21/10/2008 - 07:46

Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII

Cần cơ chế liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã và huyện

* Dự thảo Luật giao thông đường bộ: Phải tính toán kỹ việc dành quỹ đất để phát triển giao thông

Sáng 20-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cán bộ, công chức.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật: “1. Luật này quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm thực thi công vụ. 2. Luật này áp dụng đối với cán bộ, công chức và cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức hiện hành thì đội ngũ cán bộ, công chức nước ta bao gồm cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Quy định này thể hiện đặc thù của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị của nước ta. Để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, sự liên thông giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta, cũng như sự ổn định để phát triển thì phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật như Chính phủ trình là phù hợp.

Đối với quy định cán bộ, công chức cấp xã, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) cho rằng quy định tại Điều 63, Khoản 4 “cán bộ, công chức cấp xã được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan từ cấp huyện trở lên nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định” là chưa đầy đủ. Đại biểu lý giải: Để trở thành cán bộ, công chức cấp xã, các đối tượng phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn từng chức danh, phải vượt qua một kỳ thi tuyển hoặc bầu cử theo quy định của pháp luật tương tự như đối với cán bộ, công chức. Nhưng nếu quy định như dự thảo luật thì cán bộ, công chức cấp xã không thể liên thông với cấp huyện. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định nếu cán bộ, công chức cấp xã có thời gian công tác ít nhất 5 năm tại xã, đủ tiêu chuẩn, điều kiện và cấp huyện có yêu cầu thì có thể được điều động bổ nhiệm trở thành cán bộ, công chức tại các cơ quan cấp huyện.

Về việc quy định riêng một chương về cán bộ, công chức cấp xã, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Danh Út (Kiên Giang) cho rằng việc quy định đội ngũ này trong luật là cần thiết. Tuy nhiên, việc dành riêng Chương V để quy định về cán bộ, công chức cấp xã với những nội dung còn có sự phân biệt, thiếu công bằng, chưa xác định đúng vị trí của đội ngũ này, chưa phù hợp với thực tiễn, cho nên chưa tạo ra sự liên thông trong đội ngũ công chức ở các cấp và chưa động viên được đội ngũ công chức làm việc ở cấp xã.

Về nội dung đánh giá cán bộ, công chức, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương đề xuất bổ sung một số nội dung, đó là: bổ sung căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cán bộ, công chức và nội quy, quy chế của từng cơ quan, đơn vị. Căn cứ này sẽ nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý trong việc xác định rõ vị trí chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng công chức tại cơ sở để có thể đánh giá công chức một cách chính xác về khối lượng công việc, ý thức trách nhiệm. Quy định này cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của nội quy, quy chế, kỷ cương, kỷ luật trong từng cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, để việc đánh giá cán bộ, công chức thực sự góp phần thiết thực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng trong sạch, vững mạnh, hạn chế tối đa việc đánh giá cán bộ, công chức dựa theo cảm tính, cào bằng. Muốn vậy, đề nghị dự thảo luật quy định giao cho các cơ quan được phân công quản lý cán bộ, công chức, hướng dẫn chi tiết nội dung, phương pháp theo dõi đánh giá cán bộ, công chức hàng tháng, hàng năm dựa trên những căn cứ và nội dung đã quy định trong luật.

* Chiều 20-10, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở Hội trường về một số nội dung, ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi). Dự án Luật này đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, tiếp tục thảo luận tại phiên họp thứ 10 và thứ 12 của Ủy ban Thường vụ QH.

Tại Điều 42 quy định “Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuấn (Khánh Hòa) đề nghị Ban soạn thảo cần phải tính toán kỹ việc dành quỹ đất để phát triển giao thông, bởi tình trạng giao thông như hiện nay nếu không chuẩn bị trước thì đến khi giải phóng mặt bằng, quy hoạch phát triển đô thị sẽ không tránh khỏi tình trạng lãng phí tiền của. Đại biểu Huấn cho rằng, nếu quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông từ 16% -26% như trong dự thảo sẽ dẫn đến việc tùy tiện phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khi chúng ta xây dựng các khu đô thị mới, và nên chăng dành quỹ đất trong đô thị là từ 20% đến 25% để đảm bảo yêu cầu giao thông trong đô thị. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) phân tích: Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng giống như quy hoạch giao thông nói chung phải phụ thuộc vào mật độ dân số. Vì vậy, quỹ đất không nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, mà nên giao cho Chính phủ và ngành Giao thông để định lượng phần trăm quỹ đất, phù hợp với sự phát triển sau này. Cũng liên quan về vấn đề này, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị: Ban soạn thảo Luật cần quy định rõ, ngay trong dự thảo Luật tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ, loại đô thị hiện đại và loại đô thị mới là 25% và đối với đô thị khác từ 15% trở lên.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn, việc quy định phát triển giao thông đường bộ được lập cho 10 năm và 20 năm và định hướng phát triển cho ít nhất 10 năm tiếp theo như trong dự thảo là không phù hợp với chiến lược phát triển giao thông. Việc này không nên định lượng cụ thể mà để Chính phủ hoạch định chiến lược phát triển giao thông lâu dài, bởi vấn đề này còn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, tiền vốn và cả các nhà đầu tư bên ngoài hợp tác với Việt Nam. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên xác định hình thức thứ bậc phát triển giao thông đường bộ, tránh mâu thuẫn giữa hạ tầng cơ sở và phát triển phương tiện giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân nảy sinh tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay. Việc quy hoạch phải đi trước việc phát triển phương tiện giao thông, tránh ùn tắc giao thông; đồng thời cần gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở hạ tầng giao thông với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng khác như trường học, bệnh viện...

Nhiều đại biểu băn khoăn việc người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy được quy định tại điều 30, 31. Cụ thể: Tại điểm 2 quy định “Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm phải đảm bảo tiêu chuẩn; có cài quai đúng quy cách” là không phù hợp với thực tế. Việc mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn hay không là do sự quản lý của các cơ quan Nhà nước, không nên quy kết cho người dân cố tình đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị: Ban soạn thảo Luật nên điều chỉnh lại là “người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm” là đủ. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm khoản mới là: Cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông. Bởi hành động này sẽ làm cho người lái xe mất tập trung, dễ gây tai nạn giao thông. Nếu người tham gia giao thông cố tình vi phạm có thể bị tước giấy phép lái xe...

QUỲNH HOA - LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết