Địa điểm Căn cứ Huyện ủy Ô Môn (1971-1975), còn gọi là Căn cứ Lò Mo (hiện thuộc xã Trường Thành, huyện Thới Lai), góp phần làm dày thêm những trang sử vàng trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Cần Thơ. Hơn 40 năm trôi qua, chuyện xưa kể lại về Căn cứ Lò Mo qua hồi ức của những chứng nhân lịch sử càng khiến người trẻ hôm nay cảm phục về một thời hoa lửa của thế hệ cha ông.
Cận kề đồn địch
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Thới Lai tổ chức hội thảo “Giá trị lịch sử của Di tích Địa điểm Căn cứ Huyện ủy Ô Môn (1971-1975)”. Các đồng chí cách mạng lão thành, nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu, công tác tại Căn cứ Lò Mo năm xưa cùng ôn lại những năm tháng không thể nào quên.
Quang cảnh hội thảo “Giá trị lịch sử của Di tích Địa điểm Căn cứ Huyện ủy Ô Môn (1971-1975)”. Ảnh: DUY KHÔI
Sau năm 1968, tại chiến trường Cần Thơ, địch ra sức bắt lính, đôn quân, bình định lấn chiếm ồ ạt, đóng thêm đồn bót dày đặc trên các địa bàn. Địa bàn xã Trường Thành, huyện Ô Môn cũng không ngoại lệ. Mục đích của địch là xóa trắng các cứ điểm đóng quân của lực lượng cách mạng. Vì vậy, Căn cứ Huyện ủy Ô Môn phải liên tục dời địa điểm để đảm bảo an toàn. Ngày 6-4-1971, tại Mương Khai, xã Trường Thành, Huyện ủy Ô Môn tổ chức Đại hội và bị địch phát hiện, bao vây. Tình thế này, Huyện ủy hầu như không còn nơi nào an toàn bám trụ để chỉ đạo ngoài căn cứ lõm ở rạch Lò Mo, ấp Trường Tây, xã Trường Thành. Từ khi Huyện ủy Ô Môn bám trụ Căn cứ Lò Mo làm nơi đứng chân chỉ đạo (1971-1975), những chủ trương chỉ đạo của Đảng đã được triển khai thực hiện hiệu quả.
Một chi tiết thú vị là căn cứ lõm của ta ở Lò Mo chỉ cách hàng rào đồn địch khoảng 500-700m. Lại thêm, bốn phía của Lò Mo đều có đồn bót địch đóng, chỉ cách vài trăm mét. Đó là: đồn Ba Đá ở phía Bắc; đồn Bông Giếng ở phía Nam; đồn Đầu Trâu ở phía Đông và đồn Ông Vịnh ở phía Tây. Ông Huỳnh Long Thạnh, nguyên Bí thư xã Thới Thạnh, lý giải: Ta quan niệm “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, dù lực lượng ta đóng quân và sinh hoạt rất khó khăn do nằm sát đồn địch. Ông Trần Hoàng Tho, nguyên Phó Chính trị viên Huyện Đội Ô Môn, cho rằng, có nhiều nguyên nhân để Huyện ủy chọn Lò Mo. Đầu tiên là Đảng bộ và nhân dân Trường Thành có truyền thống cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, sẵn sàng cống hiến sức người, sức của cho kháng chiến. Mặt khác, Lò Mo có địa hình vườn, mương ao chằng chịt tạo thế liên hoàn thuận lợi cho việc xây dựng hầm, hố, công sự để phòng, tránh và đánh địch, trên các hướng bố trí được các bãi lửa phòng ngừa địch bất ngờ tấn công. Khu vực Lò Mo tuy bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá nhưng vẫn còn một số chòm, lõm cây xanh che khuất, nếu biết tận dụng, ta có thể ăn ở, đi lại và hoạt động được. Ông Tho còn chỉ rõ, từ Căn cứ Lò Mo, ta có thể bung ra quan hệ trên các hướng như cầu Nhiếm, Vàm Bi, Kênh Mới, Ba Se, Định Môn, Thới Thạnh và 2 xã vùng ven Thới Long và Thới An.
Nhiều nhân chứng lịch sử cũng cho rằng, Lò Mo được Huyện ủy, Huyện Đội Ô Môn đánh giá là nơi an toàn nhất trong huyện vì nhiều lần địch phát hiện tập trung nhiều tiểu đoàn và pháo binh, phi cơ yểm trợ nhưng nhiều ngày đêm không chiếm được Lò Mo, dù chỉ cách hàng rào địch vài trăm mét. Có thể nói, Lò Mo là căn cứ lõm có hệ thống phòng thủ tốt nhất, địch bị bộ đội ta đánh bại nhiều lần nhất, tốn sinh mạng, binh khí nhiều nhất.
Gian lao mà anh dũng
Ông Võ Hùng Vĩnh, nguyên Thường vụ Huyện ủy Ô Môn, cho rằng, Căn cứ Lò Mo là nơi điều nghiên trận địa, bàn kế hoạch chỉ đạo cho các cuộc tấn công vào đầu não giặc. Đây cũng là nơi các cấp lãnh đạo cách mạng và bộ đội nghỉ ngơi; là kho dự trữ lương thực cho các đơn vị chiến đấu như: Tiểu Đoàn Tây Đô, Chủ lực Miền, Địa phương quân… Nhưng, bên cạnh thuận lợi về mặt địa hình, quân ta cũng trải qua rất nhiều khó khăn. “Do nằm sát đồn địch nên muốn bửa củi phải đợi máy bay bay ngang qua, lợi dụng tiếng ồn, nương theo mà bửa. Nấu ăn thì không được thấy khói, đi không để lại dấu chân. Vậy mà địch vẫn phát hiện, cho máy bay bắn phá, tách dân ra khỏi căn cứ, kiểm soát nghiêm ngặt không cho người dân tiếp tế lương thực cho quân ta”- ông Vĩnh nhớ lại.
Dự thảo sơ đồ định vị Căn cứ Lò Mo. Sơ đồ này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện. Ảnh: Ban Quản lý di tích thành phố cung cấp
Theo bà Nguyễn Thị Minh Kha (Út Kha), nguyên cán bộ Văn phòng Huyện ủy Ô Môn, Huyện ủy hoạt động ở Căn cứ Lò Mo trong điều kiện vừa thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, địa hình hiểm trở... Ngoài việc đảm bảo bí mật, tránh sự kiểm soát, chú ý tai mắt địch ở các đồn bót, các đồng chí hoạt động tại Căn cứ phải thực hiện phương châm “không gây khói, không tiếng động, không dấu chân”. Bà Út Kha kể: “Khoảng 3 giờ sáng là đã phải nấu cơm vì giờ đó khói bay lên ngọn cây hòa lẫn sương mù nên dễ tan nhanh, địch khó phát hiện”.
Gian khổ như thế, nhưng bà Út Kha cũng như nhiều phụ nữ khác đã kiên cường vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Bà nhớ, trong Căn cứ có lúc thiếu thức ăn, bà và đồng đội phải ăn chuối đỡ đói để nhường cơm cho chiến sĩ đi đánh trận, nấu chuối với một ít gạo thành cháo để ăn. Có lúc bà cùng đồng đội phải đi thật xa khỏi Căn cứ để đốn chuối, có khi đốn cả xuồng nên mọi người nói vui: “Mình thành tư sản chuối rồi!”. Bà Út Kha xúc động nhớ lại, có lúc bà thèm lắm một ly nước chanh nhưng không có đường để pha; có khi cả tháng trời phải mặc đồ ướt do ẩn nấp hầm nước. Bà Út rưng rưng: “Cuộc sống quá khó khăn, ăn cái gì cũng ngon, mặc cái gì cũng ấm, miễn là còn sống và chiến đấu. Mặc bao gian nan, giặc càn qua là chúng tôi lại đứng lên reo hò, ca hát, cổ vũ tinh thần lẫn nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao”.
Các nhân chứng lịch sử từng trải qua thời gian lao mà anh dũng ở Căn cứ Lò Mo cho biết ai cũng đoàn kết, thương yêu nhau với tinh thần căm thù giặc sâu sắc, nghĩ về ngày thống nhất đất nước. Điều làm những người công tác, chiến đấu ở Căn cứ Lò Mo nhớ nữa là lòng dân dành cho cách mạng. Do đây là vùng bom đạn ác liệt nên ít ai ở lại, tới mùa bà con gieo sạ, gặt hái xong rồi đi. Khi bà con đi qua đồn bót, lính chặn xét hỏi nghiêm ngặt với dã tâm vây chặt cho bộ đội ta không có ăn, phải đói. “Vậy mà nhân dân Trường Thành vẫn bằng nhiều cách giúp bộ đội luôn đủ ăn để đánh giặc”- ông Huỳnh Long Thạnh, nguyên Bí thư xã Thới Thạnh, thuật lại.
* * *
Từ những ý kiến tham luận, đóng góp tâm huyết của các đồng chí cách mạng lão thành, nhân chứng lịch sử trong buổi hội thảo, ngành chức năng sẽ tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố đối với Căn cứ Lò Mo. Đây là việc làm rất thiết thực và ý nghĩa, tô thắm bề dày lịch sử Cần Thơ và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay.
ĐĂNG HUỲNH