủ kênh gay gắt. Trước khi có sự kiểm duyệt của YouTube, sự can thiệp của pháp luật, mỗi YouTuber hãy là một người đăng tải có trách nhiệm, bằng cái tâm và lương tri.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết