28/08/2011 - 20:15

DI DỜI CÁC DOANH NGHIỆP TRONG CỤM CN-TTCN CÁI SƠN-HÀNG BÀNG

Cần có phương án, bước đi phù hợp

Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây sơ chế trái cây .

Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) Cái Sơn-Hàng Bàng được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào ngày 1-4-2002 với tổng diện tích đất quy hoạch 38,2 ha. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Quyết định số 207/2006/QĐ-TTg ngày 7-9-2006 “Về quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2025”, phần diện tích cụm CN-TTCN này được quy hoạch thành khu dân cư do yêu cầu mở rộng đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương. Để chuẩn bị công tác di dời các DN trong cụm CN-TTCN này, lãnh đạo TP Cần Thơ cùng các sở ngành hữu quan, quận Ninh Kiều vừa có chuyến khảo sát, nắm tình hình sản xuất của các DN hoạt động tại đây.

Cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng hiện có 24 công ty, doanh nghiệp (DN) và hộ cá thể đang hoạt động với các ngành nghề: chế biến nông sản xuất khẩu, thức ăn gia súc, sản xuất bao bì, giấy, cao su kỹ thuật, may mặc, xay xát lương thực,... Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Tuy nhiên, trước yêu cầu phải di dời cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng, quận kiến nghị trước mắt cần di dời những cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, một số DN bị người dân phản ánh về tình trạng xả thải ra môi trường, quận đã tham gia cùng các ngành chức năng vào cuộc xử lý. Nếu cụm CN-TTCN chuyển thành khu dân cư mà các DN gây ô nhiễm không sớm di dời thì quá trình xử lý về môi trường sẽ gặp khó hơn nữa”.

Các DN trong cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng đều băn khoăn trước thông tin phải di dời cơ sở sản xuất. Theo nhận định của một số DN, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2011 và đến hết năm 2012, nếu phải di dời, DN sẽ gặp khó về tài chính để tái đầu tư cơ sở sản xuất, ổn định hoạt động. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Tân Hưng, cho biết: “Trước thông tin cụm CN-TTCN này sẽ quy hoạch thành khu dân cư, DN rất hoang mang không biết đơn vị mình có phải di dời cơ sở sản xuất hay không và nếu di dời thì sẽ dời về đâu nên rất khó đưa ra các quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà xưởng. Phía công ty cũng xác định nếu tiếp tục tồn tại lâu dài trong khu dân cư và phát triển bền vững thì sẽ duy trì đảm bảo vấn đề môi trường. Hiện nay, công ty đã có hệ thống xử lý nước thải với công suất 150m3/ ngày đêm, đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường”.

Theo bà Lê Kim Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (West Food), từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của công ty không tránh khỏi tác động của suy giảm kinh tế thế giới. Giá sản phẩm bán ra không tăng nhưng các chi phí đầu vào trong nước lại tăng cao. Trước tình hình này, công ty rất muốn biết định hướng quy hoạch của thành phố đối với cụm CN-TTCN này cụ thể ra sao để công ty yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, mức lương trung bình của công nhân công ty từ 2,5-3 triệu đồng/tháng. Đến tháng 10-2011, lương công nhân được điều chỉnh tăng, công ty cũng phải nỗ lực gia tăng lợi nhuận để trang trải chi phí tăng thêm từ lương, bảo hiểm xã hội. Ngoài hệ thống xử lý nước thải sẵn có, công ty đang tiếp tục xây dựng khu xử lý nước thải cho nhà máy với chi phí đầu tư khoảng 2 tỉ đồng. Việc nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí về môi trường không chỉ góp phần cải thiện điều kiện làm việc của công nhân mà còn đảm bảo các yêu cầu của khách hàng về chất lượng sản phẩm.

Nắm bắt được tình hình hoạt động cũng như những băn khoăn của DN, các sở ngành hữu quan đều có chung ý kiến đề xuất cho phép các DN nào đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường tiếp tục tồn tại. Những DN nào không xử lý tốt vấn đề môi trường; DN thuộc ngành nghề kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao sẽ thuộc đối tượng phải giải quyết di dời sớm. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách hỗ trợ đối với DN thuộc đối tượng di dời và không phải di dời. DN di dời sẽ có vị trí mới để xây dựng cơ sở sản xuất với cơ sở hạ tầng thuận lợi, mức giá đất thuê hoặc mua phải hợp lý. Còn DN không di dời cũng cần được hỗ trợ thông tin, tập huấn, một phần kinh phí để trang bị máy móc, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, đảm bảo tốt các tiêu chí về môi trường và tồn tại lâu dài. Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cần xây dựng chương trình di dời các cơ sở sản xuất trong cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng khỏi trung tâm thành phố, để DN sản xuất lâu dài, có điều kiện mở rộng trong tương lai và đảm bảo vấn đề môi trường. Về địa điểm di dời có thể tìm các khu đất mới ở những quận huyện lân cận như Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền,... với chi phí rẻ hơn, đầu tư sẵn cơ sở hạ tầng giao thông để DN yên tâm di dời và sớm ổn định sản xuất.

Theo Quyết định 207/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2025”, quy mô đô thị của TP Cần Thơ sẽ được mở rộng, phát triển xứng tầm với một đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Hiện nay, Sở Công thương TP Cần Thơ đang triển khai xây dựng đề án “Hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2002-2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn TP Cần Thơ”. Như vậy, các DN sẽ có vị trí để sản xuất tập trung, thuận lợi hơn trong vấn đề xử lý chất thải, đảm bảo các tiêu chí về môi trường.

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Việc khảo sát thực tế hoạt động sản xuất của một số DN thuộc cụm CN-TTCN Cái Sơn-Hàng Bàng là cơ sở để lãnh đạo thành phố và các sở ngành hữu quan tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn của các DN đang hoạt động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của DN trước khi tiến hành di dời cơ sở sản xuất, đáp ứng yêu cầu mở rộng đô thị của TP Cần Thơ. Trên cơ sở khảo sát thực tế, các sở ngành thành phố sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng phương án di dời hợp lý các DN tại đây, xác định những ngành nghề ưu tiên di dời sớm để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, những ngành nghề nào vẫn có thể phát triển trong khu dân cư về lâu dài để giảm bớt khó khăn cho DN, giảm bớt chi phí bồi hoàn, di dời giải tỏa cho thành phố. Đồng thời, thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ đặc biệt để DN sớm ổn định sản xuất, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của DN.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết