02/08/2020 - 11:37

Cần động lực tăng trưởng mới 

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. GDP năm nay được dự báo tăng 2,8% dù các cú sốc kinh tế do tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và sức cầu thị trường giảm. Điều này cũng khẳng định các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ được triển khai hiệu quả, DN đã rất nhạy bén trong nắm bắt các cơ hội khôi phục sản xuất. Song, các chuyên gia cho rằng để tăng trưởng như các kịch bản dự báo cần động lực tăng trưởng mới.

Công nhân Công ty CP May Meko kiểm tra sản phẩm. 

Tăng trưởng trong khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt mức 1,8%; đây là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua nhưng là mức tăng ấn tượng, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Ðể đạt kết quả này, Chính phủ có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, được DN hưởng ứng tích cực. Các chính sách tài khóa, tiền tệ triển khai đồng bộ đã góp phần kiềm chế lạm phát, cân đối dòng vốn ra thị trường và hỗ trợ DN tái sản xuất. Thêm vào đó, dù tình hình xuất khẩu khó khăn, nhưng vẫn xuất siêu là điểm sáng cho tăng trưởng, đồng thời thu hút một lượng lớn vốn FDI vào Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt gần 145,8 tỉ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng đa số lại giảm so với cùng kỳ năm 2019, gồm: dệt may đạt 16,2 tỉ USD (giảm 12,1%), giày dép 9,5 tỉ USD (giảm 7,9%), phương tiện vận tải và phụ tùng 4,4 tỉ USD (giảm 12,3%), thủy sản đạt 4,4 tỉ USD (giảm 6,4%), sắt thép đạt 2,5 tỉ USD (giảm 2,7%)… Chỉ duy nhất mặt hàng gạo đạt 1,9 tỉ USD tăng 10,9% về giá trị nhưng giảm 1,4% về lượng, còn đa số mặt hàng nông sản đều có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Dù vậy, khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 50,76 tỉ USD, tăng 13,5%, nhập khẩu 61,86 tỉ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 37,9 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 23,5 tỉ USD, tăng 18,4%. Tuy nhiên, thị trường EU giảm 5,9% (đạt 19,5 tỉ USD); ASEAN đạt 12,8 tỉ USD, giảm 15,4%; Nhật Bản 10,9 tỉ USD, giảm 5% và Hàn Quốc là 10,7 tỉ USD, giảm 0,4%. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất khẩu 7 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu 6,5 tỉ USD.

Trong khó khăn, DN đã có những tính toán kịp thời để thích ứng với thị trường. Theo một DN xuất khẩu cá tra ở TP Cần Thơ, thị trường xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, do các nước áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch nên đơn hàng giảm, nhiều DN phải lưu kho sản phẩm, làm tăng chi phí nhưng trong khi chờ thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa đang rất tiềm năng cho DN.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, cho biết: Công ty được hoãn thuế giá trị gia tăng, lãi suất cho vay được giảm 0,5%/năm so với trước. Hiện công ty có 1.350 công nhân và châu Âu, Nhật Bản là thị trường chiếm 95% hàng xuất khẩu của đơn vị (Nhật Bản 50%, EU 45%), dù 3 thị trường này chưa ổn, đơn hàng giảm, nhưng công ty vẫn có đơn hàng ổn định đến cuối năm. Riêng thị trường Mỹ chiếm 5% sản phẩm xuất khẩu. Sang năm 2021 chắc chắn sẽ khó, nhưng vẫn hy vọng có thị trường, công ty vẫn đang thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn sản xuất.

Củng cố nội lực vượt khó

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang dựa vào nội lực của DN trong nước và cả từ nguồn lực đầu tư nước ngoài, nhưng cần động lực mới. Bởi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 7 tháng ước chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (tăng 9,4%). Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do tác động của dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, nên chỉ tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,7%) và chỉ đóng góp 3,5 điểm phần trăm cho toàn ngành, nhưng đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp, đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Thêm vào đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2.799.600 tỉ đồng và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, do dịch COVID-19 đang trở lại phức tạp. Do vậy, cần tính toán để giữ ổn định hai lĩnh vực quan trọng này.

Khó khăn bủa vây, trong 7 tháng, cả nước có khoảng 32.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ngành dịch vụ, vận tải, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo… Song, các chuyên gia nhận định rằng vẫn có động lực mới là 28.600 DN đã quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, con số 21.800 DN tạm ngưng hoạt động chờ thủ tục giải thể giảm 12,2% và con số 8.900 DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 3,5%. Chứng tỏ những tín hiệu tích cực từ các chính sách hỗ trợ và kế hoạch khôi phục sản xuất của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ, cho biết: “Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đã ban hành đầy đủ để hỗ trợ DN tái khởi động trong mùa dịch. TP Cần Thơ cũng đã ban hành Kế hoạch 75/KH-UBND chỉ đạo đầy đủ cho các cơ quan thực hiện tích cực các hỗ trợ DN về thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất và cả cải cách thủ tục hành chính. Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, DN sẽ có những điều kiện cần thiết để tái sản xuất kinh doanh trong tình hình đại dịch vẫn đang tiếp diễn trở lại”. Theo bà Thuận, Hiệp hội vẫn tiếp tục lắng nghe để phản ánh lên chính quyền và các sở những yêu cầu, khó khăn của hội viên và DN để có biện pháp hỗ trợ. Ðồng thời, giúp hội viên tạo kênh bán hàng thông qua cổng thương mại điện tử, kết nối với DN cả nước và cả nước ngoài trong tình hình mua bán, giao dịch trực tiếp khó khăn. 

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP Cần Thơ, các ngân hàng trên địa bàn thành phố rất chủ động trong hỗ trợ DN, số dư nợ được ngân hàng cơ cấu lại, giãn nợ, giảm lãi suất nhìn chung tăng cao hơn mức bình quân toàn quốc. Ước đến cuối tháng 7-2020, tổng dư nợ cho vay đạt 95.700 tỉ đồng, tăng 4,79% so với cuối năm 2019. Hầu hết dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ đều tăng so với cuối năm 2019. Qua đó sẽ giúp DN ổn định sản xuất.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết